30/03/2021 16:30  
ERC-721 đã ra mắt từ lâu, nhưng gần đây số lượng hợp đồng này mới bùng nổ ăn theo cơn sốt NFT (non-fungible tokens).

Hợp đồng thông minh (smart contract) là một khái niệm ra đời từ lâu nhưng ngày nay nó được biết gắn với tiền ảo, giúp việc giao dịch giữa hai cá nhân được tuân thủ đúng quy tắc đặt ra theo những gì đã được lập trình sẵn và tránh rủi ro như một bên bán và một bên quên chuyển tiền hoặc ngược lại. Hợp đồng thông minh cũng không cần bên thứ ba tin cậy để làm trung gian, nhờ đó giảm được chi phí hoa hồng và rút ngắn thời gian giao dịch. 

Ngay từ những ngày đầu ra mắt tiền mã hóa Ethereum, các nhà phát triển đã đưa ra tiêu chuẩn ERC-20 (Ethereum Request for Comments) đặt nền tảng cho các token phát triển trên Ethereum. Token là cách gọi chung của những thứ trên môi trường Internet, từ vật phẩm ảo, dòng tweet cho đến tiền ảo thứ cấp phát triển trên blockchain của Ethereum. 

Nhờ đó, các token dựa trên tiêu chuẩn ERC-20 đã phát triển bùng nổ với hàng trăm đồng tiền ảo cùng hàng triệu hợp đồng. Đến năm 2018, tiêu chuẩn gần như tương tự là ERC-721 được giới thiệu. Khi đó, đây là những tiêu chuẩn dành cho khái niệm còn rất mới mẻ NFT (non-fungible tokens, tức các token độc nhất vô nhị, không thể thay thế). 

Đầu năm nay, các giao dịch NFT bùng nổ cả về số lượng lẫn giá trị khiến thị trường Ethereum nháo nhác, giới truyền thông xôn xao. Bức tranh số được đem bán đấu giá với số tiền kỷ lục 69,3 triệu USD hay bộ sưu tập nghệ thuật của bạn gái Elon Musk được bán với giá 5,8 triệu USD chỉ trong vòng chưa đầy 20 phút chỉ là hai trong số rất nhiều hợp đồng NFT đã hoàn tất chỉ trong ba tháng ngắn ngủi đã qua.

Và giờ đây, người ta đã biết được gần như chính xác số lượng giao dịch NFT (sử dụng tiêu chuẩn ERC-721) đã được thực hiện là bao nhiêu. Theo Coin Metrics, số lượng hợp đồng thông minh dựa trên tiêu chuẩn ERC-721 đã lên đến con số 19.000 hợp đồng. Còn theo Etherscan, con số này là gần 10.000 hợp đồng. Tổng số giao dịch đến thời điểm hiện tại là gần 30 triệu giao dịch, trong đó thị trường này đã đạt tổng giá trị giao dịch là 342 triệu USD, tăng mạnh so với con số chỉ 12 triệu USD của tháng 12/2020.

Dẫu vậy, các chuyên gia vẫn cảm thấy lo ngại về một bong bóng NFT có thể vỡ bất cứ lúc nào. Bởi bản chất của giao dịch NFT là người mua và bán trao đổi cho nhau những chuỗi ký tự được mã hóa, gắn vào ví trên blockchain. Nói cách khác, các giao dịch này chỉ là mua bán sự chứng thực một tài sản nào đó. Vì vậy mới có câu chuyện CEO Jack Dorsey của Twitter bán dòng tweet đầu tiên của mình với giá 2,9 triệu USD nhưng mọi thứ vẫn thuộc sở hữu của vị CEO 45 tuổi này. Và vì thế người mua cuối cùng có thể sẽ mua phải quả bong bóng phát nổ bất cứ lúc nào. 

Phương Nguyễn

Nguồn tin: ictnews.vietnamnet.vn


CEO   chuyên gia   lập trình  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...