05/03/2021 19:40  
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đề nghị, huyện Gia Lâm cần đánh giá đúng để khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế đối với sự phát triển của huyện...
Chiều 5/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã làm việc với Huyện ủy Gia Lâm về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2020; phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 và giải pháp giai đoạn 2021-2025.
Tham dự cuộc làm việc có Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành uỷ Hoàng Trọng Quyết; Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn.
Đạt 24/27 tiêu chí lên quận
Trình bày báo cáo tại cuộc làm việc, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt cho biết, năm 2020, huyện Gia Lâm hoàn thành và hoàn thành vượt mức 17/17 chỉ tiêu kế hoạch TP giao. Giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý tăng 8,67%, thu ngân sách trên địa bàn đạt 4.501,4 tỷ đồng (bằng 152,3% dự toán, vượt kế hoạch TP giao). 2 tháng đầu năm 2021, thu ngân sách trên địa bàn đạt 375 tỷ đồng (bằng 15,2% dự toán TP và huyện giao). Công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đô thị, GPMB được quan tâm đẩy mạnh. Năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công đạt 2.387,2 tỷ đồng (bằng 94,6% kế hoạch).
Trong thực hiện xây dựng NTM gắn với xây dựng đô thị, đến nay, huyện có 2 xã đạt NTM nâng cao, 2 xã hoàn thiện hồ sơ trình TP quyết định công nhận NTM nâng cao; 1 xã triển khai kế hoạch NTM kiểu mẫu. Đối với tiêu chuẩn thành quận, huyện đã đạt 24/27 tiêu chí, còn 3 tiêu chí chưa đạt gồm: Cân đối thu ngân sách, cơ sở y tế cấp dô thị, mật độ đường giao thông đô thị.
Về công tác xây dựng Đảng, năm 2020, huyện Gia Lâm tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng, chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chuyên đề. Huyện đã cơ bản hoàn thành thực hiện Đề án 21 và giảm được 28 thôn, tổ dân phố; giảm 763 người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố.
Để phấn đấu hết năm 2023, huyện Gia Lâm đáp ứng tiêu chuẩn thành lập quận theo chỉ đạo của TP, huyện Gia Lâm kiến nghị Thành ủy quan tâm, chỉ đạo 4 lĩnh vực như: Quy hoạch; đầu tư; quản lý đô thị và phân cấp. Cụ thể, đối với lĩnh vực quy hoạch, điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội khu vực Đông Anh, Gia Lâm, Yên Viên và Long Biên. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô trên địa bàn. Phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch vùng huyện; lập, thẩm định và phê duyệt đồ án quy hoạch vùng huyện Gia Lâm đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2050 tỷ lệ 1/25000.
Đối với lĩnh vực đầu tư, sớm ban hành Quyết định quy định sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đầu tư công. Đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đáp ứng tiêu chí thành lập quận, phường giai đoạn 2021-2025. Đối với tiêu chí thành lập quận, huyện Gia Lâm đã đạt được 24/27 tiêu chí, trong đó có 2 tiêu chí hạ tầng chưa đạt: Cơ sở y tế cấp đô thị đạt 1,02 giường/1.000 dân (tiêu chuẩn ≥ 2,4 giường/1000 dân); Mật độ đường giao thông đô thị đạt 9,34km/km² (tiêu chuẩn ≥ 10km/km²). 
Đối với lĩnh vực quản lý đô thị, huyện Gia Lâm đề nghị TP chấp thuận chủ trương giao UBND huyện Gia Lâm nghiên cứu, xây dựng phương án tổng thể đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải phân tán trên địa bàn từ nguồn vốn ngân sách huyện; có cơ chế đặc thù để đặt tên cho tuyến đường, phố trên địa bàn huyện trong thời gian tới. Chỉ đạo Sở TN&MT sớm xem xét, thẩm định phương án đấu giá quyền sử dụng đất để thuê đất vào mục đích bãi chữa, trung chuyển vật liệu xây dựng để huyện triển khai thực hiện theo quy định.
Đối với lĩnh vực phân cấp, huyện đề nghị TP phân cấp cho huyện được hưởng 100% tiền sử dụng đất các doanh nghiệp nộp khi thực hiện dự án thu hồi đất trên địa bàn. Phân cấp tối đa nguồn thu cho nhóm huyện đầu tư xây dựng thành lập quận được hưởng giai đoạn 2022-2025, sau phân cấp, dự kiến huyện Gia Lâm cơ bản tự đảm bảo cân đối ngân sách (năm 2022 đạt 100,4%)…
Quá trình đô thị hóa phải gắn với kinh tế đô thị
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ ghi nhận những kết quả tích cực trong triển khai nhiệm vụ của huyện Gia Lâm trong những năm qua. Điều này đã đưa huyện là đơn vị phát triển sôi động, năng động; tăng trưởng kinh tế cao, thu ngân sách tăng vượt bậc; tốc độ đô thị hóa, bộ mặt đô thị cũng tăng rất nhanh. “Với đà này thì đến năm 2023 Gia Lâm có thể lên quận được” - Bí thư Thành ủy đánh giá.
Theo Bí thư Thành ủy, là đơn vị đi sau nên Gia Lâm có lợi thế hơn các đơn vị đi trước, có điều kiện để đi thẳng vào xây dựng đô thị xanh, thông minh, hiện đại. Gia Lâm là huyện có diện tích đất rộng, sự thay đổi về mặt dân số cũng rất tích cực khi nhiều tầng lớp trẻ sẽ về ở các khu đô thị, làm việc tại các nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh nên trình độ dân trí sẽ được nâng cao. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông của huyện cũng thuận lợi, cách trung tâm TP chỉ 8km; huyện cũng là vùng đất có bề dày lịch sử, gắn với truyền thống dựng nước và giữ nước, có nhiều di tích cấp quốc gia nhất, nhiều làng nghề nổi tiếng. Chính vì thế, Bí thư Thành ủy đề nghị huyện Gia Lâm cần đánh giá đúng để khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế đối với sự phát triển của huyện.
Bí thư Thành ủy cũng lưu ý, với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, Gia Lâm cần phải giải bài toán hài hòa lợi ích, giải quyết sinh kế của người dân, coi đây là nhiệm vụ chính trị, cần bàn tay của Nhà nước, cần sự lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, phải phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp trong lòng đô thị. Quá trình đô thị hóa phải gắn với kinh tế đô thị, ngay từ bây giờ phải tính đến bài toán chợ đêm, trung tâm thương mại, các ngành nghề áp dụng công nghệ… để phát triển kinh tế đô thị.
"Nếu phát triển đô thị không gắn với phát triển nghề nghiệp thì sẽ xuất hiện các tòa nhà không có ai ở. Nhưng nếu phát triển kinh tế mà không gắn với đô thị hóa thì sẽ dẫn đến xung đột, thiếu hạ tầng. Đừng để xây dựng những đô thị mới rồi sau này lại quay lại giải bài toán quy hoạch” - Bí thư Thành ủy lưu ý.
Bí thư Thành ủy cũng gợi mở Gia Lâm cần lấy văn hóa làm động lực, nền tảng phát triển bền vững. Cùng với đó, chú trọng phát triển du lịch sinh thái gắn với làng nghề, nông nghiệp sinh thái. Quan tâm phát triển hạ tầng sản xuất; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, thay đổi từ tư duy, nhận thức, tầm nhìn; tập trung khắc phục những vấn đề còn tồn tại, những vấn đề dân sinh bức xúc.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Hà Nội   Việt Nam   doanh nghiệp   du lịch   hạ tầng kỹ thuật   kiến nghị   quy hoạch   sản xuất   trung tâm thương mại   Đầu tư   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...