12/10/2020 20:20  
Một số bệnh ung thư có biểu hiện lâm sàng không rõ ràng thời kỳ đầu, nhiều bệnh nhân phát hiện đã ở giai đoạn cuối, dẫn đến việc điều trị không còn hiệu quả.

Ung thư buồng trứng

Ung thư buồng trứng là một trong những bệnh ung thư phụ khoa rất nguy hiểm do tiến triển nhanh và diễn biến âm thầm. Khi các tế bào ung thư đã vượt ra ngoài vùng xương chậu và di chuyển đến ổ bụng thì bệnh đã ở giai đoạn cuối.

Lúc này, các khối u di căn có thể hình thành ở lá lách, gan, phổi, não, hoặc các cơ quan khác cách xa khối u ban đầu, cũng như các hạch bạch huyết nằm ở háng. Đây cũng là giai đoạn muộn nhất, việc điều trị rất khó khăn và hiệu quả không rõ nét bởi khối u đã di căn xa (không kể phúc mạc), bao gồm cả nhu mô gan, tràn dịch màng phổi ác tính.

Phụ nữ có các yếu tố nguy cơ sau đây nên được tầm soát ung thư buồng trứng thường xuyên:

- Có tiền sử gia đình và người thân mắc bệnh ung thư vú, ung thư buồng trứng hoặc các bệnh ung thư liên quan khác;

- Có đột biến gen (như đột biến gen BRCA);

- Chưa từng sinh con hoặc hiếm muộn;

- Sử dụng lâu dài liệu pháp thay thế hormone;

- Tiền sử lạc nội mạc tử cung.

Chị em phụ nữ cũng cần chú ý một số triệu chứng lâm sàng như chướng bụng, đau vùng chậu, bụng…, đặc biệt nếu những triệu chứng này thường xuyên xảy ra thì cần đi khám kịp thời.

Ung thư tuyến tụy

Ung thư tuyến tụy xảy ra khi tế bào ung thư phát triển trong chủ mô của tuyến tụy. Tụy là một tuyến nằm phía sau dạ dày và phía trước cột sống. Tụy sản xuất ra dịch tiêu hoá và các hormone điều hoà lượng đường huyết trong máu. Tế bào của tụy ngoại tiết sản xuất ra dịch tiêu hoá thức ăn, còn tế bào của tụy nội tiết sản xuất insulin và một số hormones khác.

Sở dĩ ung thư tuyến tụy được coi là sát thủ thầm lặng bởi bệnh thường phát triển rất âm thầm và ít gây triệu chứng ở giai đoạn đầu. Hơn nữa, bộ phận này rất ít dây thần kinh, do vậy một khối u trong tuyến tụy có thể phát triển lớn mà không gây đau hoặc các triệu chứng khác.

Bên cạnh đó, tuyến tụy nằm sau dạ dày nên khi tuyến tụy có các triệu chứng hoặc xuất hiện cơn đau thường rất dễ bị nhầm với các bệnh lý về dạ dày như: viêm loét dạ dày, khó tiêu, ruột kích thích…

Hiện nay, phương pháp điều trị hiệu quả nhất với ung thư tuyến tụy là phẫu thuật. Tuy nhiên, với các bệnh nhân ở giai đoạn tiến triển, chỉ có khoảng 20% có thể điều trị theo hướng này. Với hóa trị liệu, tế bào ung thư tuyến tụy ít đáp ứng dẫn đến hiệu quả thấp.

Những trường hợp sau thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc ung thư tuyến tụy, cần đặc biệt lưu ý căn bệnh này:

- Bệnh nhân tiểu đường trên 50 tuổi

- Bệnh nhân bị viêm tụy mãn tính; bệnh xơ nang tụy

- Những người uống rượu bia nhiều, hút thuốc lá và tiếp xúc với chất độc hóa học trong thời gian dài.

Ung thư gan

Ung thư gan khó sàng lọc phát hiện sớm vì ở giai đoạn sớm biểu hiện của bệnh thường mơ hồ, người bệnh ít chú ý tới. Hầu hết trường hợp ung thư gan được phát hiện đều đã muộn. Bên cạnh đó, ung thư gan lại phát triển rất nhanh, một khi ung thư gan ở giai đoạn không thể cắt bỏ thì thời gian sống thêm ngắn, đa phần các trường hợp tử vong trong chưa đầy nửa năm.

Theo thống kê, tỷ lệ tử vong ung thư gan lớn do có tới 80-90% bệnh nhân đến viện khi đã ở giai đoạn muộn, lúc này các biện pháp can thiệp, điều trị rất hạn chế.

Đối với nhóm nguy cơ cao, nên xem xét sàng lọc ung thư gan 6 tháng/lần cho những người trên 40 tuổi:

- Bị nhiễm virus viêm gan B hoặc virus viêm gan C;

- Nghiện bia rượu;

- Gan nhiễm mỡ không do rượu;

- Ăn thực phẩm bị nhiễm aflatoxin trong thời gian dài ;

- Người bị xơ gan do nhiều nguyên nhân khác nhau và người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư gan.

Minh Nhật

Tổng hợp

Nguồn tin: dantri.com.vn


sản xuất   thực phẩm   tiểu đường   ung thư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...