18/01/2021 12:25  
Khi phát biểu nhậm chức ngày 20/1, Biden được dự đoán sẽ truyền thông điệp đoàn kết dân tộc, song nó không được phép là lời kêu gọi sáo rỗng.

Đồi Capitol, nơi Tổng thống đắc cử Mỹ sắp đưa ra bài diễn văn, hai tuần trước chứng kiến một vụ bạo loạn chưa từng có, nơi đám đông ủng hộ Tổng thống Donald Trump xông vào tìm cách lật ngược kết quả bầu cử. Một số kẻ còn dùng cờ Mỹ làm vũ khí ở chính nơi các đời tổng thống trước đây đã tiến hành chuyển giao quyền lực trong hòa bình.

"Trong mắt nhiều người trên thế giới, buổi lễ 4 năm một lần mà chúng ta coi như lẽ thường tình này lại không khác gì một phép màu", tổng thống Ronald Reagan tuyên bố trong bài phát biểu nhậm chức năm 1981.

Năm nay, Biden có thể sẽ phải phá vỡ 150 truyền thống lễ nhậm chức khi ông không thể quay về phía người tiền nhiệm ngồi ngay phía sau để cảm ơn vì đã thực hiện chuyển giao quyền lực một cách suôn sẻ. Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ không dự lễ nhậm chức của Biden.

Trump thậm chí chưa chúc mừng Biden, quá trình chuyển giao quyền lực giữa hai chính quyền cũng đã diễn ra rất khó khăn và không ai có thể mô tả nó là "trong hòa bình". Thủ đô Washington kể từ sau vụ bạo loạn Đồi Capitol ngày 6/1 đã được tăng cường an ninh tối đa nhằm chuẩn bị ứng phó với nguy cơ biểu tình ngày nhậm chức do những người ủng hộ Tổng thống Trump thực hiện.

Tất cả kết hợp lại mang đến cho Biden một thách thức "chưa từng có tiền lệ" trong bài diễn văn nhậm chức của mình, bình luận viên Tamara Keith từ NPR nhận định.

"Không một khuôn mẫu nào mà Biden có thể làm theo với vị thế hiện tại", Jeff Shesol, nhà sử học từng viết diễn văn cho cựu tổng thống Bill Clinton, đánh giá.

Chi tiết về bài phát biểu của Biden hiện vẫn được giữ kín. Ông bước chân vào Nhà Trắng với thách thức hàng đầu là đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng Covid-19 đã cướp đi sinh mạng hơn 400.000 người dân Mỹ và đẩy hàng triệu người rơi vào cảnh tuyệt vọng về kinh tế.

Năm 1933, trong diễn văn nhậm chức, cựu tổng thống Franklin Delano Roosevelt đã thẳng thắn thừa nhận sức tàn phá khủng khiếp của cuộc Đại Suy thoái.

"Hàng loạt công dân thất nghiệp phải đối mặt vấn đề sinh tồn nghiệt ngã và một lượng lớn không kém đang chật vật với nguồn thu nhập bấp bênh. Chỉ kẻ lạc quan ngu ngốc mới có thể phủ nhận những thực tế đen tối hiện nay", Roosevelt tuyên bố trong bài diễn văn đến nay vẫn được nhớ tới với câu nói nổi tiếng: "Điều duy nhất chúng ta phải sợ hãi chính là nỗi sợ hãi".

Biden sẽ phải phát biểu trước đất nước trong bối cảnh hầu hết đảng viên Cộng hòa đều nói họ không tin kết quả bầu cử năm 2020 là chính xác.

Năm 2001, cựu tổng thống George W. Bush cũng phải đối mặt với thách thức tương tự khi đưa ra bài phát biểu nhậm chức trong lúc nhiều người dân Mỹ vẫn còn phẫn nộ sau một cuộc bầu cử gây tranh cãi mà kết quả chỉ được định đoạt bởi phán quyết của Tòa án Tối cao.

"Đôi khi khác biệt của chúng ta quá sâu sắc, có vẻ như chúng ta cùng sống trên một lục địa chứ không phải một quốc gia", Bush nhấn mạnh trong diễn văn nhậm chức, đồng thời cảm ơn đối thủ vì đã thách thức kết quả bầu cử "với tinh thần cao thượng và kết thúc nó bằng lòng khoan dung".

Biden hiện tại cũng phải đối phó với những rạn nứt sâu sắc trong xã hội Mỹ được phơi bày sau các cuộc biểu tình đòi bình đẳng sắc tộc hồi mùa hè năm ngoái và nay là cuộc bạo loạn Đồi Capitol.

Nhà sử học tổng thống Russell Riley cho biết năm 1968-1969 là thời điểm có thể được so sánh với bối cảnh hiện nay. Lúc bấy giờ, cựu tổng thống Richard Nixon lên nắm quyền khi đất nước chìm trong các cuộc bạo loạn, biểu tình phản đối chiến tranh và vừa trải qua cú sốc vì vụ ám sát mục sư Martin Luther King Jr. và tổng thống Robert F. Kennedy.

"Đó là một đất nước bị chia rẽ và Nixon hiểu rõ rằng sứ mệnh chính của ông là hàn gắn", Riley từ Trung tâm Miller thuộc Đại học Virginia bình luận. "Đấy không phải một từ thường gắn liền với Nixon vì các sự kiện xảy ra những năm sau đó, nhưng chắc chắn vào tháng 1/1969, nó là thứ chiếm lĩnh tâm trí ông".

Trong bài diễn văn năm 1969, Nixon kêu gọi người dân Mỹ triệu hồi những phiên bản thiên thần tốt hơn của chính họ.

"Chúng ta bị vướng vào chiến tranh, đang muốn hòa bình. Chúng ta bị giằng xé bởi chia rẽ, đang muốn đoàn kết", Nixon nói. "Chúng ta nhìn thấy xung quanh mình những cuộc đời trống rỗng, đang muốn được lấp đầy. Chúng ta nhìn thấy những nhiệm vụ cần phải làm, đang chờ bàn tay thực hiện chúng. Với một cuộc khủng hoảng tinh thần, chúng ta cần câu trả lời của tinh thần. Để tìm ra câu trả lời đó, chúng ta cần nhìn vào chính chúng ta".

Mặc dù nhiệm vụ của Biden là thử thách độc nhất vô nhị, các bài diễn văn nhậm chức hầu như luôn ẩn chứa thông điệp hàn gắn.

"Các nhà lập quốc đặt rất nhiều trách nhiệm lên một tổng thống sắp nhậm chức với nhiệm vụ đoàn kết dân tộc, khi đất nước đang bị chia rẽ và tổn thương nặng nề như hiện nay", nhà sử học Michael Beschloss nhận xét.

Chủ đề lễ nhậm chức của Biden là "Nước Mỹ Thống nhất", nhưng trong phát biểu hồi tuần trước, ông thừa nhận điều hiển nhiên rằng nước Mỹ đang chia rẽ. "Chúng tôi đã nhìn thấy rõ ràng những gì mình sẽ phải đối mặt", Biden nói trước khi nhấn mạnh rằng ông vẫn vô cùng lạc quan về tương lai.

Theo người viết diễn văn Shesol, trong bài phát biểu của mình, Biden sẽ phải đối diện một tình huống khó xử phức tạp.

"Ông ấy cần kéo người Mỹ xích lại gần nhau, nhưng cũng phải chứng tỏ rằng ông không quá ngây thơ", Shesol nhận định. "Tôi nghĩ những lời kêu gọi sáo rỗng điển hình về đoàn kết dân tộc mà bạn thường thấy trong các diễn văn nhậm chức thực sự sẽ không phát huy tác dụng ở đây".

Vũ Hoàng (Theo NPR)

Nguồn tin: vnexpress.net


Covid   Covid-19   Donald Trump   Nhà Trắng   Trump   Tổng thống   khủng hoảng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...