15/04/2021 20:12  
Nhiều trẻ bị cha mẹ bắt học hoặc đặt những kỳ vọng quá lớn trên vai, khi áp lực vượt quá giới hạn chịu đựng, có bé đã tìm đến cái chết hoặc rơi vào trầm cảm.

Con trẻ muốn tìm đến cái chết 

Cậu bé 13 tuổi được cha mẹ đưa đến khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM thăm khám với các biểu hiện rối loạn hành vi cảm xúc và muốn tự tử để kết thúc sự sống chính mình. Qua khai thác các yếu tố tác động, Thạc sĩ Tâm lý Mai Thị Nguyệt ghi nhận, cậu bé sinh ra trong một gia đình gia giáo, luôn nỗ lực vươn lên trong học tập dưới sự kèm cặp rất chặt chẽ của cha mẹ.   

Tuy nhiên, áp lực học tập liên tục như một cỗ máy từ cha mẹ đã khiến cậu bé gục ngã. "Con phải đi học suốt ngày, nào là học ở trường, học ở nhà, học thêm trung tâm ngoại ngữ, học nhạc… Trong đầu con lúc nào cũng ám ảnh chữ "học" không còn thời gian vui chơi cùng bạn bè. Con đã cố gắng hết sức nhưng dường như cha mẹ không hiểu mà còn chỉ trích, so sánh con với người khác", cậu bé nói. 

Từ tâm lý mệt mỏi, chán nản, muốn bỏ học, cậu bé muốn trốn đi đâu đó thật xa để tránh sự kiểm soát và phán xét từ ba mẹ mình. Đứa con ngoan được bậc làm cha, làm mẹ đặt kỳ vọng bắt đầu muốn trốn chạy khỏi gia đình "con thực sự không muốn đối diện với ba mẹ mình nữa vì lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị điểm thấp, không đạt danh hiệu này nọ sẽ xấu hổ và làm cha mẹ thất vọng". Nhưng nguy hiểm hơn, suy nghĩ muốn trốn chạy không thực hiện được, cậu bé đã nghĩ quẩn "lúc này con cảm thấy mình thật tồi tệ, con thấy mình chẳng làm được gì cả, chỉ là kẻ vô tích sự. Con chỉ muốn chết cho xong". 

Một trường hợp khác là cô bé đang học cấp 2 tại TPHCM cũng rơi vào bế tắc và trầm cảm. Là con một trong gia đình nên cô bé được mẹ rất quan tâm, yêu thương. Bé được mẹ giám sát và sắp đặt trong mọi hoàn cảnh. Ngoài việc học tập, vui chơi trong tầm ngắm của mẹ, cô bé thường được mẹ kể về sự thành đạt từ người khác, mang gương sáng trong câu chuyện "Em phải đến Harvard học kinh tế" nhân vật là một thần tượng học tập của giới trẻ Trung Quốc để truyền giảng cho con. 

Tuy nhiên, sự yêu thương và những kỳ vọng quá lớn từ người mẹ đặt lên vai đã khiến cô bé "ngộp thở". Sau cú sốc thi trượt vào một trường chuyên, bệnh nhi cảm thấy tự ti và muốn tìm đến cái chết… Lúc này người mẹ mới tỉnh ngộ hiểu được bản chất gánh nặng về sự kỳ vọng quá lớn và tư tưởng phải "giỏi giang thành tài" đặt lên vai con gái. "Tôi đã sai lầm khi giáo dục con theo kiểu sắp đặt và tạo áp lực kỳ vọng quá lớn". 

Phụ huynh phải học cách ứng xử phù hợp 

Từ thực tế trên, Thạc sĩ Tâm lý Mai Thị Nguyệt chia sẻ: "Hiện nay mỗi gia đình chỉ có từ 1 đến 2 con, vì vậy việc đặt "kỳ vọng" vào con cái từ các bậc phụ huynh là vấn đề dễ hiểu. Thực tế cho thấy, đời sống ngày càng áp lực cao với những yêu cầu ngày một khắt khe nó đòi hỏi trẻ luôn phải nỗ lực để vượt qua, để thành công hay thỏa mãn sự mong đợi của người lớn. Đặc biệt, các bậc cha mẹ luôn đặt ước mơ của mình trên đôi vai các con, việc này gây nên áp lực rất lớn cho trẻ dẫn đến tình trạng stress cho lứa tuổi học sinh ngày càng tăng cao và ở nhiều mức độ khác nhau". 

Stress ở mức độ vừa phải nó huy động nguồn lực giúp con người vượt qua và thành công hơn, tuy nhiên nếu căng thẳng thường xuyên và với cường độ cao thì nó khiến con người khó có thể vượt qua và phá vỡ ứng xử, gây ra cảm giác vô cùng khó chịu, thúc đẩy những hành vi mất kiểm soát có thể gây nguy hiểm cho người khác. 

Không phải ai cũng có kĩ năng giải quyết tốt những căng thẳng tâm lí tiêu cực. Đặc biệt, đối với trẻ em tuổi học đường, giai đoạn phát triển tâm lý lứa tuổi khá phức tạp vì sự phát triển nhanh chóng về tâm lý và thể chất mà cơ thể đôi khi không đáp ứng một cách đồng bộ được, dẫn đến căng thẳng tâm lý gây rối loạn hành vi và cảm xúc của trẻ. Nếu sức khỏe tâm thần của bản thân bị mất kiểm soát sẽ dẫn đến những rối loạn tâm lí gây hậu quả khôn lường. 

Để tránh những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra, khi con trẻ rơi vào trạng thái suy nghĩ thiếu tích cực các chuyên gia tâm lý khuyến cáo quý phụ huynh cần tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến những căng thẳng của trẻ cả trong gia đình và ở nhà trường để giúp trẻ giảm tải áp lực từ học tập đồng thời thiết lập mối quan hệ tích cực từ môi trường gia đình và bạn bè. Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động đoàn đội, vui chơi tập thể và luyện tập thể thao để giảm bớt căng thẳng nội tâm. 

Trong trường hợp trẻ không có dấu hiệu cải thiện, phụ huynh cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ hoặc chuyên viên tâm lý để can thiệp kịp thời, giúp trẻ giải tỏa căng thẳng, tránh tình trạng để trẻ căng thẳng quá lâu dẫn đến rối loạn lo âu hoặc trầm cảm gây ra những hậu quả không lường như: tự hủy hoại bản thân, tự tử hoặc tìm đến các chất kích thích gây nghiện.

Vân Sơn

Nguồn tin: dantri.com.vn


Bệnh viện   HCM   TPHCM   Trung Quốc   chuyên gia   căng thẳng   hành vi  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...