11/04/2021 0:12  
Cái chết đen được coi là một trong những đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại. Đại dịch này đã từng làm giảm dân số toàn cầu từ khoảng 450 triệu người xuống còn 350 - 375 triệu người.

Một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất lịch sử

Bệnh dịch hạch là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất trong lịch sử loài người, nó chỉ đứng sau bệnh đậu mùa.

Trong hàng trăm năm, nguyên nhân gây ra bệnh dịch hạch vẫn là điều bí ẩn và thậm chí nó bị che giấu trong những điều mê tín dị đoan.

Tuy nhiên, dưới sự phát triển của khoa học, sự ra đời của kính hiển vi cuối cùng đã làm tiết lộ thủ phạm thực sự của căn bệnh chết người này. Năm 1894, Alexandre Yersin đã phát hiện ra loài vi khuẩn gây bệnh dịch hạch đó là Yersinia pestis.

Yersinia pestis là một loại vi khuẩn hình que cực kỳ độc hại, nó vô hiệu hóa hệ thống miễn dịch của vật chủ bằng cách tiêm chất độc vào trong các tế bào miễn dịch như đại thực bào, có nhiệm vụ phát hiện vi khuẩn xâm nhập. Một khi các tế bào này bị loại bỏ, vi khuẩn có thể nhân lên một cách nhanh chóng mà không bị cản trở.

Bệnh dịch hạch đặc trưng bởi các hạch bạch huyết bị sưng đau, nổi nhiều ở quanh háng, nách hoặc cổ. Các vết loét trên da trở nên đen. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh dịch hạch có chuyển sang viêm phổi và nhiễm trùng máu gây tử vong với tỷ lệ rất cao.

Trái ngược với thông tin phổ biến, chuột không trực tiếp bắt đầu sự lây lan của bệnh dịch hạch. Nó thật ra là một bệnh trong bọ chét làm nhiễm bệnh cho chuột, khiến chuột trở thành nạn nhân đầu tiên của bệnh dịch hạch. Một người sẽ bị lây bệnh khi bị cắn bởi một con bọ chét nhiễm vi khuẩn dịch hạch hoặc một loài gặm nhấm mà chính nó đã bị nhiễm trùng bởi vết cắn của một con bọ mang bệnh.

Mặc dù ngày nay, bệnh dịch hạch đã có phác đồ điều trị với tỷ lệ thành công cao, nhưng vào thời xa xưa, bệnh dịch hạch lại là một nỗi kinh hoàng của nhân loại.

Trong lịch sử đã ghi nhận nhiều trận đại dịch hạch, gây ra cái chết cho hàng chục triệu người. Điển hình như trận "Đại dịch hạch" bùng phát vào năm 1665 ở Anh với 60.000 người chết; đại dịch bùng phát ở Trung Quốc vào năm 1855 sau đó lan rộng sang tất cả các lục địa có người ở và cuối cùng giết chết 12 triệu người. Tuy nhiên, lần bùng phát dịch có quy mô lớn nhất, với sức tàn phá nặng nề nhất và cũng được nhiều người biết đến nhất chính là sự kiện được gọi với cái tên "Cái chết đen" xảy ra ở châu Âu trong thế kỷ XIV.

 Cái chết đen: Dịch bệnh "quét sạch" một nửa dân số châu Âu

Cái chết đen được coi là một trong những đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại.

Theo quan điểm số đông, bệnh dịch hạch đã từ châu Á lan đến châu Âu vào tháng 10 năm 1347, khi 12 con tàu từ biển Đen cập cảng Messina của Sicilia. Điều bất thường là hầu hết các thủy thủ trên tàu đều đã chết. Một số ít người sống sót lại trong tình trạng nguy kịch, toàn thân bao phủ bởi những nhọt đen rỉ máu và mủ. Chính quyền Sicilia đã nhanh chóng đưa hạm đội tàu này ra khỏi cảng, nhưng đã quá muộn.

Không lâu sau khi bệnh dịch hạch tấn công vào cảng Messina, Cái chết đen đã lan đến cảng Brussilles của Pháp và cảng Tunis ở Bắc Phi. Để rồi sau đó nó đến Rome và Florence, đây là hai thành phố ở trung tâm của một mạng lưới các tuyến đường thương mại phức tạp. Từ đây, nó lan rộng ra nhiều nơi trên thế giới, đến giữa năm 1348, bệnh dịch hạch đã tấn công đến Paris, Bordeaux, Lyon và London. 

Cái chết đen được chia làm 3 nhóm: Dịch hạch thể bạch huyết, dịch hạch thể phổi và dịch hạch thể nhiễm trùng huyết (gây tỉ lệ tử vong cao nhất). Một khi đã bị nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân được ước tính là chỉ có thể sống sót trong vòng 60 - 180 giờ.

Lúc đó, không ai biết chính xác Cái chết đen đã truyền từ người này sang người khác như thế nào và không ai biết cách phòng ngừa hay điều trị. Thậm chí có bác sĩ cho rằng, cái chết tức thời xảy ra khi một linh hồn người bệnh không thoát ra sẽ tấn công người khỏe mạnh đứng gần và nhìn vào người bệnh.

Có nhiều biện pháp quái lạ đã được đưa ra. Như các bác sĩ đã tiến hành hút máu và đun sôi. Ngoài ra, các hành vi mê tín dị đoan như đốt các loại thảo mộc có hương thơm và tắm trong nước hoa hồng hoặc giấm cũng được người dân lúc đó sử dụng để phòng và trị bệnh.

Trong cơn hoảng loạn, có nhiều người khỏe mạnh đã làm tất cả những gì có thể để tránh xa những người đang bị bệnh. Các bác sĩ từ chối gặp bệnh nhân, các linh mục từ chối quản lý các nghi thức tang lễ. Các chủ cửa hàng đã đóng cửa hàng. Nhiều người chạy trốn khỏi các thành phố để về nông thôn với hy vọng sẽ thoát khỏi đại dịch Cái chết đen.

Ước tính có khoảng 75 - 200 triệu người là nạn nhân của đại dịch này trong thế kỷ XIV, trong đó khoảng 50 triệu nạn nhân ở châu Âu. Kết quả các cuộc nghiên cứu cho thấy khoảng 45 - 50% dân số châu Âu chết vì dịch hạch chỉ trong vòng 4 năm.

Tại rất nhiều thành phố đông dân, tỷ lệ thiệt mạng đã vượt quá 50% dân số. Khoảng một nửa dân số Paris, tức 100.000 người, đã thiệt mạng vì Cái chết đen. Đại dịch cũng khiến dân số thành phố Firenze ở Ý giảm từ khoảng 120.000 người xuống còn khoảng 50.000 người vào năm 1338. So với khu vực thành phố thì người dân sống ở những vùng hẻo lánh lại chịu thiệt hại ít hơn.

Sự tàn phá của dịch hạch đã dẫn đến nhiều thay đổi lớn trong xã hội châu Âu. Màu đen u ám bao trùm khắp nơi. Từng hang cùng ngõ hẻm ở thành phố đến làng mạc ngổn ngang xác người bị nổi hạch toàn thân chưa kịp chôn cất. Cuối cùng người ta phải đào những hố chôn tập thể để giải quyết tình trạng này.

Đại dịch Cái chết đen hoành hành ở châu Âu và nhiều nơi khác trên thế giới đã chấm dứt vào năm 1350. Tuy nhiên, ước tính châu Âu đã phải mất 150 năm để phục hồi dân số như trước thời đại dịch.

Minh Nhật

Tổng hợp

Nguồn tin: dantri.com.vn


Trung Quốc   bí ẩn   hành vi  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...