24/02/2021 0:25  
Biden chọn một loạt chuyên gia về Trung Quốc cho nội các, tiếp tục cách tiếp cận cứng rắn với Bắc Kinh trong chính sách "trục xoay sang châu Á" mới.

Mặc dù Tổng thống Joe Biden bổ nhiệm vào các bộ chủ chốt một loạt cố vấn kỳ cựu từ thời chính quyền Barack Obama, những nhân sự này phản ánh sự đồng thuận sâu sắc của lưỡng đảng hiện nay trong việc đưa ra chính sách cứng rắn hơn để cạnh tranh với Trung Quốc. Các nhân sự trong nội các của Biden, bao gồm Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, đã nói rằng Trung Quốc là mối đe dọa chiến lược lớn nhất đối với Mỹ.

Sarah Kreps, giáo sư về chính phủ và luật tại Đại học Cornell, cho biết đội ngũ chính quyền mới đã thể hiện họ sẽ vạch ra một con đường khác Obama trong chính sách với Trung Quốc. Biden đã cảnh báo sẽ "cạnh tranh khốc liệt" với Bắc Kinh, khác với nỗ lực thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược trước đây của Obama.

"Chính quyền đang phát đi tín hiệu rằng mặc dù nhân sự có nhiều cá nhân giống như một thập kỷ trước, các chính sách sẽ không như vậy", bà nói. "Các chi tiết cụ thể vẫn chưa rõ rệt nhưng sự thay đổi về giọng điệu so với chính quyền Obama là điều rõ ràng".

Biden tuần trước thông báo khởi động một nhóm chuyên trách Trung Quốc thuộc Bộ Quốc phòng để xem xét chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc, mà theo ông là cần có "nỗ lực của toàn chính phủ, sự hợp tác của lưỡng đảng trong quốc hội, cũng như các liên minh và đối tác mạnh mẽ".

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết ông sẽ đặt trọng tâm vào việc đảm bảo lợi thế cạnh tranh trước Trung Quốc và đẩy lùi nỗ lực trở thành cường quốc chi phối thế giới của Bắc Kinh.

Ely Ratner, chuyên gia về Trung Quốc từng là phó cố vấn an ninh quốc gia thời Obama, được chỉ định để lãnh đạo tổ chuyên trách Trung Quốc với tư cách là trợ lý đặc biệt cho Austin. Mùa hè năm ngoái, Ratner là đồng tác giả một bài bình luận kêu gọi Mỹ đưa ra nhiều chiến lược đối phó Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao và vấn đề Biển Đông, đồng thời hợp tác với nước này trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu. Ratner cũng hối thúc Mỹ tăng cường đổi mới và xây dựng các liên minh quốc tế để đối phó với Trung Quốc về thương mại và nhân quyền.

"Một kỷ nguyên cạnh tranh mới và khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc đang dần mở ra", bài bình luận có đoạn viết. "Washington cũng cần phải cập nhật tư duy của mình".

Tại Lầu Năm Góc còn có một loạt nhân sự khác được cho là sẽ cứng rắn với Bắc Kinh. Thứ trưởng Quốc phòng Kathleen Hicks đã mô tả Trung Quốc là "thách thức ngày càng tăng tiến của thời đại chúng ta". Phó trợ lý Bộ trưởng Michael Chase khi làm việc ở nhóm tư vấn Rand đã nghiên cứu về quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc. Chánh văn phòng Lầu Năm Góc Kelly Magsamen từng là trợ lý bộ trưởng quốc phòng phụ trách các vấn đề an ninh châu Á - Thái Bình Dương.

Tại Bộ Ngoại giao, Ngoại trưởng Blinken tán thành cách tiếp cận cứng rắn hơn của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Bắc Kinh, nhưng ủng hộ chính sách tập trung nhiều hơn vào các đồng minh và làm việc trong các khuôn khổ đa phương.

Các nhân sự đáng chú ý khác bao gồm Mira Rapp-Hooper, người từng viết về cách Washington có thể chiếm lại ưu thế kinh tế và quân sự để đối phó Trung Quốc và Nga, hiện là cố vấn cấp cao về Trung Quốc trong việc hoạch định chính sách. Cựu trưởng đoàn đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran của Obama, Wendy Sherman, người đã mô tả Mỹ - Trung là "mối quan hệ trung tâm của thời đại chúng ta", giữ chức Thứ trưởng Ngoại giao.

Melanie Hart được Biden chọn là điều phối viên chính sách Trung Quốc cho Thứ trưởng phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường. Tháng 10/2020, bà là đồng tác giả một báo cáo cho tổ chức tư vấn Trung tâm vì Tiến bộ Mỹ, về một chiến lược toàn diện của Mỹ nhằm chống lại trợ cấp công nghiệp của Bắc Kinh và tập đoàn viễn thông Huawei.

"Mỹ đã gần như không chú ý tới các chính sách công nghiệp bóp méo thị trường mà Bắc Kinh sử dụng để biến Huawei trở thành công ty hàng đầu toàn cầu. Điều này phải thay đổi", báo cáo có đoạn viết.

Về lĩnh vực an ninh, Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) cũng có nhiều chuyên gia về Trung Quốc, những người đã nhiều lần ủng hộ Washington tăng cường thách thức Bắc Kinh. Kurt Campbell, kiến trúc sư trưởng chiến lược "xoay trục sang châu Á" của Obama, sẽ là quan chức cấp cao của Biden về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tại NSC. Campbell và Rush Doshi, người được Biden lựa chọn cho vị trí giám đốc cấp cao về Trung Quốc ở NSC, đã cùng nhau viết bài xã luận vào tháng một, kêu gọi "Mỹ tái can dự nghiêm túc" ở châu Á, bao gồm tăng cường quan hệ đối tác quân sự và tình báo Mỹ trong khu vực và "nỗ lực ngăn chặn chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc".

Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia của Biden, kêu gọi đồng minh "cùng chung tiếng nói" chống lại Trung Quốc, thắt chặt hơn mối quan hệ với các đối tác châu Âu và châu Á, đồng thời kêu gọi chính phủ Mỹ đầu tư nhiều hơn vào các công nghệ mới nổi để cạnh tranh với Trung Quốc.

Cũng tại NSC còn có giám đốc về Trung Quốc Julian Gerwitz, nhà sử học Trung Quốc hiện đại đã viết về các cải cách kinh tế của nước này. Laura Rosenberger, từng làm cố vấn của chính quyền Obama, hiện cũng là giám đốc cấp cao về Trung Quốc tại NSC. Bà đã lên tiếng chỉ trích sự can thiệp của Bắc Kinh vào chính trường Mỹ và cách Trung Quốc tuyên truyền trong đại dịch Covid-19.

Ở lĩnh vực kinh tế, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết Mỹ sẵn sàng "sử dụng một loạt công cụ" chống lại các hành vi "lạm dụng" của Trung Quốc. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã chỉ trích các hành động của Trung Quốc là "phản cạnh tranh, gây tổn hại đến người lao động, doanh nghiệp Mỹ và mang tính cưỡng chế".

Katherine Tai, cố vấn chính của Obama về thực thi thương mại Trung Quốc, sẽ là nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Biden - vai trò quan trọng trong bối cảnh cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa hai cường quốc.

Trong khi đó, trên trường quốc tế, người được đề cử làm đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield đã cam kết chống lại chương trình nghị sự của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc. Phó đại sứ của bà sẽ là Jeffrey Prescott, phó cố vấn an ninh quốc gia và cố vấn cấp cao về châu Á cho Biden khi ông còn là phó tổng thống. Prescott là chuyên gia nổi tiếng về Trung Quốc, đã thành lập Trung tâm Yale Bắc Kinh.

Prescott nói với Reuters hồi tháng 10/2020 rằng Mỹ cần tham vấn ngay lập tức để "xác định các lĩnh vực mà chúng ta có thể có đòn bẩy tập thể đối với Trung Quốc".

"Sai lầm của chính quyền Trump là đi một mình. Điều đó đã cho Trung Quốc một lối thoát", ông nói.

Phương Vũ (Theo SCMP)

Nguồn tin: vnexpress.net


Barack Obama   Covid   Covid-19   Donald Trump   Huawei   Joe Biden   Reuters   Trump   Trung Quốc   Tài chính   Tổng thống   chiến lược   chuyên gia   chính quyền Trump   chính sách   doanh nghiệp   hành vi   hợp tác  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...