03/10/2020 8:05  
Đây là một quyết tâm rất lớn của chính quyền địa phương, cần ghi nhận. Việc làm này thể hiện hiệu lực quản lý nhà nước từ UBND tỉnh Bình Thuận.
Bởi ngay sau khi Báo Thanh Niên phản ánh những trường hợp lấn chiếm đất rừng, hành lang QL28B để xây dựng các trạm dừng chân, UBND tỉnh Bình Thuận đã có những phản hồi tích cực, tiếp thu phản ánh của báo chí và cương quyết chỉ đạo phải tháo dỡ.
Tuy nhiên, phải đến gần một năm sau, các quyết định này mới được triển khai thực hiện. Dù đã tháo dỡ được 4 trạm dừng chân trái phép, nhưng vẫn còn 2 trạm dừng chân khác là: Như Anh và Hoàng Yến nằm sát bên nhau, nơi khúc cua ngoạn mục của đèo Đại Ninh, giáp ranh hai tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận.
Có thể nói, đây là khúc cua có cảnh đẹp mê hồn, hấp dẫn du khách mỗi khi dừng chân. Lợi dụng cảnh đẹp trời cho, các chủ đầu tư đã dựng trái phép những cây cầu “selfie” (tự chụp ảnh - PV) để giữ chân du khách mỗi khi từ Mũi Né lên Đà Lạt và ngược lại. Nhưng du khách không hề biết mình đang đứng trên những cây cầu cực kỳ nguy hiểm cho tính mạng, vì nó có thể sụt lún, sập xuống vực sâu bất cứ lúc nào vì cách làm tạm bợ.
Nếu ngay từ đầu, các cơ quan chức năng kêu gọi, hướng dẫn các doanh nghiệp, các hộ dân lập phương án đầu tư theo đúng pháp luật, thì không xảy ra các vụ việc đáng tiếc như thế này.
Kỷ cương, pháp luật phải được thực thi một cách nghiêm túc. Đây là bài học cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý địa bàn.

Nguồn tin: thanhnien.vn


doanh nghiệp   đầu tư   Mã Pí Lèng   Bình Thuận  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...