23/10/2020 10:20  
Tỉnh Bình Định yêu cầu chính quyền địa phương khẩn trương di dời các hộ dân sống trong vùng nguy hiểm, đồng thời có kế hoạch di giãn dân vùng bị thường xuyên bị ngập lụt đến nơi an toàn.

Theo UBND tỉnh Bình Định, hiện toàn tỉnh vẫn còn gần 3.000 hộ dân với gần 11 nghìn người nằm vùng trũng, thường xuyên bị ngập lụt, chia cắt trong mùa mưa lũ nằm ở TP Quy Nhơn, các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ… Đặc biệt là các xã vùng khu Đông thuộc 2 huyện Tuy Phước và Phù Cát - nơi xem là vùng “rốn lũ” hễ mưa lớn kéo dài là ngập lụt, chia cắt.

Tại huyện Phù Cát, hiện trên địa bàn còn gần 1.300 hộ với hơn 6.200 người ở các xã Cát Chánh, Cát Thành, Cát Hải, Cát Minh, Cát Chánh, Cát Tiến… nằm trong vùng ngập lụt sâu và chịu nhiều tác động bất lợi do bão lũ xảy ra.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát (Bình Định), Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, cho biết để đảm bảo an toàn cho nhân dân trong suốt mùa mưa bão năm nay, huyện đã lên phương án di dời dân đến các địa điểm an toàn. Đồng thời, tập huấn, hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng chống bão lũ an toàn.

“Huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương chủ động triển khai các phương án phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”; yêu cầu các địa phương lập kế hoạch dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh… để cứu trợ khi có mưa lũ xảy ra. Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân tại các vùng rốn lũ trong phòng chống thiên tai, bão lũ, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản trong suốt mùa mưa bão”, ông Kiên nói.

Tại huyện Tuy Phước, theo thống kê hiện có 350 hộ dân với 1.480 nhân khẩu tại các xã Phước Sơn, Phước Thắng, Phước Thuận, Phước Nghĩa, Phước Hiệp và thị trấn Tuy Phước không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Hiện, chính quyền các xã đã sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn cho người dân.

Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước cho biết: “Dù công tác PCTT - TKCN đã được chuẩn bị chu đáo, nhưng chúng tôi luôn nhắc nhở ngành chức năng, chính quyền địa phương không được lơ là, chủ quan với tình hình mưa lũ. Các đơn vị phải cử người túc trực 24/24 giờ, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, lương thực khi có lệnh”.

Theo ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, hàng năm trong công tác phòng, chống với bão lụt, ngoài việc đảm bảo an toàn các hồ chứa thì vấn đề quan trọng nhất là công tác di dời, di giãn dân vùng nguy hiểm, vùng ngập lụt sâu.

“Chẳng riêng gì Bình Định mà các tỉnh miền Trung, năm nào bão lụt thì người dân ở các vùng trũng thấp, những vùng nghèo chưa phát triển mạnh, người dân chưa có điều kiện xây dựng nhà kiên cố hoặc những vùng có nguy cơ cao về ngập lụt phải di chuyển lên vùng mới. Việc này năm nào cũng phải làm vậy nên phải có một kế hoạch dài hơi. Hàng năm cần dành một khoản kinh phí để làm khu tái định cư để di chuyển các hộ dân này đến vùng cao hơn, giúp người dân ổn định cuộc sống", ông Châu nói thêm.

Doãn Công

Nguồn tin: dantri.com.vn


thực phẩm  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...