14/04/2021 12:25  
Chỉ số quản trị môi trường của Hà Nội là 2,96, TP HCM 2,82 trên thang điểm 10, theo báo cáo do UNDP và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN công bố sáng 14/4.

Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) cho thấy, ngoài Hà Nội, TP HCM, còn 14 tỉnh thành có chỉ số quản trị môi trường ở mức thấp (quản trị kém) là Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Phòng, Đà Nẵng, Kon Tum, Đăk Lăk, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Dương.

Tiến sĩ Đặng Trường Giang, thành viên nhóm khảo sát, cho biết hơn 600 khảo sát viên đã tìm hiểu gần 15.000 người dân, mỗi người phỏng vấn từ 45 đến 60 phút, ở 416 xã, 208 huyện trên cả nước. "Các tiêu chí đánh giá bao gồm: Tỷ lệ người biết về chất lượng không khí, chất lượng nguồn nước sinh hoạt tại nơi cư trú; phát hiện của người dân về hiện tượng dự án hoặc doanh nghiệp đầu tư vào địa phương trốn tránh nghĩa vụ bảo vệ môi trường", tiến sĩ Giang nói thêm.

Trong thang điểm 10, chỉ số quản trị môi trường của Hà Nội chỉ đạt 2,96, TP HCM là 2,82, trong khi đó Đồng Tháp cao nhất 5,2. Trong ba chỉ số thành phần là nghiêm túc trong bảo vệ môi trường, chất lượng không khí, chất lượng nước thì điểm của Hà Nội lần lượt là 0,92; 1,61 và 0,42; TP HCM là 0,88; 1,59 và 0,34.

Về chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, TP HCM thuộc nhóm thấp nhất cả nước với 6,36 điểm, Hà Nội ở nhóm trung bình thấp với 6,6 điểm. Đồng Tháp tốt nhất với 8,12 điểm, cao nhất trong 9 năm khảo sát.

Ông Giang nói chỉ số tham nhũng được xây dựng dựa trên bốn thành phần, kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương, kiểm soát tham nhũng trong lĩnh vực dịch vụ công, công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công và quyết tâm phòng chống tham nhũng.

Hà Nội cũng có chỉ tố tổng hợp hiệu quả quản trị và hành chánh công cấp tỉnh thuộc nhóm thấp nhất cả nước với 41,6 điểm, TP HCM là 41,9 điểm trong khi đó Quảng Ninh đạt 48,8 điểm, cao nhất cả nước.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho rằng nghiên cứu trên là cơ sở để đánh giá hiệu quả hoạt động của các tỉnh thành, qua đó giúp các nhà hoạch định chính sách kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.

"Các phát hiện của báo cáo ngày càng được Quốc hội, Chính phủ sử dụng nhiều hơn trong văn kiện, trở thành một chỉ báo công bằng, có chỗ đứng trong công luận, phục vụ cho việc đổi mới, cung ứng dịch vụ công", ông Dũng nói.

Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh được công bố từ năm 2009, mỗi năm công bố một lần gồm tám chỉ số: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở, công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình với người dân, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính công, cung ứng dịch vụ công, quản trị môi trường và quản trị điện tử.

Trong đó có 29 nội dung thành phần với hơn 120 chỉ tiêu chính được thể hiện qua hơn 500 câu hỏi.

Gia Chính

Nguồn tin: vnexpress.net


Bình Phước   Chính phủ   HCM   Hà Nội   Việt Nam   chính sách   doanh nghiệp   dịch vụ   hành vi   Đà Nẵng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...