18/10/2020 21:20  
Có thể lòng can đảm, sự quyết tâm vượt qua khoảng tối của hoàn cảnh để đi tới vùng sáng hơn là một trong những điểm chung lớn nhất của tôi và tác giả Tara Westover”, Bích Lan nói.

Bích Lan là dịch giả nổi tiếng của hàng loạt tác phẩm như: “Triệu phú khu ổ chuột”, “Cuộc sống không giới hạn”, “Phật  ở tầng áp mái”, “Cọ hoang”, “Một đêm duy nhất”, “Lời nguyện cầu từ Chernobyl”...  Chị đồng thời là tác giả của nhiều tập thơ được độc giả gần xa biết đến.

Mặc dù phải nghỉ học từ năm lớp 8 vì căn bệnh căn bệnh loạn dưỡng cơ nhưng Bích Lan đã vượt lên những khoảng tối của số phận và hoàn cảnh để khẳng định mình bằng con đường tự học. Bích Lan là tấm gương đầy nghị lực đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người khi đối diện với những điều không may mắn trong cuộc sống.

 Cảm xúc của chị như thế nào khi cuốn sách “Được học” do chị chuyển ngữ đoạt giải C sách Quốc gia vừa qua?

Tất nhiên là tôi rất vui. Tôi hiểu, giải C Sách Quốc gia trao cho cuốn “Được học” - tự truyện của Tara Westover là trao cho một tác phẩm nước ngoài có ảnh hưởng tích cực đến bạn đọc Việt Nam thông qua bản dịch của tôi chứ không phải trao cho một công trình dịch hoàn hảo.

Nếu mọi người đọc cuốn “Được học”, mọi người sẽ thấy cuốn sách đó cổ vũ sự can đảm đi tìm sự thay đổi cuộc đời thông qua con đường giáo dục của những người phụ nữ.

Trong quá trình dịch tác phẩm này, chị gặp những khó khăn gì?

Tôi phải khẳng định rằng, tác phẩm này không dễ dịch chút nào. Tara khi viết cuốn sách này khi đã là Tiến sĩ của Đại học Cambridge. Văn phong và câu chuyện của cô ấy viết phức tạp chứ không đơn giản. Nhưng vì thông điệp nổi bật, câu chuyện vừa lạ, vừa kỳ quặc nên nó thu hút bạn đọc. Mọi người có thể vì sự hấp dẫn lạ lùng đó mà có thể vượt qua được những ái ngại khi tiếp cận cái khó.

Đặc biệt, ngôn ngữ dịch phải chuyển tải được dòng chảy cảm xúc không êm đềm của sách. Dịch cuốn sách đó là việc theo chân tác giả, quan sát bằng tâm trí để hiểu và tường thuật, kể lại hàng nghìn tình huống và ý nghĩ bằng tiếng mẹ đẻ của mình cho bạn đọc nước mình.

Trong quá trình dịch tôi phải nạp thêm kiến thức về giáo phái Mormon (Mặc Môn), về chứng rối loạn lưỡng cực, về khí hậu vùng núi Idaho, quần thể kiến trúc của trường Cambridge...

Tôi cũng dành khá nhiều thời gian “nghiên cứu” tác giả qua các bài viết, những cuộc trả lời phỏng vấn, các chương trình giao lưu với độc giả của cô ấy. Thậm chí, tôi còn đọc các phản hồi của độc giả nói tiếng Anh về cuốn sách này, để đảm bảo mình hiểu tác giả của cuốn tự truyện mà mình đang dịch.

Chị mất bao lâu để dịch xong tác phẩm này?

So với thể loại tự truyện thì tác phẩm này khá dày. Bởi vì nó không dễ dịch nên tôi đã dành khoảng 5 tháng để dịch. Và người biên tập cuốn sách cũng phải làm việc cùng tôi khoảng 2 tháng nữa. Đây là cuốn sách đã lọt vào con mắt kén đọc của tỷ phú Bill Gate và luôn đứng ở vị trí “best seller” của New York Times, Amazon. Tất nhiên, nếu bản dịch mà ra, người đọc sẽ có sự so sánh với bản gốc nên chúng tôi phải làm rất kỹ.

Trong các dịch giả hiện nay, Bích Lan là một tên tuổi được nhiều bạn đọc yêu mến và đánh giá cao thông qua các tác phẩm đã xuất hiện trên thị trường. Với một người như chị, tác phẩm như nào sẽ gợi nhiều cảm hứng cho chị để bắt tay vào dịch?

Trước hết, khi chọn một tác phẩm để chuyển ngữ, tôi sẽ dựa vào trực giác của tôi. Tức là tôi thấy cuốn sách đó phải khiến cho tôi thích nhiều lắm. Chẳng hạn, cuốn “Được học” của Tara cũng có nhiều câu chuyện tương đồng với tôi. Tara cũng tự học nhiều như tôi vậy.

Tôi chỉ có thể dịch tốt những cuốn mà tôi thích thôi. Nghĩa là mình có thể theo chân tác giả hoặc giống kiểu “xỏ vào giày” của tác giả. Chỉ khi đó thì tôi mới đủ sức để dịch tác phẩm đó.

Chị có nói, nhiều câu chuyện của Tara trong “Được học” tương đồng với chị ở ngoài đời. Có thể hiểu sự đồng đó ở những ngữ cảnh nào?

Tôi chỉ được đi học đến hết lớp 8. Bệnh nan y loạn dưỡng cơ đã cắt đứt con đường đến trường của tôi và kể từ đó, tôi hoàn toàn tự học.

“Tự học” chỉ gồm hai từ ngắn ngủi nhưng việc thực hiện nó lâu dài và để đạt được thành quả, đòi hỏi bạn phải có sự nỗ lực, ý chí, sự kiên nhẫn và lòng nhiệt tình ở mức độ cao.

Chính vì bản thân tôi kiếm được từng con chữ một cách rất khó khăn nên khi gặp câu chuyện của Tara, sự đồng cảm dành cho cô ấy đã mách bảo tôi phải tìm cách chia sẻ, lan tỏa câu chuyện này tới các bạn đọc của mình, nhất là những người trẻ tuổi và các bậc phụ huynh.

Tôi biết rất rõ cái cảm giác cô ấy mệt nhoài khi học đến hai giờ sáng và tôi cũng hiểu vì sao cô ấy dành nhiều giờ ở thư viện đến thế. Không chăm chỉ như vậy làm sao cô ấy làm sao có được thành công của ngày nay?

Có thể nói, chúng tôi khá giống nhau ở nhiều điểm. Có thể lòng can đảm, sự quyết tâm vượt qua khoảng tối của hoàn cảnh để đi tới vùng sáng hơn là một trong những điểm chung lớn nhất của chúng tôi.

Chị miệt mài dịch sách và có những cuốn sách kéo dài hàng mấy tháng liền, điều đó có ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ của chị?

Tất nhiên, với tôi, mọi việc đều khó khăn hơn những người bình thường vì căn bệnh tôi gặp phải từ bé. Nhưng nó cũng có điều dễ đó là sự say mê và tập trung cao độ.

Tôi nghĩ rằng, nghề dịch sách đã chọn tôi, cũng có thể gọi đó là một cái duyên. Nhưng càng làm việc, tôi lại càng thấy yêu thích, có thể nói là tôi chấp nhận “cuộc chơi” dịch thuật.

Về phía độc giả, nhiều người coi việc đọc một tác phẩm cũng như đi ngắm cây hoa hồng đẹp, cũng có người đi đến bụi hoa hồng để tìm gai. Cả hai đối tượng đó đều giúp ích cho tôi. Tôi tiếp nhận họ với một tinh thần rất cởi mở.

Chị đã bao giờ nhận được những phản hồi trực diện kiểu chê bai thẳng thừng và yêu mến cuồng nhiệt từ phía độc giả?

Có chứ, quyển nào cũng có ai đó đăng lên mạng xã hội hoặc đọc xong rồi sẽ than phiền với bạn bè về những điều họ không thích trong cuốn sách. Chẳng hạn, câu này như dịch giả chuyển ngữ sai, mặc dù họ chưa đọc nguyên tác. Cũng có thể họ phát hiện ra dịch giả chuyển ngữ chưa tốt và họ có thể chuyển ngữ tốt hơn.

Phải nói rằng, tất cả các dịch giả văn học bây giờ đều phải rất tôn trọng độc giả vì họ có nguồn nguyên tác và có điều kiện so sánh với nguyên tác rất dễ dàng. Không phải như ngày xưa là internet không có nên họ không tiếp cận được với nguyên tác, người dịch muốn dịch thế nào thì dịch.

Bên cạnh những lời chê thì tôi cũng nhận được không ít những lời ngợi khen. Tuy nhiên, với tôi, món quà lớn nhất là khi tác phẩm mình dịch được mọi người đọc. Đọc xong, họ có thể chê hoặc khen nhưng kể cả khi họ chê cũng là đã thành công vì ít nhất họ đã đọc tác phẩm. Việc họ đọc bằng cảm xúc như thế nào mình cũng đều tôn trọng và tiếp thu mọi ý kiến góp ý.

Cảm ơn chị đã chia sẻ thông tin.

Hà Tùng Long

Nguồn tin: dantri.com.vn


Cuộc sống   New York Times   Triệu phú   Việt Nam  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...