13/01/2021 19:11  
Chiều 13/1, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với tỉnh Bạc Liêu về lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Bà Lâm Thị Sang, Giám đốc Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Bạc Liêu (GD-KH&CN Bạc Liêu) cho biết, trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới (CTGDPT) đối với lớp 1, kết quả có 3 bộ sách giáo khoa được lựa chọn để giảng dạy từ năm học 2020 - 2021.

Cụ thể, có 34 trường lựa chọn bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" và 46 trường lựa chọn bộ "Chân trời sáng tạo" của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; có 42/122 trường lựa chọn bộ "Cánh diều" của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TPHCM.

Nhằm đảm bảo số phòng học cho lớp 1 năm học 2020 - 2021 và các lớp tiếp theo theo lộ trình thực hiện CTGDPT 2018, ngành Giáo dục tiếp tục sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, thực hiện dồn dịch điểm trường và các trường Tiểu học có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất không đảm bảo thành những điểm trường, trường Tiểu học có quy mô lớn hơn để tập trung nguồn lực đầu tư kiên cố, đủ các hạng mục, đảm bảo cho dạy và học.

Về cơ bản đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của tỉnh đủ về số lượng, đảm bảo về cơ cấu và trình độ; được bồi dưỡng, tập huấn về lí luận chính trị, quản lí giáo dục đáp ứng các yêu cầu để thực hiện giảng dạy.

Hiện ngành Giáo dục Bạc Liêu đã hoàn thành bồi dưỡng Mô-đun 1 cho 606 giáo viên dạy lớp 1 năm học 2020 - 2021. Đồng thời, tỉnh đang nỗ lực chuẩn bị các điều kiện để triển khai bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục phổ thông còn lại. 

Theo Sở GD-KH&CN Bạc Liêu, mặc dù trong CTGDPT 2018 đối với cấp Tiểu học có các môn Tin học, tiếng Anh và một số hoạt động giáo dục nhưng Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ chưa có quy định cụ thể việc tuyển dụng các giáo viên này.

Đội ngũ giáo viên cốt cán của tỉnh còn thiếu, thậm chí không có ở một số môn (nhất là các môn mới, môn ghép, các hoạt động giáo dục) nên việc hỗ trợ giáo viên bồi dưỡng thường xuyên, nâng cao năng lực theo chuẩn nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, để đáp ứng thực hiện CTGDPT mới theo quy định thì cần đầu tư xây dựng bổ sung phòng học, phòng phục vụ học tập, phòng bộ môn và thư viện các cấp giai đoạn 2021-2025, với tổng kinh phí hơn 1.819 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhu cầu mua sắm bổ sung đủ thiết bị dạy học là hơn 906 tỷ đồng.

Việc tổ chức dạy môn Tin học đối với điểm lẻ của trường có cấp Tiểu học rất khó tổ chức thực hiện vì không đảm bảo máy móc, thiết bị dạy học cũng như công tác bảo quản.

Đối với việc triển khai CTGDPT 2018, lãnh đạo Sở GD-KH&CN Bạc Liêu kiến nghị Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính cần có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc tuyển dụng giáo viên đối với các môn học, các hoạt động giáo dục mới để đáp ứng cho việc thực hiện CTGDPT mới; về kinh phí thực hiện hoạt động bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý thực hiện CTGDPT 2018.

Kiến nghị Bộ GD&ĐT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hỗ trợ kinh phí cho tỉnh để đảm bảo nguồn vốn thực hiện hoàn thành mục tiêu Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, năm học vừa qua là một năm rất đặc biệt, với dịch bệnh Covid-19 phức tạp. Trước khó khăn này nhưng ngành Giáo dục đã thực hiện thành công mục tiêu kép, trong đó có phương châm "tạm dừng đến trường nhưng không tạm dừng học".

"Và ngành Giáo dục Bạc Liêu đã góp phần vào thành công chung của cả nước cho ngành Giáo dục trong năm học qua", Bộ trưởng chia sẻ.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị, với chương trình học và sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, đề nghị ngành chỉ đạo nhà trường sơ kết trước hết lớp 1 xem có gì còn hạn chế, khó khăn, từ đó đề xuất Bộ xem xét điều chỉnh; việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 tới đây tỉnh đứng ra quyết định, làm sao đảm bảo sự công bằng; kiện toàn nhóm biên soạn tài liệu địa phương, chuyển ra Bộ xem xét quyết định;

Về đội ngũ, UBND tỉnh chỉ đạo ngành phối hợp Cục, Vụ của Bộ rà soát đề án phát triển đội ngũ giáo viên giai đoạn 2021 - 2025.

Về cơ sở vật chất, thiết bị, đề nghị rà soát theo chuẩn quy hoạch, thấy được nhu cầu cần thiết của địa phương, cơ sở giáo dục; khi có nguồn tài trợ thì Bộ sẽ phối hợp hỗ trợ như phòng học máy tính, ngoại ngữ, đặc biệt ở vùng khó khăn.

"Đề nghị tỉnh mạnh dạn phối hợp, kiểm điểm, tháo gỡ kịp thời với các Cục, Vụ của Bộ những vấn đề còn hạn chế, khó khăn của ngành Giáo dục tỉnh", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhận nhấn mạnh.

Huỳnh Hải

Nguồn tin: dantri.com.vn


Covid   Covid-19   Công nghệ   Giáo dục   HCM   TPHCM   Tiểu học   Tài chính   Việt Nam   kiến nghị   quy hoạch   sáng tạo   Đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...