28/03/2021 14:06  
Tôi học chuyên sinh và luôn có mục tiêu phải thi đậu ngành y đa khoa, trở thành bác sĩ nên ôn thi ngày đêm. Sáng đó, khi đang chạy xe đi học, tôi bị tụt can xi đột ngột và tai nạn ập đến. Bố mẹ tôi kể lại, bác sĩ ở bệnh viện (BV) tỉnh đã nói gia đình chuẩn bị tình huống xấu nhất. Tôi được chuyển tới BV Chợ Rẫy trong tình trạng chấn thương sọ não, viêm màng phổi, gãy 2 quai hàm”, Nguyễn Thị Ngọc Thanh, 23 tuổi, quê ở xã Tân Tiến, H.Đồng Phú, Bình Phước, đang là sinh viên năm cuối Khoa Công nghệ thông tin (CNTT) Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, hồi tưởng.

Hồi sinh sau biến cố

Thanh kể cô hôn mê một tuần, khi tỉnh dậy thì lúc nhớ lúc quên. Lần đầu tiên nhìn mình trong gương sau tai nạn, Thanh sốc nặng khi thấy một bên mặt sưng vù, hàm xệ xuống. Các y bác sĩ biết nữ sinh tai nạn học rất giỏi, sẽ thi y đa khoa thì càng thương và luôn động viên để Thanh sớm bình phục. Cô đã trải qua một tháng điều trị ở BV Chợ Rẫy, BV Răng Hàm Mặt. Được đặc cách tốt nghiệp THPT, nhưng phải gác lại giấc mơ ĐH một năm, Thanh vẫn không nản chí.
Thương cha mẹ một đời tảo tần bên rừng cao su và vườn rau củ, quanh năm lam lũ lo cho các con, sau 3 tháng nghỉ ngơi ở nhà, cô xin đi làm nhập liệu để kiếm tiền và chỉ có 2 tháng để ôn thi ĐH năm sau đó. Điểm thi rất cao, với môn sinh được 9,8 điểm, cô trúng tuyển ngành y học dự phòng, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, nhưng cha mẹ Thanh không yên tâm khi sức khỏe cô chưa hồi phục hoàn toàn.
Với đam mê tin học (giải nhì toàn tỉnh Bình Phước kỳ thi học sinh giỏi môn tin học năm lớp 9), Thanh nộp hồ sơ và trúng tuyển ngành CNTT, Khoa CNTT, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM và luôn là sinh viên xuất sắc trong khoa. Các giảng viên gọi Thanh là “bông hoa hồng”, không chỉ vì là một trong số những sinh viên nữ ít ỏi của khoa, mà luôn giỏi giang trong học tập, năng nổ trong các hoạt động nghiên cứu khoa học.

Giấc mơ từ rừng cao su

Luôn trăn trở về việc CNTT phải có nhiều ứng dụng trong cuộc sống và giúp cộng đồng tốt hơn, Thanh tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa và đưa ra nhiều sáng kiến hữu ích.
Năm 2019, Thanh đoạt giải nhì cuộc thi học thuật ROBOCODE của khoa. Trước đó, đề tài “Áp dụng công nghệ trong canh tác cây cao su” của Thanh đã nghiệm thu và có giấy chứng nhận. Đây cũng chính là đề tài giúp Thanh vào vòng chung kết giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học EUREKA năm 2018. Cơ duyên đưa Thanh tới đề tài này, chính từ rừng cao su gần 2 ha của ba mẹ.
“Nhà cách rừng mười mấy ki lô mét, để cạo mủ cao su phải đi từ 12 giờ đêm, nhiều hôm đi cạo mủ cùng ba mẹ mà gặp trời mưa, thế là chúng tôi phải vào lều ngủ rồi về, vừa tốn thời gian lại không tốt cho sức khỏe nếu ngủ đêm trong rừng. Tôi nảy ra suy nghĩ tại sao không áp dụng công nghệ, từ đó có thể biết được dự báo rừng cao su sắp có mưa, hoặc đang mưa, nên tới rừng giờ nào là phù hợp. Hay tôi cũng lắp những thiết bị cảm biến ở rừng cao su, để đo nhiệt độ trong rừng, cảnh báo cháy rừng, nhất là vào mùa khô, lá rụng rất dày”, cô gái chia sẻ.
Năm 2019, Thanh chủ trì nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường với đề tài “Cây xanh trên vỉa hè”, cô làm mô hình về đề tài trên, sản phẩm vào tới vòng chung kết. Nói thêm về đề tài này, Thanh nói việc trồng cây xanh ở vỉa hè đô thị là hoàn toàn cần thiết. Ứng dụng CNTT trong đề tài này cho phép đo được tán rộng của cây tỏa ra xung quanh bao nhiêu là phù hợp, thiết bị cảm biến được lắp ở các bồn cây cũng cho phép đo độ ẩm đất để tưới tự động hoặc không cần tưới lúc trời mưa, không nhất thiết phải dùng xe bồn để tưới sẽ tốn thêm sức người và bất tiện nếu có đông người di chuyển trên đường.
Từ tháng 11 năm ngoái, Thanh đã đi làm ở một công ty khởi nghiệp về CNTT, nhiệm vụ thế mạnh là marketing về CNTT. Đồng thời, một số giờ trong tuần, Thanh làm nhân viên pha chế trong một tiệm cà phê tại Q.12. Cô chia sẻ, cha mẹ đã vất vả cả đời, lúc nào cô cũng nghĩ tới việc có thu nhập tốt nhất để lo được cho ba mẹ. Trong năm cuối ở trường ĐH, cô nâng cao trình độ tiếng Anh, nâng cao kỹ năng làm sản phẩm và tự học về marketing, kiến thức về quản trị kinh doanh để phát triển sự nghiệp.
Nữ sinh ưu tú khoa CNTT bộc bạch: “Tôi luôn tâm huyết câu nói của một blogger, đó là công việc của lập trình viên không phải là ngồi 8 tiếng một ngày để gõ code. Công việc của họ là thay đổi thế giới, làm cho nó trở nên tốt đẹp hơn. Mẹ tôi luôn kể với các chú dì, “Thanh là tài sản quý giá nhất của cả gia đình”. Tôi cũng luôn nhớ về lời dạy của ba trước khi lên TP.HCM nhập học, đó là con hãy làm sao để những năm tháng thanh xuân của con thật đẹp, để sau này kể cho con cháu nghe. Tất cả những yêu thương của ba mẹ giúp tôi mạnh mẽ hơn, để tuổi trẻ của mình bùng cháy lên trong tất cả những lĩnh vực mà tôi theo đuổi”.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Bình Phước   Công nghệ   HCM   lập trình   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...