17/10/2020 15:10  
Công an TP.Hà Nội và Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tiếp nhận nội dung tố giác tội phạm của người dân khu vực ao Thùy Dương, tổ 20, P.Quảng An, Q.Tây Hồ, TP.Hà Nội.

Q.Tây Hồ thu hồi đất trái quy định, sai thẩm quyền

Đơn tố giác tội phạm của người dân ở khu vực ao Thùy Dương thể hiện, cuối tháng 8 vừa qua, ông Đỗ Anh Tuấn là Bí thư, Chủ tịch UBND Q.Tây Hồ và ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó chủ tịch UBND Q.Tây Hồ đã chỉ đạo, tổ chức cưỡng chế trái pháp luật, hủy hoại nhà cửa, tài sản của các hộ dân sinh sống tại khu vực ao Thùy Dương.
Đơn cho biết, về nguồn gốc sử dụng đất là tháng 11.1996, UBND TP.Hà Nội có quyết định thu hồi gần 7.000 m2 đất tại P.Quảng An do hợp tác xã nông nghiệp Quảng An quản lý giao cho Công ty Vạn Thiện thuê để xây dựng “khuôn viên ao cá, cây cảnh Thùy Dương”. Nhưng, đến tháng 9.1998, Sở địa chính Hà Nội (nay là Sở TN-MT) mới bàn giao hơn 5.300 m2 đất cho Công ty Vạn Thiện, còn hơn 1.600 m2 đất chưa được bàn giao.
Tháng 6.1999, khi chưa bàn giao đủ đất cho Công ty Vạn Thiện thực hiện dự án, UBND TP.Hà Nội lại ra quyết định thu hồi gần 7.000 m2 đất kể trên đã cho Công ty Vạn Thiện thuê để thực hiện dự án khác. Không đồng tình với các quyết định của UBND TP.Hà Nội, từ năm 1999 Công ty Vạn Thiện và các cổ đông đã có nhiều đơn khiếu nại.
Sau nhiều năm khiếu nại, giải quyết vụ việc không dứt điểm, Công ty Vạn Thiện cùng các cổ đông và nhiều người dân vẫn sử dụng đất ở khu vực ao Thùy Dương được giao. Đến tháng 3.2013, UBND TP.Hà Nội lại ban hành quyết định thu hồi hơn 4.300 m2 đất trong tổng số gần 7.000 m2 kể trên để giao cho UBND Q.Tây Hồ giải phóng mặt bằng, tố chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đã được phê duyệt; giao gần 1.000 m2 đất cho Ban quản lý dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Tây và P.Quảng An quản lý để làm kè, đường đi; giao hơn 1.600 m2 đất kể trên cho UBND Q.Tây Hồ quản lý…
Cuối tháng 8.2015, UBND TP.Hà Nội ra tiếp quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng công trình công cộng có tính chất kinh doanh tại khu vực ao Thùy Dương trên diện tích là hơn 4.300 m2 đất.
Theo tài liệu thu thập được, đến tháng 2.2020, Sở TN-MT Hà Nội có văn bản nêu rõ, việc UBND Q.Tây Hồ ban hành quyết định thu hồi hơn 4.000 m2 đất vào tháng 12.2017 do Công ty Vạn Thiện đang sử dụng để thực hiện dự án xây dựng công trình phục vụ lợi ích công cộng có tính chất kinh doanh tại ao Thùy Dương là "không đúng quy định tại Điều 66 luật Đất đai 2013 và các nghị định hướng dẫn thi hành".
Sở TN-MT cũng kiến nghị Chủ tịch UBND TP.Hà Nội ban hành quyết định giải quyết khiếu nại quyết định thu hồi đất năm 2017 do UBND Q.Tây Hồ, của bà Nguyễn Thị Nhiễu (đại diện theo pháp luật của Công ty Vạn Thiện) là đúng. Đồng thời, hủy bỏ quyết định thu hồi đất do UBND Q.Tây Hồ ban hành vào năm 2017…
Tháng 4.2020, Thanh tra TP.Hà Nội cũng có văn bản báo cáo UBND TP.Hà Nội cho rằng, căn cứ quy định của luật Đất đai qua các thời kỳ thì việc thu hồi diện tích hơn 4.300 m2 đất trong số gần 7.000 m2 đất là trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai. Tuy nhiên, UBND Q.Tây Hồ tiếp tục ban hành quyết định thu hồi đất vào năm 2017 đối với Công ty Vạn Thiện (theo trình tự, thủ tục chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lời ích quốc gia, công cộng) là không đúng quy định pháp luật đất đai, không đúng thẩm quyền thu hồi đất quy định tại Điều 66, luật Đất đai 2013.
Theo đơn tố giác của nhiều hộ dân ở khu vực ao Thùy Dương, về điều kiện thu hồi đất, nội dung quyết định của UBND TP.Hà Nội thể hiện đã điều chỉnh mục tiêu từ dự án “xây dựng công trình công cộng” thành dự án “xây dựng công trình công cộng có tính chất kinh doanh”. Căn cứ vào Khoản 3, Điều 66 luật Đất đai 2013, dự án công trình công cộng có tính chất kinh doanh ở khu vực ao Thùy Dương không thuộc đối tượng thu hồi đất. Theo Nghị định 25 được Chính phủ ban hành ngày 28.2.2020 quy định chi tiết luật Đấu thầu thì dự án có tính chất kinh doanh ở ao Thùy Dương thuộc loại dự án đầu tư và việc thỏa thuận nhận chuyển nhượng thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư.
Người dân ở khu vực ao Thùy Dương cũng cho rằng, do không triển khai giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án nên theo Điều 49, Quyết định 09 ban hành trong tháng 5.2012 của UBND TP.Hà Nội, các quyết định thu hồi đất của UBND TP.Hà Nội ban hành vào năm 1999 và năm 2013 đều đã vô hiệu.
Cuối tháng 12.2019, nhiều người dân ở khu vực ao Thùy Dương có đơn khiếu nại đề nghị hủy quyết định thu hồi đất của UBND Q.Tây Hồ ban hành năm 2017. Không được giải quyết nên tháng 8.2020, người dân tiếp tục gửi đơn khiếu nại lần 2, cũng đã nộp tại UBND Q.Tây Hồ. Khi chưa được giải quyết đơn khiếu nại thì UBND Q.Tây Hồ đã ra quyết định cưỡng chế và thực hiện sau đó khiến người dân bức xúc.

UBND Q.Tây Hồ khẳng định làm đúng quy định pháp luật!

Trong khi đó, cuối tháng 8 vừa qua, UBND TP.Hà Nội có văn bản chỉ đạo giao Thanh tra Thành phố chủ trì cùng Sở TN-MT, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, UBND Q.Tây Hồ rà soát lại cơ sở pháp lý, hiệu lực thi hành các quyết định thu hồi đất do UBND TP.Hà Nội ban hành trước đây.
Nhiều người dân cho rằng, theo chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội thì UBND Q.Tây Hồ phải dừng quyết định cưỡng chế để đợi rà soát lại cơ sở pháp lý, hiệu lực thi hành nhưng vẫn thực hiện cưỡng chế là không đúng, gây bức xúc.
“Ông Đỗ Anh Tuấn - Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND Q.Tây Hồ và ông Nguyễn Lê Hoàng - Phó chủ tịch UBND Q.Tây Hồ đã trái lệnh chỉ đạo của TP.Hà Nội, lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ. Ngày 26.8 vừa qua đã ra lệnh cho hàng trăm người của các lực lượng công an, quân đội, thanh tra, dân phòng, cứu hỏa, cứu thương… rào đường, dừng lều bạt dã chiến, dùng máy xúc, máy ủy… phá hủy hoàn toàn nhiều căn nhà của các hộ dân ở khu vực ao Thùy Dương, gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng…”, đơn tố giác của người dân nêu.
Trao đổi nhanh với Thanh Niên, lãnh đạo Q.Tây Hồ cho rằng, liên quan đến khu vực ao Thùy Dương, người dân có quyền gửi đơn thư, "thực tế họ gửi đơn đến rất nhiều cơ quan". Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cho rằng, Q.Tây Hồ "không dại gì làm việc không đúng để người dân kiện". Ở khu vực ao Thùy Dương, nhiều năm có tình trạng các hộ dân lấn chiếm đất, xây nhà trái phép. Vừa qua, UBND Q.Tây Hồ quyết liệt triển khai cưỡng chế dứt điểm nên người dân gửi đơn thư đến nhiều cơ quan. UBND Q.Tây Hồ thực hiện đúng theo quy định pháp luật, chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội, đồng thời đã báo cáo UBND TP.Hà Nội sự việc.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Chính phủ   Công an   Hà Nội   Nghị định   Tài chính   chính sách   hạ tầng kỹ thuật   hợp tác   kiến nghị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...