10/04/2021 19:46  

Dẫn dữ liệu từ từ Hiệp hội vận tải biển quốc tế Bimco và công ty môi giới hàng hải Clarksons, tờ Financial Times cho biết trong tháng 3, các hãng vận tải biển đã ký các hợp đồng với các xưởng tàu để đóng 72 tàu mới với tổng công suất 866.000 container 20 feet (TEU). Tổng công suất của lượng đơn hàng mới này gần bằng tổng công suất lượng đơn hàng đóng tàu của năm ngoái và cao hơn hẳn so với lượng đơn hàng kỷ lục 50 tàu với tổng công suất 570.000 TEU vào tháng 6-2011.

Như vậy, trong quí 1, các hãng tàu đã đặt đóng lượng tàu mới với tổng công suất 1.390.000 TEU, vượt tổng công suất của lượng đơn hàng đặt đóng tàu của bất kỳ năm nào trong 6 năm trước đó.

“Bước ngoặt của ngành vận tải container cho thấy mức độ tự tin hiện tại của các chủ hãng tàu và các nhà đầu tư trong ngành này”, Bimco nhận định

Hầu hết các đơn hàng mới đặt đóng những con tàu có kích cỡ gần tương đương tàu container Ever Given có sức chở 20.000 TEU mắc cạn ở kênh đào Suez trong 6 ngày vào tháng trước. Hãng vận tải biển Evergreen (Đài Loan), công ty vận hành tàu Ever Given, là một trong số những công ty đặt số lượng đơn hàng lớn trong tháng trước, với 20 tàu có sức chở 15.000 TEU mỗi tàu.

Peter Sand, Giám đốc bộ phận phân tích thị trường vận tải biển ở Hiệp hội vận tải biển quốc tế Bimco, cho biết dữ liệu đơn hàng mới cho thấy các hãng vận tải biển vẫn yêu thích tàu cỡ lớn bất chấp sự nghi ngại gần đây về những con tàu khổng lồ khi chúng đi qua những tuyến hàng hải dễ tắc nghẽn như kênh đào Suez.

“Tàu siêu lớn là ‘vũ khí’ được yêu thích trong cuộc chạy đua của ngành vận tải container nhằm cải thiện khả năng kiếm lợi nhuận trong dài hạn” Peter Sand nói. Những con tàu có kích cỡ lớn giúp các hãng tàu có lợi thế kinh tế nhờ quy mô, chẳng hạn như chi phí hoạt động giảm và lượng khí thải nhà kính cũng giảm.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành vận tải biển tin rằng sự cố tắc nghẽn ở kênh đào Suez sẽ giúp giá cước vận tải biển duy trì ở mức cao trong một thời gian dài nữa.

Báo cáo mới đây của Ngân hàng đầu tư Jefferies chỉ ra rằng giá cước vận tải container đang ở sát mức cao kỷ lục với Chỉ số cước xuất khẩu container Thượng Hải (giá cước trung bình của vận tải biển từ Trung Quốc đi đến các cảng trên thế giới) ở mức 2.600 đô la/TEU, giảm 10% so với giữa tháng 1 nhưng vẫn đang cao hơn 190% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngành vận tải biển toàn cầu vật lộn với tình trạng công suất dư thừa kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Nhiều hãng tàu đã sốt sắng tìm cách có lợi nhuận trở lại, dẫn đến các vụ sáp nhập và thành lập các liên minh để tập trung nguồn lực.

Giờ đây, các hãng tàu sử dụng lợi nguồn nhuận tăng mạnh giữa lúc giá cước vận tải biển tăng vọt vào năm ngoái nhờ nhu cầu thương mại điện tử và tình trạng thiếu hụt container để ký các đơn hàng đóng tàu mới. Theo dữ liệu của Công ty Blue Alpha Capital, lợi nhuận ròng trong quí 4-2020 của ngành vận tải container toàn cầu đạt 9,1 tỉ đô la Mỹ, cải thiện lớn so với mức hòa vốn trong cùng kỳ năm 2019.

Blue Alpha Capital khẳng định: “Kết quả kinh doanh quí 4 đạt mức tốt nhất trong lịch sử củ ngành vận tải container”. Kết quả kinh doanh khởi sắc trong quí 4 đã nâng lợi nhuận ròng cả năm 2020 của ngành vận tải container lên 15,2 tỉ đô la. Con số nay cao hơn hẳn so với tổng lợi nhuận gần 7 tỉ đô la của các hãng tàu trong 5 năm trước và là cũng mức lợi nhuận hàng năm cao nhất của ngành vận tải container kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Nhiều hãng tàu kỳ vọng đạt kết doanh ấn tượng trong quí 1-2021. Chẳng hạn, hôm 6-4, hãng vận tải biển lớn thứ 4 thế giới, Cosco Shipping (Trung Quốc), dự báo lợi nhuận ròng trong quí 1 của hãng này đạt 15,41 tỉ nhân dân tệ (2,3 tỉ đô la), tăng mạnh so với mức lợi nhuận ròng 44 triệu đô la vào cùng kỳ năm ngoái.

Theo Financial Times, splash247

 

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Hiệp hội   Trung Quốc   doanh nghiệp   khủng hoảng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...