19/05/2021 8:10  
Một trong những vấn đề quan trọng và cấp bách được dư luận quan tâm hiện nay, đó là tinh thần dám nghĩ, dám làm và bảo vệ cán bộ có tinh thần này vì sự nghiệp chung.

Đây là vấn đề không mới bởi từ thời kỳ đầu của Đổi mới, đã xuất hiện nhiều cách làm hay, hiệu quả, tuy nhiên chắc chắn không khỏi có những sai lầm, có hoang mang, thậm chí có cả sự phản ứng khá quyết liệt. Song, với tinh thần và khí thế Đổi mới, đặc biệt là sự "bảo lãnh" của các vị lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng như Tổng Bí thư Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh… tinh thần này đã trở thành phong trào rộng khắp trong toàn Đảng, toàn dân.

Khi làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tập trung xây dựng Dự thảo quy định về "khuyến khích, bảo vệ cán bộ, đảng viên có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung".

Tại lễ nhậm chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định: "Lãnh đạo Chính phủ tuyên ngôn chủ động phòng ngừa, kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực bằng các cơ chế, giải pháp mạnh mẽ, chặt chẽ, hiệu quả hơn. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích và bảo vệ người đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung".

Đây là chủ trương đúng và cấp thiết bởi công cuộc phát triển đất nước luôn luôn cần sự sáng tạo, cần những nhân tố dũng cảm đi tiên phong.

Song, cái mới là cái chưa có tiền lệ, là cái mong manh giữa thành - bại. Do vậy, để tránh "được" cũng chả "làm vua" nhưng "thua" thì… "thành giặc", cần xem xét thấu tình, đạt lý, tránh oan sai bởi sự oan sai, không chỉ bất công đối với cá nhân họ mà còn làm nản lòng, nhụt chí những cán bộ đương chức.

Có lẽ đã đến lúc cần phải dấy lên tinh thần tiên phong của đầu Đổi mới bởi dù đã có sự phát triển khá mạnh, chúng ta phải vượt qua "cửa ải" của "bẫy" thu nhập trung bình. Muốn vậy, không có cách nào khác, cần một sự bứt phá và muốn có sự bứt phá, không thể không cần đến tinh thần sáng tạo, quyết đoán và muốn có sáng tạo, cần lắm một chính sách bảo vệ cán bộ có những đột phá này không chỉ hiện tại mà cả trong quá khứ.

Trên Tạp chí Cộng sản, ngày 15/9/2020, PGS.TS Dương Mộng Huyền bày tỏ: "Không có đổi mới, sáng tạo nào mà không gặp khó khăn, không có sự dấn thân nào mà không gặp trở lực… Trong đổi mới, sáng tạo, ranh giới giữa đúng và sai rất mong manh, không dễ phân biệt. Vì vậy, cần có sự phân minh, khách quan, công tâm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu trong việc phán xét, tích cực bảo vệ lẽ phải để không làm nhụt chí những người dám nghĩ, dám làm, nhất là trong bối cảnh hiện nay".

Đây cũng là sự mong đợi của lãnh đạo các địa phương như lời của ông Đỗ Đức Duy, Bí Thư Tỉnh ủy Yên Bái: "Chúng tôi là những người lãnh đạo địa phương rất tâm đắc với chủ trương này của Trung ương Đảng. Như vậy, lãnh đạo các địa phương sẽ tự tin và vững tâm hơn khi mình dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám mạnh dạn đổi mới vì mục tiêu phát triển của địa phương, cũng như của đất nước".

Còn theo GS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, trong bối cảnh hệ thống pháp luật của chúng ta chưa thật sự đầy đủ, đồng bộ dẫn đến ranh giới giữa đột phá và sai lầm, giữa đúng và sai rất mong manh. "Người ta nói giữa anh hùng và tội đồ chỉ cách nhau một sợi chỉ thôi", ông Phú nói.

Tóm lại, đã đến lúc cần phải dấy lên phong trào dám nghĩ, dám làm và bảo vệ cán bộ của thời đầu Đổi mới.

Bùi Hoàng Tám

Nguồn tin: dantri.com.vn


Chính phủ   Lãnh đạo   chính sách   sáng tạo  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...