17/04/2021 8:46  

Mong thí điểm sớm

Kế hoạch thực hiện ý tưởng “hộ chiếu vaccin”, tức cho phép người đã tiêm đủ vaccin ngừa Covid-19 nhập cảnh, có thêm những động thái tích cực mới. Tuần rồi, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã cho biết dự tính về những nhóm khách sẽ được áp dụng loại hộ chiếu này.

Theo đó, nhóm đầu tiên là người Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài, trong nhóm này sẽ tính đến doanh nhân có nhu cầu ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh. Nhóm thứ hai là người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đầu tư, kinh doanh, và nhóm thứ ba là khách du lịch quốc tế.

Với nhóm cuối cùng, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trình ban chỉ đạo phương án cụ thể lộ trình mở cửa du lịch. Định hướng ban đầu là du khách từ các nước kiểm soát tốt dịch bệnh, đã triển khai tiêm vaccin đạt miễn dịch cộng đồng. Điểm đến trong nước sẽ là những khu du lịch, nghỉ dưỡng có sự quản lý, kiểm soát được người vào đã an toàn, có quy định kiểm soát đi lại, tiếp xúc trong nước.

Nhiều doanh nhân cho rằng Chính phủ nên thực hiện thí điểm sớm để có những giải pháp căn cơ và an toàn nhằm có thể đón kịp mùa du lịch quốc tế vào cuối năm nay, chậm hơn nữa là sẽ lỡ thêm một mùa du lịch quốc tế, sau khi đã có mùa cuối năm 2019, đầu năm 2020 không trọn vẹn, và mất mùa cuối năm 2020, đầu năm 2021 vừa qua.

“Chúng tôi đã ngừng phục vụ hơn một năm. Du khách cũng đã cuồng chân lắm rồi nên sẵn sàng đi du lịch dù biết chắc phải thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát dịch. Nếu Việt Nam chậm thì “nước sẽ chảy về chỗ trũng” Thái Lan”, ông Thierry Berger, Tổng giám đốc Công ty Du lịch TransTravel, nói.

Ông Berger cho biết nhiều siêu thị ở Pháp, thị trường chính của công ty, đã bắt đầu bán tour khởi hành đến Việt Nam vào tháng 9 tới. TransTravel hiện có khoảng 2.000 khách đã mua tour nhưng phải dời ngày đi do dịch, nay rất muốn lên đường.

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch tập đoàn Thiên Minh, cho rằng chỉ có vài nước có cơ hội mở cửa du lịch sớm như Việt Nam. Vì vậy, nếu bước đầu tiên trong quá trình mở cửa được thực hiện sớm, chính xác và hiệu quả thì năng lực cạnh tranh của điểm đến sẽ vượt lên rất nhiều.

Trước hết, Chính phủ nên thí điểm đón khách ở địa phương có điều kiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ phù hợp và ít tác động đến mùa du lịch nội địa trong hè này. Thêm vào đó, cũng có thể chọn những thị trường tương đối an toàn như Đài Loan, một số tỉnh của Trung Quốc, Úc và New Zealand để hợp tác thực hiện đón du khách an toàn.

“Nếu muốn thí điểm sớm, Chính phủ cần phê duyệt kế hoạch trong tháng này để du lịch kịp đón khách vào tháng 7 tới, muộn hơn nữa Việt Nam sẽ đi sau nhiều điểm đến khác và mất cơ hội”, ông nói.

Địa điểm được cho phù hợp để thực hiện thí điểm là vùng Nam Hội An (Quảng Nam), nơi có nhiều khu nghỉ dưỡng mới, khu sân golf, điểm tham quan ngoài trời đẹp và du lịch nội địa chưa nhộn nhịp; cạnh đó là sân bay Chu Lai có đường bay dài, lại tương đối xa thành phố lớn.

Du khách đã tiêm đủ vaccin, có xét nghiệm PCR âm tính với Covid-19, thực hiện các biện pháp kiểm soát lây nhiễm khác có thể vui chơi, còn nhân viên đón khách gồm nhân viên sân bay, lái xe, khách sạn sẽ được tiêm vaccin và lưu trú tại chỗ. Đây cũng là dạng cách ly khách sạn nhưng có quy mô rộng và du khách được thoải mái hơn. Nếu mô hình này thành công, cơ quan chức năng sẽ có dữ liệu tốt để mở rộng quy mô.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Holdings, cho rằng cần xây dựng hệ thống dịch vụ phục vụ an toàn hay “hành lang xanh” để sớm đón khách quốc tế trở lại an toàn. Hành lang này bao gồm những điểm du lịch, vùng du lịch, khách sạn... được cơ quan y tế, du lịch kiểm định, công nhận và du khách đến Việt Nam sẽ chỉ đi du lịch trong hành lang này cho đến khi Covid-19 được kiểm soát.

“Khả năng lây dịch sẽ được hạn chế đến mức tối thiểu nếu khách đã tiêm đủ vaccin, âm tính với Covid-19 và chỉ vui chơi trong hành lang xanh này”, ông Kỳ nói. Theo ông, nếu phải cách ly thì thời gian năm ngày là đủ để kiểm soát lây nhiễm mà vẫn đảm bảo khách có thời gian để du lịch.

Đón cơ hội nhưng đừng quá kỳ vọng

Theo nhiều doanh nhân, việc thực hiện “hộ chiếu vaccin” là cơ hội, du lịch phải ngay lập tức đón lấy để trở lại thị trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch trên thế giới đang diễn biến thất thường và tình trạng khan hiếm vaccin, doanh nghiệp không nên quá kỳ vọng vào giải pháp này.

Theo ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Saigontourist Group, có rất nhiều việc phải làm để đón khách trở lại. Trong đó, cần phải phục hồi sớm chính sách miễn thị thực nhập cảnh đơn phương cho 22 quốc gia, trong đó có chín nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, bốn nước Bắc Âu vốn đã bị tạm ngừng từ tháng 3 năm ngoái. Các hoạt động quảng bá, xúc tiến cũng cần phải sẵn sàng cùng với các chiến dịch, sản phẩm kích cầu du lịch quốc tế. Trong thời gian dịch bệnh, sản phẩm không chỉ phù hợp với từng thị trường, từng nhu cầu, thị hiếu mới của khách mà còn phải điều chỉnh theo các giải pháp an toàn của điểm đến.

Vấn đề khó khăn hiện tại là chưa biết được thị trường nào thực sự là tiềm năng vì liên quan đến việc kiểm soát dịch để tính toán sản phẩm và cách tiếp cận cho phù hợp. “Có những thị trường Việt Nam rất muốn thu hút nhưng có thể đối tác lại chưa muốn kết nối nên việc thu hút du khách trở lại đầy thách thức”, ông nói.

Theo đó, tuy “hộ chiếu vaccin” là hy vọng để kết nối lại thị trường quốc tế nhưng sẽ khó có sự tăng trưởng mạnh về số lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam trong thời gian tới. Thị trường nội địa vẫn là chủ chốt. Ngay cả Thái Lan, nơi được cho là rất nhanh nhạy trong việc chuẩn bị các bước để mở cửa nhưng hiện tại cũng phải cân nhắc do dịch đang bùng phát.

Theo ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc Công ty Outbox Consulting, có quá nhiều khó khăn khi đón du khách bằng phương thức này trong thời điểm hiện tại trong khi hiệu quả kinh doanh còn là ẩn số.

Để tiếp cận thị trường hiệu quả, doanh nghiệp phải chuẩn bị rất nhiều việc nhưng hiện mọi kế hoạch vẫn còn đang trong trạng thái xem xét nên không thể chủ động. Chưa kể, trong giai đoạn đầu nếu được thực hiện theo đề xuất là giới hạn địa điểm, tập trung vào một số thị trường hay loại hình du lịch như golf thì “miếng bánh” du lịch quốc tế khó chia đều cho các doanh nghiệp. Thêm vào đó, còn là những rủi ro trong triển khai “hộ chiếu vaccin”, kịch bản phản ứng của Việt Nam sẽ ra sao khi có sự cố, nếu lỡ phải đóng cửa trở lại thì thiệt hại về kinh tế của doanh nghiệp sẽ như thế nào.

“Có quá nhiều biến số cho kế hoạch này. Trong khi chưa biết du khách nào được vào, nơi được phép đến có phù hợp với khách hàng của mình hay không mà kỳ vọng nhiều và dồn sức vào đó là khó có hiệu quả”, ông nói.

Chuyên gia này cho rằng “hộ chiếu vaccin” là định hướng dài hạn, chỉ có thể mang lại hiệu quả cao khi điểm đến thật sự mở cửa tất cả các đối tượng du khách, hình thức du lịch. Trong ngắn hạn, có thể xem việc thực hiện ý tưởng này như là cơ hội để thay đổi tư duy quản lý, điều hành nhằm chuẩn bị tốt hơn khi thực sự đón khách trở lại.

Chẳng hạn, để đón khách an toàn, cơ quan quản lý cần có quy trình và yêu cầu doanh nghiệp thay đổi cách tổ chức, vận hành theo những tiêu chuẩn mới. Trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm Covid-19 thì chương trình du lịch khép kín ra sao, bảo hiểm sức khỏe thực hiện như thế nào, các bước phản ứng khi bùng dịch...

“Chúng ta không biết được sẽ có thêm những biến thể nào, khi nào dịch sẽ hết và sẽ có thêm những trận dịch nào nhưng có thể tính toán được mức độ rủi ro có thể và tìm cách quản trị hiệu quả nhất”, ông nói. 

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Covid   Covid-19   Nhật Bản   Thể thao   Trung Quốc   Việt Nam   doanh nghiệp   du lịch   dịch vụ  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...