23/10/2020 8:20  
Sau một thời gian thường xuyên tiếp xúc với nguồn nước mang nhiều mầm bệnh, người dân miền Trung ở các vùng bị ngập lụt rất dễ mắc phải các bệnh lý ngoài da.

Theo ThS. BS Lê Thị Mai – Phó Trưởng Phòng chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Da liễu Trung ương, những người tiếp xúc và ngâm nước bẩn lâu ngày có nguy cơ mắc 4 nhóm bệnh về da bao gồm: viêm da tiếp xúc, nhiễm nấm da, bệnh ngoài da do chấn thương và các bệnh ngoài da khác (ví dụ: phản ứng do côn trùng cắn).

Người dân có thể nhận diện các nhóm bệnh này, thông qua các triệu chứng điển hình sau:

Viêm da tiếp xúc

BS Mai chia sẻ: “Việc ngâm mình lâu trong nước ngập là một trong những nguy cơ gây tổn thương tế bào sừng, dẫn đến viêm và kích ứng”.

Biểu hiện lâm sàng của tình trạng viêm da tiếp xúc là xuất hiện các mảng ban đỏ tại vùng tiếp xúc, mụn nước, cảm giác châm chích, bỏng rát và đau nhức

Khi mắc bệnh lý này, người dân cần tránh tiếp xúc với các yếu tố gây kích ứng và giữ khô tổn thương để ngăn ngừa các bệnh da thứ phát. Điều trị hỗ trợ bằng các thuốc có chứa corticoid tại chỗ và kháng histamine toàn thân.

Nhiễm nấm da

BS Mai phân tích, việc tiếp xúc với nước lũ kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm nấm da. Bàn chân nơi tiếp xúc với nước bẩn nhiều nhất nên dễ mắc nấm nhất. Mặc quần áo ẩm và tự ý bôi thuốc có chứa corticoid làm bệnh nặng thêm.

Nổi ban đỏ, mụn nước, trợt loét da kèm theo ngứa nhiều là những triệu chứng điển hình của bệnh.

Bệnh nấm da có thể được điều trị bằng thuốc kháng nấm dưới dạng kem hoặc thuốc mỡ

Bệnh da bội nhiễm do chấn thương

Vết thương do chấn thương thường là tình trạng ban đầu, sau đó là nhiễm trùng thứ phát. Biểu hiện viêm đỏ, sưng tấy như viêm mô bào, hoại tử và nghiêm trọng hơn là nhiễm trùng huyết.

Làm sạch vết thương, bôi mỡ kháng sinh và băng vết thương là một trong những cách điều trị hiệu quả nhất đối với những vết thương bị nhiễm trùng.

Bệnh da do côn trùng đốt, cắn 

Việc bị côn cùng cắn có thể gây tổn thương viêm tại chỗ hoặc toàn thân (dị ứng). Triệu chứng thông thường của vết đốt côn trùng là sẩn huyết thanh. Nghiêm trọng hơn có thể có xuất huyết, hoại tử.

Về điều trị, BS Mai cho biết cần làm sạch tổn thương bằng xà phòng nhẹ, băng ép, bôi các chế phẩm làm dịu và tránh trầy xước để ngăn ngừa nhiễm khuẩn thứ phát (đây là biến chứng phổ biến nhất của những vết đốt này). Bôi các chế phẩm chứa corticoid và uống thuốc kháng histamine để giảm các triệu chứng ngứa và đau là những phương pháp điều trị thích hợp.

Phòng bệnh sau khi nước rút

Theo BS Mai, làm sạch môi trường là giải pháp đầu tiên để phòng ngừa các bệnh lý dễ gặp phải do mưa lũ.

“Nếu nhà bị ngập nước, hãy dùng ủng cao su và găng tay chống thấm nước trong quá trình dọn dẹp. Loại bỏ các vật liệu gia đình bị ô nhiễm không thể khử trùng như thảm, vách thạch cao”, BS Mai khuyến cáo.

Chuyên gia này cũng lưu ý rằng, những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch, đặc biệt là những người đang điều trị ung thư, những người đã cấy ghép nội tạng và những người đang dùng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch, phụ nữ có thai, trẻ nhỏ… nên tránh tham gia các hoạt động dọn dẹp.

Bên cạnh đó, các gia đình nên tuân thủ những nguyên tắc sau để phòng bệnh hiệu quả:

- Giặt quần áo, chăn ga bị nhiễm nước bẩn sớm nhất có thể.

- Không cho trẻ chơi ở vùng nước ngập và không cho trẻ chơi đồ chơi nhiễm nước bẩn. Một số đồ chơi như thú nhồi bông và đồ chơi trẻ em, không khử trùng được nên được loại bỏ.

- Tắm rửa bằng nước sạch, tránh ngâm tay, chân lâu trong nước và cố gắng giữ da sạch sẽ, khô ráo.

- Luôn rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước sạch hoặc bằng chất tẩy rửa tay có cồn.

- Tất cả các vết cắt và trầy xước phải được làm sạch, xử lý bằng chất sát trùng và băng lại ngay lập tức.

- Đến cơ sở y tế ngay khi có thể nếu xuất hiện các triệu chứng bệnh.

Minh Nhật

Nguồn tin: dantri.com.vn


Bệnh viện   ung thư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...