23/01/2021 13:10  
Sản lượng giảm 50% so với năm 2020 do lo ngại ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng các hộ làng nghề bánh in An Lạc vẫn cố gắng duy trì sản xuất để mang hương vị Tết về với mọi nhà.

Chiếc bánh in là sản phẩm không thể thiếu của người dân Quảng Nam - Đà Nẵng trong dịp lễ tết. Bánh dùng để thờ cúng tổ tiên, cúng giao thừa hay dọn cùng bánh mứt khác mời khách dịp năm mới.

Thời điểm đầu tháng Chạp, đến thăm làng bánh in An Lạc (xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) bạn sẽ nghe được tiếng kêu của máy xay bột, tiếng gõ lốc cốc của người thợ đổ bánh ra khuôn và đặc biệt là mùi thơm nức mũi của nếp mới, đậu xanh quanh quẩn khắp đường làng, ngõ xóm.

Ông Huỳnh Tấn Ánh (62 tuổi) với 25 năm gắn bó với nghề làm bánh in tại làng An Lạc chia sẻ, xưa kia làng An Lạc có rất nhiều người làm bánh, nhưng đến nay chỉ còn vài hộ sản xuất thường xuyên.

Vào dịp cận Tết, bà con trong vùng với gần 20 hộ lại hối hả làm ra những mẻ bánh mới, kiếm thêm thu nhập, tiếng gõ lốc cốc vang vọng khắp nơi như báo hiệu Tết cổ truyền đang đến gần.

Cơ sở bánh in Lợi Phổ của ông Huỳnh Tấn Ánh có quy mô lớn nhất vùng, sản xuất quanh năm với nhiều loại bánh như: Bánh in nếp trắng, bánh in đậu xanh, bánh dừa nướng, bánh da dẻo. Trong đó, bánh in đậu xanh là loại bánh cổ truyền bán rất chạy dịp Tết, các nhà nghề phải hoạt động hết công suất để kịp đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

"Khi xưa làng nghề làm bánh hoàn toàn thủ công, nhưng hiện nay nhờ áp dụng máy móc hiện đại nên sản xuất thuận tiện hơn, gia tăng năng suất. Vào mùa bánh Tết, cơ sở của tôi phải tăng cường sản xuất, bán ra từ 2-3 tạ bánh/ngày, gấp đôi so với ngày thường. Nhưng năm nay do lo ngại ảnh hưởng dịch bệnh, nên dịp Tết cơ sở giảm sản lượng khoảng 50% so với mọi năm", ông Ánh cho biết.

Máy xay bột, trộn bột, máy in bánh, lò nướng đã giúp công việc làm bánh của người làng An Lạc bớt đi phần vất vả. Với những hộ có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, họ vẫn giữ phương thức làm bánh thủ công bằng việc tự tay in ra những chiếc bánh cổ truyền, có hoa văn mộc mạc, nhưng không kém phần tinh xảo.

Tại cơ sở bánh của gia đình ông Nguyễn Mật (chủ cơ sở bánh in Thanh Vân) người in bánh, người sấy, đóng gói… khung cảnh lao động tất bật những ngày cuối năm. Theo ông Mật, cơ sở bánh của gia đình ông chỉ làm vào dịp Tết, từ đầu tháng Chạp là nhộn nhịp hẳn lên.

Tuy nhiên, sản lượng bánh năm nay của cơ sở giảm 50% so với năm ngoái do lo ngại ảnh hưởng dịch Covid-19; bên cạnh đó giá nguyên liệu và nhân công tăng cũng là một trong những khó khăn của người làm nghề.

"Mọi năm dịp Tết tôi thường sản xuất từ 1,5-2 tấn bánh, nhưng năm nay giảm còn khoảng gần 700 ký, cung cấp thị trường trong và ngoài tỉnh. Lời lãi chẳng bao nhiêu nhưng cũng cố gắng duy trì sản xuất để giữ chân bạn hàng, cũng như giữ gìn nghề truyền thống, mang hương vị Tết gần hơn với mọi nhà", ông Mật chia sẻ.

Vào mùa giáp Tết, hơn 20 hộ làm bánh in quy mô lớn và nhỏ tại làng An Lạc cung cấp cho thị trường hàng chục tấn bánh, tạo việc làm cho nhiều lao động cố định và thời vụ. Đối với công việc gõ khuôn bánh in thì được trả 300.000 đồng/ngày, công đoạn vô bánh là 200.000 đồng/ngày…

Càng cận Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, người làng An Lạc càng tất bật để làm ra những chiếc bánh in truyền thống. Thức bánh ấy tuy dân dã nhưng đã trở thành đặc sản của xứ Quảng, mang hương vị Tết cổ truyền đến gần hơn với người dân mọi miền, gợi nhớ không khí ngày xuân ấm cúng, sum vầy.

Công Bính - Ngô Linh

Nguồn tin: dantri.com.vn


Covid   Covid-19   sản xuất   Đà Nẵng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...