23/10/2020 20:20  
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phân tích, tổ chức đưa người lao động ra nước ngoài làm việc theo mô hình phi lợi nhuận, người dân và nhà nước cùng có lợi...

Chiều 23/10, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Một điểm nhận nhiều chú ý trong dự thảo luật là bổ sung quy định, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh được thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thỏa thuận quốc tế.

Ủng hộ quy định này, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) nhận định, việc này mở thêm cơ hội cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đại biểu đề xuất không hạn chế số lượng doanh nghiệp dịch vụ, cốt yếu là đảm bảo điều kiện, việc đưa người lao động ra nước ngoài làm việc trong trường hợp này là thực hiện theo thỏa thuận quốc tế cụ thể.

Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng, quy định này xuất phát từ thực tiễn, được chuyển thành chính sách, sẽ góp phần đưa luật vào cuộc sống. Đại biểu phân tích, cả nước có hệ thống các Trung tâm giới thiệu việc làm của bộ ngành, và các tỉnh, các Trung tâm này thể hiện được 7 nhiệm vụ mà trong Luật Việc làm quy định.

Đồng thời, đây cũng là nơi tạo nguồn, mà các địa phương đã giao cho để thực hiện đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, và các đơn vị xuất khẩu được cấp phép tìm kiếm người đi làm việc đều thông qua các Trung tâm để là một kênh tìm kiếm.

Ông Sơn nhận định, thực chất các Trung tâm việc làm đã thực hiện nhiệm vụ tạo nguồn đưa người lao động đi trong nhiều năm. Người lao động được hưởng lợi mà nhà nước cũng không bị phát sinh thêm bộ máy, biên chế.

Quy định mới này được cho là xuất phát từ mô hình đã tổ chức rất thành công tại một số địa phương như Đồng Tháp. Mở rộng phạm vi để các đơn vị sự nghiệp công lập, không chỉ giới hạn đơn vị trực thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là nhu cầu thực tiễn, tạo thuận tiện cho người lao động, tăng mức độ phân cấp cho địa phương.

Thông tin làm rõ thêm nội dung này tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian vừa qua, nhu cầu nguồn nhân lực nước ngoài từ các địa phương của 2 quốc gia, nhất là Hàn Quốc và Nhật Bản rất lớn. Chính phủ thấy đây là vấn đề mới, đã đồng ý cho 6 tỉnh làm thí điểm, chủ yếu thực hiện thỏa thuận với các địa phương của Hàn Quốc, trong đó chỉ tập trung đưa đi lực lượng lao động ngắn hạn (3 - 5 tháng).

Bộ trưởng khẳng định, việc này phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với Tuyên bố cấp cao ASEAN về lao động di cư mà Việt Nam đã cam kết. Đây cũng là giải pháp để cắt giảm chi phí cho người lao động, bởi vì người lao động không phải trả tiền dịch vụ và tiền môi giới.

Mô hình này cũng không tạo ra tranh chấp với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động vì tính chất phi lợi nhuận. Các Trung tâm chỉ thực hiện nhiệm vụ khi có thỏa thuận giữa Chủ tịch UBND một địa phương của Việt Nam với phía nước bạn, ví dụ là Hàn Quốc. Điều kiện ràng buộc khác nữa là chỉ khi Chủ tịch UBND có thỏa thuận báo cáo với các bộ quản lý chuyên môn như Bộ Tư pháp, Bộ Lao động, Bộ Ngoại giao, đồng ý thì mới tiến hành.

Bộ trưởng Dung nhấn mạnh, như vậy, các Trung tâm chỉ thực hiện việc đưa người lao động đi nước ngoài làm việc khi được giao.

Người đứng đầu ngành Lao động cũng cho biết, từ sau kỳ họp thứ 9 của Quốc hội (thời điểm dự luật được trình xin ý kiến lần đầu) cho tới gần nhất là ngay trong tuần trước, Bộ đã trao đổi lại với cơ quan quản lý lao động của 2 quốc gia đang phối hợp để xuất khẩu lao động là Hàn Quốc và Nhật Bản. Các nước bạn nêu quan điểm, nếu giao cho doanh nghiệp tổ chức việc đưa lao động đi thì không thống nhất. Quan điểm của các nước bạn, đây là hoạt động phi lợi nhuận, mà đã giao cho doanh nghiệp thì ắt sẽ có việc thu phí với người lao động.

“Phía bạn chỉ đồng ý về nguyên tắc là giao cho một đơn vị nào đó, trực thuộc tỉnh tại Việt Nam thực hiện thoả thuận và phải đảm bảo nguyên tắc không thu phí, không vì lợi nhuận. Nếu không giao cho đơn vị phi lợi nhuận thì cũng có nghĩa là cơ hội tạo việc làm cho một bộ phận người lao động của chúng ta sẽ mất đi” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu.

Theo dự kiến chương trình, dự luật sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua cuối kỳ họp này.

Bài: Thái Anh

Ảnh: Quốc Chính

Nguồn tin: dantri.com.vn


Chính phủ   Nhật Bản   Việt Nam   Xã hội   chính sách   doanh nghiệp   dịch vụ  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...