16/04/2021 13:25  
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cảnh báo nguy cơ Covid-19 tái bùng phát tại Việt Nam là rất lớn trong bối cảnh dịch bùng phát mạnh tại các nước láng giềng và thế giới.

Bộ trưởng Long nhấn mạnh nguy cơ này tại hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống Covid-19 với 63 tỉnh, thành, sáng 16/4. Ông yêu cầu phải kiểm soát chặt đường biên và người nhập cảnh, do dịch ở nước ngoài vẫn đang diễn biến phức tạp trong khi nước ta vẫn thường xuyên tổ chức các chuyến bay giải cứu.

Hiện nay khu vực "nóng" nhất là biên giới Tây Nam và các tỉnh Tây Nam Bộ. Bộ trưởng đề nghị các địa phương, đặc biệt là lực lượng biên phòng "giữ thật chặt" khu vực biên giới, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, đảm bảo cách ly. Đây là những chìa khóa quan trọng trong kiểm soát dịch giai đoạn tới.

"Nếu chúng ta lơ là, buông lỏng để xảy ra ca bệnh nhập cảnh, đặc biệt nhiễm biến chủng Anh, Nam Phi, sau đó lây nhiễm vào cộng đồng, thì việc kiểm soát dịch trong thời gian tới sẽ rất khó khăn", Bộ trưởng Long nhấn mạnh.

Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cũng đánh giá hiện nay dịch đã được kiểm soát tốt, đã ngăn chặn kịp thời nhiều đợt bùng phát dịch. Tuy nhiên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và bùng phát trở lại luôn thường trực, đặc biệt tại khu vực Tây Nam Bộ, do tình trạng nhập cảnh trái phép gia tăng và Covid-19 ở Campuchia bùng phát mạnh mẽ.

Campuchia đến nay ghi nhận 4.341 ca nhiễm, trong đó tăng đột biến trong 5 ngày vừa qua với gần 2.000 ca. Đặc biệt, ngày 9/4 Campuchia ghi nhận 576 ca mắc mới, cao hơn tổng số ca nhiễm trong năm 2020 khoảng 500 ca. Từ ngày 15/4, thủ đô Phnom Penh và thị xã Takhmao bị phong tỏa trong 14 ngày để ngăn dịch. Hệ thống y tế Campuchia có nguy cơ vỡ trận và gây hậu quả thảm khốc nếu không thể chặn được đợt bùng phát.

Việt Nam có đường biên giới với Campuchia trên đất liền rất dài, đường hàng không và đường biển. Giới chức y tế cảnh báo nguy cơ lây nhiễm cao nếu không kiểm soát chặt đường biên giới.

Trong khi đó, Thái Lan đang ở đợt bùng phát dịch thứ ba, liên quan đến các quán rượu tại thủ đô Bangkok và đã lây lan ra 70 tỉnh của nước này.

Bộ Y tế khuyến cáo một mặt kiểm soát chặt trên toàn tuyến biên giới, đặc biệt là đường mòn, lối mở, ; mặt khác xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, các tổ chức vi phạm, tiếp tay cho nhập cảnh trái phép. Việt Nam tiếp tục các biện pháp chống dịch trong cộng đồng, như người dân vận động người thân tuân thủ quy định nhập cảnh - cách ly khi về nước.

Năm nguyên tắc phòng chống dịch (5K - Khẩu trang, khoảng cách, khử khuẩn, không tụ tập, khai báo y tế), sử dụng phương châm 4 tại chỗ gồm "phát hiện, chẩn đoán, cách ly và theo dõi".

Hơn 20 ngày qua cả nước không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng, song số ca nhiễm nhập cảnh tăng hàng ngày, có hôm hơn 25 ca. Kể từ ngày 27/1 bùng phát đợt dịch liên quan Hải Dương, Quảng Ninh đến nay, tổng ca nhiễm cộng đồng duy trì 910. Nhiều tỉnh thành hơn hai tháng qua không thêm ca nhiễm mới.

Ngành y tế tiếp tục tiêm vaccine AstraZeneca phòng Covid-19. Đến nay, tổng cộng gần 63.000 người đã tiêm, tại 19 tỉnh, thành phố.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo năm 2020 đại dịch chưa thể kiểm soát được. Nhiều quốc gia tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm tăng trở lại sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế. Hiện trung bình mỗi ngày thế giới ghi nhận 600.000-700.000 ca mới, 1.000-2.000 ca tử vong. Tổng từ đầu dịch đến nay, thế giới ghi nhận hơn 139 triệu ca Covid-19.

Thùy An

Nguồn tin: vnexpress.net


Covid   Covid-19   Khẩu trang   Việt Nam  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...