31/10/2020 14:45  
Content_lblContentHtml">

Các ngân hàng trung ương bán ròng 12,1 tấn vàng

Báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho biết các ngân hàng trung ương bán ròng tổng cộng 12,1 tấn vàng trong quí vừa qua, so với lượng mua ròng 141,9 tấn vào cùng kỳ năm ngoái. Các hàng trung ương ở Uzbekistan và Thổ Nhĩ Kỳ bán vàng mạnh nhất lần lượt 22,3  và 34,9 tấn. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Nga có quí bán ròng vàng đầu tiên trong 13 năm qua.

Song cũng cần lưu ý rằng lượng bán ròng này rất nhỏ so với lượng mua ròng hàng quí của các ngân hàng trung ương trong 10 năm qua.

Trong quí 3, vẫn có sáu ngân hàng trung ương tăng mức dự trữ vàng thêm từ một tấn trở lên. Đó là ngân hàng trung ương của các nước Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Ấn Độ, Qatar, Cộng hòa Kyrgyz, Kazakhstan và Campuchia. Ngân hàng trung ương của UAE mua vàng với số lượng lớn nhất, 7,4 tấn.

Lực mua ổn định của các ngân hàng trung ương giúp giá vàng duy trì động lực tăng giá trong những năm gần đây. Nhưng trong năm 2020, dòng tiền mạnh mẽ đổ vào các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) vàng đã giúp giá vàng bứt phá, phá mức kỷ lục 1.921 USD/ounce được thiết lập hồi năm 2011. Giá vàng tăng lên mức kỷ lục hơn 2.075 đô la/ounce hồi tháng 8 trước khi lùi về mốc xung quanh 1.900 đô la/ounce trong những uần gần đây.

Báo cáo của WGC cho biết nhu cầu vàng tổng thể trên toàn cầu trong quí vừa qua giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái, về mức 892,3 tấn, thấp nhất kể từ năm 2009, chủ yếu do sức mua vàng nữ trang tiếp tục suy yếu đặc biệt là ở hai nước tiêu thụ lớn nhất Ấn Độ và Trung Quốc.

Trong quí vừa qua, nhu cầu vàng nữ trang giảm 29% về mức 333 tấn. Đáng chú ý, nhu cầu vàng nữ trang ở Ấn Độ giảm đến 50%. Sự tác động kết hợp từ các lệnh giãn cách xã hội, kinh tế suy yếu và giá vàng cao đã làm giảm nhu cầu vàng nữ trang. Tuy nhiên, cú sụt giảm nhu cầu vàng nữ trang phần nào được bù đắp nhờ nhu cầu của giới đầu tư tăng 21% trong quí 3.

Nhu cầu mua vàng thỏi và vàng xu chiếm phần lớn mức tăng trưởng này khi dòng tiền đổ vào các quỹ ETF vàng chậm lại so với các quí trước. Nhu cầu vàng thỏi và vàng xu tăng 49% trong quí 3, lên mức 222,1 tấn.

Trong quí 3, tổng nguồn cung vàng cũng giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái, về mức 1.223,6 tấn vì sản lượng vàng khai thác ở các mỏ vẫn yếu ớt ngay cả sau khi các hạn chế đi lại kiểm soát dịch Covid-19 đã được dỡ bỏ ở một số nước sản xuất vàng hàng đầu thế giới như Nam Phi. Tăng trưởng nguồn cung từ vàng tái chế đã giúp kìm hãm sự suy giảm nguồn cung tổng thể khi nhiều người dân trên thế giới tranh thủ bán vàng để được giá cao.

Bán vàng để giải tỏa căng thẳng tài chính

Louise Street, nhà phân tích ở WGC, nói: “Không có gì ngạc nhiên khi trong hoàn cảnh hiện tại, các ngân hàng trung ương xem xét đến kho dự trữ vàng của họ. Hầu như tất cả lực bán đều đến từ các ngân hàng trung ương trước đây đã mua vàng từ các nguồn trong nước vì họ muốn tận dụng giá vàng cao vào thời điểm tình hình tài chính của họ đang căng thẳng”.

Một nhà kinh tế giấu tên ở một ngân hàng đa quốc gia nhận định: “Đại dịch Covid-19 làm tăng căng thẳng tài chính đối với nhiều nước khi họ tiếp tục tung ra các chính sách kích thích tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế. Với giá vàng ở mức cao, nhiều ngân hàng trung ương có thể lựa chọn phương án bán bớt vàng từ kho dự trữ để chống chọi khủng hoảng Covid-19. Nếu các ngân hàng trung ương khác đi theo xu hướng này, giá vàng sẽ bị kìm hãm. Vậy nên, ở một khía cạnh nào đó, cuộc khủng hoảng Covid-19 có thể ít nhiều gây bất lợi cho vàng”.

Sugandha Sachdeva, Phó chủ tịch phụ trách bộ phận nghiên cứu kim loại, năng lượng và tiền tệ ở Công ty môi giới chứng khoán và hàng hóa Religare Broking (Ấn Độ), nói: “Việc các ngân hàng trung ương chuyển sang bán ròng có thể tác động đến giá vàng trong ngắn hạn. Điều này kết hợp với bất ổn xung quanh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và hoạt động tái cân bằng của các quỹ đầu tư vào cuối năm có thể khiến hoạt động chốt lời gia tăng trên các thị trường kim loại quí”

Bà dự báo giá vàng có thể giảm về mốc 1.800-1.810 đô la Mỹ/ounce trong ngắn hạn. Bà cho rằng ở ngưỡng giá này, lực mua sẽ tăng lên vì giới đầu tư đánh giá triển vọng dài hạn của vàng vẫn tích cực giữa môi trường lãi suất thấp và các kỳ vọng tăng chi tiêu tài khóa trên toàn cầu.

Bà cho rằng một số ngân hàng trung ương có thể tiếp tục mua vàng vì họ nhận thấy tình hình kinh tế vẫn bất ổn và muốn đa dạng hóa kho dự trữ ngoại hối để tránh phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ, vốn đang bị bào mòn gia trị đáng kể trong thời gian gần đây.

Hồi tháng trước, các nhà phân tích của Ngân hàng Citigroup dự báo nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương sẽ phục hồi vào năm 2021 sau khi yếu đi  trong năm nay so với lượng mua ròng sát kỷ lục của họ trong năm 2018 và 2019.

Theo Bloomberg, Gold.org, Livemint

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Covid   Covid-19   Thổ Nhĩ Kỳ   Trung Quốc   căng thẳng   khủng hoảng   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...