14/01/2021 17:40  
Dịp cuối năm và lễ Tết, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm nói chung sẽ tăng từ 10 - 15%, do đó giá thịt lợn cũng sẽ biến động. Tuy nhiên, mức tăng sẽ không đột biến do nguồn cung thịt lợn trong nước vẫn đảm bảo.
Ghi nhận diễn biến thị trường cho thấy, trong quý III, quý IV/2020, giá lợn đã giảm. Tuy nhiên, thời gian qua giá lợn tại một số địa phương lại có xu hướng tăng. Phản hồi về vấn đề này tại cuộc họp chiều 14/1, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Trọng nhận định, đây là diễn biến bình thường, do nhu cầu tiêu thụ dịp cuối năm tăng cao. Dù vậy, ông Trọng cho rằng, mức tăng giá thịt lợn sẽ không đột biến.
Sở dĩ vậy, theo ông Trọng là bởi nguồn cung trong nước hiện nay vẫn đảm bảo. Tổng đàn lợn đến nay của cả nước đạt khoảng 27,3 triệu con (tăng 20% so với ngày 1/1/2020), và bằng hơn 87% so với tổng đàn trước khi bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại Việt Nam.
Đánh giá chung cho thấy, trong năm 2020, các tỉnh, TP và 16 doanh nghiệp chăn nuôi đã tổ chức tái đàn, tăng đàn rất tốt. Có đến 16 tỉnh, TP đã tăng đàn trên 100%, riêng Bình Phước tăng đến 168% so với trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi. Hiện, khâu sản xuất - cung ứng - tiêu dùng theo đánh giá của Bộ NN&PTNT là đang có sự hài hoà. 
Bên cạnh công tác tái đàn, tăng đàn trong nước, tại cuộc họp chiều 14/1, Bộ NN&PTNT cũng thông tin thêm về nhập khẩu lợn giống, lợn thịt và thịt lợn. Theo đó, trong năm 2020, đã có 130 doanh nghiệp nhập khẩu 225.494 tấn thịt lợn, chủ yếu từ Nga, Ba Lan, Brazil, Canada, Đức, Hoa Kỳ… Từ 1/1/2021 đến nay, các doanh nghiệp tiếp tục nhập 600 tấn thịt lợn các loại. 
Các doanh nghiệp cũng đã nhập khẩu 43.322 con lợn giống trong năm 2020; từ 1/1/2021 đến nay, tiếp tục nhập thêm 1.360 con lợn giống. Qua đó tạo nguồn con giống phục vụ công tác tái đàn, tăng đàn trong nước. Đối với lợn thịt, trong năm 2020, đã nhập 450.294 con lợn thịt; từ 1/1/2021 đến nay tiếp tục nhập thêm 53.053 con lợn thịt, bổ sung nguồn cung quan trọng cho thị trường trong nước.
Liên quan đến câu hỏi về việc nhập khẩu lợn giống, lợn thịt liệu có ảnh hưởng đến việc kiểm soát dịch bệnh trong nước hay không, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, để lợn được nhập vào Việt Nam thì cần bảo đảm nhiều tiêu chí về chăn nuôi theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE). Khi nhập khẩu vào Việt Nam, lại tiếp tục được cách ly rồi mới được đưa đi giết mổ. “Lợn được lấy mẫu để xét nghiệm, bảo đảm an toàn thú y. Thực tế đã nhập rất nhiều nhưng chưa có trường hợp nào cần phải xử lý. Do đó, tạm thời có thể an tâm về vấn đề dịch bệnh trong nhập khẩu lợn sống...” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin thêm.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Bình Phước   Nông nghiệp   Việt Nam   doanh nghiệp   sản xuất   thực phẩm  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...