08/12/2020 15:30  
Nội dung trên dark web đã bị ẩn đi bởi những người sở hữu chúng, và nếu muốn truy cập, bạn sẽ cần một phần mềm đặc biệt - cụ thể hơn là một trình duyệt mang tên “Tor”.

Nội dung trên dark web đã bị ẩn đi bởi những người sở hữu chúng, và nếu muốn truy cập, bạn sẽ cần một phần mềm đặc biệt - cụ thể hơn là một trình duyệt mang tên "Tor".

Bạn đã từng nghe về website "Silk Road" chưa? Chính quyền Mỹ đã triệt phá chợ đen trực tuyến nổi tiếng, một thành viên cộm cán của dark web, vào năm 2013. Các bộ máy tìm kiếm không lập chỉ mục bất kỳ website nào trên dark web, có nghĩa là bạn không thể tìm đến chúng bằng cách sử dụng Google, Yahoo, hay bộ máy tìm kiếm yêu thích của mình. Dark web được biết đến như là nơi mua bán các loại hàng hoá và dịch vụ bất hợp pháp, và vì lý do đó, người ta thường nghĩ về dark web như một thứ tăm tối và thô thiển.

Đôi lúc, mọi người sử dụng thuật ngữ "deep web" thay vì "dark web", nhưng chúng là hai khái niệm không giống nhau. Deep web cũng không thể truy cập được bằng các bộ máy tìm kiếm, nhưng nó chủ yếu bao gồm các website và nội dung không được công khai vì nhiều lý do như paywall (nội dung trả tiền mới xem được) hay những quan ngại về quyền riêng tư. Bạn có lẽ vẫn truy cập vào deep web mỗi ngày mà không hề nhận ra điều đó. Ví dụ, nếu bạn đăng nhập vào website của dịch vụ y tế và gửi tin nhắn đến bác sỹ của bạn, hoặc để xem những kết quả xét nghiệm mới nhất của bản thân, thì đó chính là deep web. Truy cập vào mạng intranet của công ty để đọc các tin nhắn nội bộ cũng tương tự. Không phải bởi nó mờ ám hay nguy hiểm, mà bởi nội dung của nó không thể xem được nếu bạn không nắm được thông tin đăng nhập phù hợp. Nội dung deep web chiếm phần lớn internet - theo một số ước tính, "phần lớn" ở đây lên là từ 96% hoặc thậm chí còn hơn nữa.

Sự khác biệt giữa deep web và dark web là nội dung của deep web không truy cập được đơn giản bởi nó bị ẩn đằng sau một quy trình đăng nhập hoặc paywall, trong khi nội dung dark web thì cố tình bị ẩn đi bởi những người sở hữu chúng và đòi hỏi một phần mềm đặc biệt - cụ thể là một trình duyệt mang tên "Tor" - mới truy cập được. Do đó, dù có hàng ngàn lý do để đăng nhập vào deep web, liệu có lý do chính đáng nào để bạn mò mẫm dark web hay không? Chắc rồi!

Tor ban đầu là một phương thức để người dùng giao tiếp với nhau trong khi vẫn đảm bảo hoàn toàn nặc danh, bằng cách gửi những yêu cầu tìm kiếm thông qua một mạng lưới khổng lồ các máy chủ proxy trên toàn thế giới, nhờ đó bất kỳ thứ gì bạn xem đều không thể bị truy ngược lại máy tính của bạn. Tor ngày nay vẫn hoạt động theo cách đó, nhưng nhiều người đã tận dụng ưu thế về tính nặc danh của nó để mua và bán đủ loại hàng hoá phức tạp. Dẫu vậy, người dùng Tor nói chung vẫn có những lý do để duy trì tính nặc danh dù không can dự vào bất kỳ hoạt động phạm tội nào. Tor hữu dụng ở nhiều quốc gia nơi quá trình truy cập internet bị giám sát hoặc giới hạn. Các cơ quan hành pháp và báo chí thường truy cập vào dark web để nắm bắt thông tin trước khi chúng được đưa lên các trang tin chính thống; giới luật sư có thể tìm kiếm thông tin về các đối thủ mà họ sắp phải đấu trí trước toà trên dark web; và mọi công dân lo lắng về quyền riêng tư trực tuyến cũng có thể tham gia thảo luận trên dark web.

Tải Tor ở đâu?

Nếu muốn khám phá dark web, hãy vào website của Tor Project để tải Tor về máy tính.

Tor là viết tắt của "The Onion Router", trong đó "onion" (củ hành) ám chỉ nhiều lớp khác nhau của internet. Trình duyệt này có các phiên bản cho Windows, Mac và Linux, cũng như các thiết bị di động Android và Apple. Một khi bạn tải về và cài đặt Tor, bạn có thể sử dụng ngay, nhưng có một vài vấn đề bạn cần chú ý. Đầu tiên, Tor có tốc độ rất chậm, giống như khi bạn dùng internet kiểu dial-up từ cách đây 20 năm vậy, đơn giản là vì tốn rất nhiều thời gian để các yêu cầu tìm kiếm của bạn đi qua tất cả các máy chủ nặc danh. Thứ hai, có sự khác biệt về cách truy cập trực tiếp vào các website cụ thể. Các website trên dark web kết thúc bằng ".onion" thay vì ".com", ".edu", ".org"... Ngoài ra, các website không có địa chỉ rõ ràng, dễ nhớ như bình thường. Kể cả khi bạn cố tìm phiên bản Facebook dark web (có đấy!), gõ "facebook.onion" cũng chẳng giúp bạn vào được đó đâu, bởi còn hàng tá ký tự và số ngẫu nhiên trộn lẫn trong địa chỉ nữa. Và cuối cùng, bởi mục đích của Tor là để không ai biết bạn là ai hoặc ở đâu, kết quả tìm kiếm của bạn có thể xuất hiện dưới một ngôn ngữ khác, bởi nó cho rằng bạn đang ở đâu đó trên thế giới tuỳ thuộc con đường mà các máy chủ proxy dẫn dắt dữ liệu của bạn.

Ở hầu hết mọi nơi, Tor hoàn toàn hợp pháp, trừ một số ngoại lệ như Trung Quốc và Venezuela. Điều đó không đồng nghĩa bạn có thể tham gia vào những hoạt động bất hợp pháp trên dark web; đơn giản là việc sử dụng hoặc sở hữu Tor không thể khiến bạn gặp rắc rối với pháp luật mà thôi.

Giữ an toàn trên dark web

Hãy thận trọng khi mua các dịch vụ hay sản phẩm, kể cả những thứ không bất hợp pháp, bởi bản chất nặc danh của dark web khiến nó trở thành thiên đường cho những kẻ lừa đảo. Cẩn thận trước các website có thể lây nhiễm virus hay các phần mềm độc hại vào máy tính bạn, từ đó cho phép hacker đánh cắp mật mã hay truy cập webcam của bạn. Ngoài ra, bởi các nội dung bất hợp pháp và "khó nuốt" đầy rẫy trên dark web, và việc truy cập các nội dung bất hợp pháp cũng đã được xem là bất hợp pháp dù cho cơ quan chức năng khó có thể truy ra bạn, bấm và lướt bất kỳ website nào trên dark web cũng phải được tiến hành một cách thận trọng.

Ngoài 3 lớp mã hoá của Tor, trình duyệt này còn xoá lịch sử duyệt web của bạn, xoá mọi dấu vết, và ngăn các website xác định và theo dõi bạn. Các giải pháp bảo mật của Tor không phải là "vô đối", nhưng chúng khá tốt. Bạn phải luôn nhớ rằng nếu sử dụng tên thật, địa chỉ thật, email thật, hay bất kỳ thông tin định danh nào khác ở bất kỳ đâu trên dark web, bạn cũng đang phớt lờ mọi hình thức bảo mật mà Tor mang lại.

(Theo VnReview, HowStuffWorks)

Nguồn tin: ictnews.vietnamnet.vn


Apple   Trung Quốc   Trình duyệt   Windows   dịch vụ   dịch vụ y tế   hành vi  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...