06/03/2021 11:11  
Trong khi Trung Quốc cam kết cung cấp nửa tỷ liều vắc xin Covid-19 nội địa cho hàng chục quốc gia, một số nước châu Âu bắt đầu cấm xuất khẩu vắc xin để đối phó tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

Vắc xin Trung Quốc tỏa khắp thế giới

Chiếc máy bay chở các thùng vắc xin Covid-19 của Trung Quốc vừa đáp xuống sân bay Santiago hồi cuối tháng 1 năm ngoái, Tổng thống Chile Sebastian Pinera thốt lên: "Hôm nay là ngày của niềm vui, cảm xúc và hy vọng". Nguồn hy vọng đó là Trung Quốc - nước đã viện trợ vắc xin Covid-19 cho hàng loạt quốc gia trong đó có Chile.

Chiến dịch ngoại giao vắc xin của Trung Quốc đã đạt được thành công bất ngờ: Bắc Kinh cam kết cung cấp khoảng nửa tỷ liều vắc xin Covid-19 cho hơn 45 quốc gia. Bốn hãng dược của Trung Quốc tuyên bố họ có thể sản xuất ít nhất 2,6 tỷ liều trong năm nay. Như vậy, một phần lớn dân số thế giới sẽ không sử dụng vắc xin của phương Tây, thay vào đó là tiêm vắc xin của Trung Quốc.

Trong bối cảnh dữ liệu công khai về vắc xin của Trung Quốc còn khan hiếm, nhiều quốc gia vẫn hoài nghi về mức độ hiệu quả và sự an toàn của loại vắc xin này, cũng như lo ngại mục đích thực sự của Bắc Kinh đằng sau các lô vắc xin viện trợ. Mặc dù vậy, đến nay, hơn 25 quốc gia đã tiến hành tiêm vắc xin của Trung Quốc, Bắc Kinh cũng đã chuyển vắc xin cho 11 quốc gia khác, theo dữ liệu của AP.

Giống Ấn Độ và Nga, Trung Quốc đang cố gắng xây dựng thiện chí, cam kết cung cấp số lượng vắc xin cho nước ngoài nhiều hơn 10 lần vắc xin phân phối trong nước. "Chúng tôi nhận thấy ngoại giao vắc xin bắt đầu cho thấy tác động khi Trung Quốc dẫn đầu về sản xuất vắc xin ở Trung Quốc và cung cấp cho các nước khác", Giám đốc sáng lập của Duke Global Health Innovation Krishna Udayakumar nhận định.

Về phía Trung Quốc, họ nói rằng, họ đang viện trợ vắc xin cho 53 quốc gia và xuất khẩu sang 27 nước. Bắc Kinh cũng bác bỏ ý kiến cho rằng họ đang theo đuổi "ngoại giao vắc xin". Các chuyên gia Trung Quốc phản bác mối liên hệ giữa việc Trung Quốc xuất khẩu vắc xin với việc nâng cao hình ảnh.

Trung Quốc nhắm đến các quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình khi các nước giàu có xu hướng gom các loại vắc xin đắt đỏ hơn của Pfizer và Moderna.
Giống nhiều nước khác, Chile chỉ được tiếp cận một số lượng rất hạn chế vắc xin Pfizer, chỉ 150.000 liều trong số 10 triệu liều mà chính phủ nước này đã đặt hàng. Trong khi đó, công ty Sinovac của Trung Quốc đã cung cấp cho quốc gia Nam Mỹ này 4 triệu liều vào cuối tháng 1, giúp Chile trở thành quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên đầu người cao thứ 5 thế giới.

Chính phủ của Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng đã đặt mua 140 triệu liều vắc xin của Trung Quốc. Ông Widodo cũng là người đầu tiên ở Indonesia tiêm vắc xin Sinovac để khuyến khích người dân đi tiêm chủng. Indonesia cũng như nhiều quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình khác không có nhiều lựa chọn vắc xin Covid-19. Hơn nữa, vắc xin của Trung Quốc có thể bảo quản ở tủ lạnh thông thường thay vì đòi hỏi những điều kiện bảo quản khắt khe hơn như của Pfizer, nên nó dường như có sức hấp dẫn hơn với các quốc gia như Indonesia, một đất nước oi bức. Philippines cũng đã đặt mua 25 triệu liều vắc xin Sinovac.

Vắc xin của Trung Quốc được sản xuất dựa trên một công nghệ lâu đời nên một số cho rằng chúng an toàn hơn các vắc xin sản xuất dựa trên công nghệ mới chưa có nhiều dữ liệu chứng minh của phương Tây mặc dù các dữ liệu công bố cho thấy vắc xin của Pfizer, Moderna và AstraZeneca có hiệu quả cao, còn dữ liệu về vắc xin của Trung Quốc rất khan hiếm.

"Chúng tôi lựa chọn vắc xin này là bởi nó được phát triển dựa trên nền tảng lâu đời và an toàn", Teymur Musayev, một quan chức Bộ Y tế Azerbaijan, cho biết. Azerbaijan đã đặt mua 4 triệu liều Sinovac.

Ở châu Âu, Trung Quốc cũng cung cấp vắc xin cho một số nước như Serbia, Hungary. Serbia là quốc gia châu Âu đầu tiên triển khai tiêm chủng vắc xin Trung Quốc cho người dân hồi tháng 1. Nước này đến nay đã đặt mua 1,5 triệu liều vắc xin của Sinopharm (Trung Quốc). Trong khi đó, không đủ kiên nhẫn để chờ nguồn cung của Liên minh châu Âu, Hungary cũng nhanh chóng phê chuẩn sử dụng vắc xin của Trung Quốc.

Mặc dù vậy, một số nước được nhận viện trợ vắc xin từ Trung Quốc vẫn hoài nghi về mục đích đằng sau chiến dịch ngoại giao vắc xin này của Bắc Kinh. Tại Philippines, nơi Trung Quốc đã viện trợ 600.000 liều vắc xin, một nhà ngoại giao cấp cao cho rằng, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang gửi đi một thông điệp ngầm nhằm giảm bớt sự chỉ trích nhằm vào các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Châu Âu "khóa chân" vắc xin

Thậm chí từ trước khi các hãng dược bắt đầu sản xuất vắc xin Covid-19 quy mô lớn, nhiều quốc gia giàu có ở phương Tây đã đổ tiền để gom mua hàng tỷ liều vắc xin sản xuất ở châu Âu. Tuy nhiên, chiến dịch vắc xin của châu Âu đang đối mặt với hàng loạt thách thức như nguồn cung chậm trễ. Sau hơn 3 tháng triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19, các nước EU đang đứng trước nguy cơ hỗn loạn do thiếu hụt nguồn cung, khiến chỉ mới 10% dân số của khối được tiêm. Tình trạng khan hiếm nguồn cung buộc nhiều nước trong khối phải chặn xuất khẩu vắc xin.

Ngày 4/3, Italia trở thành quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) sử dụng cơ chế cấm xuất khẩu vắc xin của khối này để ngăn lô hàng 250.000 triệu liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca được sản xuất tại Italia xuất khẩu sang Australia. Bộ Ngoại giao Italia cho hay, quyết định được đưa ra do việc thiếu hụt vắc xin thường xuyên tại Italia và EU vì AstraZeneca chậm trễ giao hàng.

Cơ chế cấm xuất khẩu vắc xin Covid-19 sản xuất trong lãnh thổ EU được Ủy ban châu Âu đưa ra hồi đầu năm nay nhằm đảm bảo nguồn cung trong khối. Cơ chế này chủ yếu nhằm vào hãng dược phẩm AstraZeneca bởi thời gian qua EU và hãng dược phẩm này đã có những tranh cãi gay gắt khi AstraZeneca cho biết chỉ có thể cung cấp được 40 triệu liều cho EU trong quý 1/2021, dù trước đó đã cam kết sẽ cung cấp 120 triệu liều. AstraZeneca có các cơ sở sản xuất vắc xin tại Hà Lan, Bỉ, Đức và Italia. Ủy ban châu Âu đang cân nhắc gia hạn cơ chế trên đến cuối tháng 3.

Pháp cũng đang cân nhắc kích hoạt cơ chế này để đảm bảo nguồn cung cho chương trình tiêm chủng trong nước. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran ngày 5/3 nói: "Tất nhiên, tôi hiểu những gì Italia làm. Chúng tôi có thể hành động tương tự. Chúng tôi đang thảo luận với Italia cũng như với tất cả các đối tác châu Âu để có một bước tiếp cận về vấn đề này".

Chỉ trích động thái này của các nước EU, cựu Bộ trưởng Brexit của Anh David Davis mô tả việc ngăn chặn xuất khẩu vắc xin là "đáng hổ thẹn" và "gây rủi ro đối với thiện chí của các nước còn lại". Trong khi đó, giới ngoại giao EU bảo vệ quyết định của Italia, mặt khác chỉ trích hành động của AstraZeneca đặt châu Âu vào tình thế nguy hiểm khi dịch bệnh vẫn căng thẳng.

Minh Phương
Theo AP, Guardian

Nguồn tin: dantri.com.vn


Azerbaijan   Chính phủ   Covid   Covid-19   Innova   Trung Quốc   Tổng thống   chuyên gia   căng thẳng   sân bay   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...