07/03/2021 12:40  
Trưởng ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân Trương Gia Bình đề xuất, Chính phủ đồng ý cho phép các doanh nghiệp tư nhân xử lý vấn đề vướng mắc hiện tại của sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam.
Chung sức khắc phục nghẽn lệnh chứng khoán
Tại cuộc gặp mặt các doanh nhân, trí thức tiêu biểu với chủ đề "Đối thoại 2045" diễn ra chiều 6/3 tại TP Hồ Chí Minh, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT (đồng thời là Trưởng ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân) do Chính phủ thành lập, phát biểu: Hơn lúc nào hết đất nước Việt Nam, từng người dân cần chung khát vọng lớn đưa đất nước trở nên hùng cường.
"Khát vọng không phải trên giấy mà phải chuyển sang doanh nghiệp, sang từng người dân, cùng mơ ước có những phát minh sáng chế cả thế giới cần và sử dụng... Để có khát vọng đó chúng ta cần một niềm tin lớn của người dân vào Chính phủ, niềm tin của Chính phủ với người dân.
Chính phủ tin tưởng vào cộng đồng doanh nghiệp, là bà đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Đó là niềm tin Việt Nam trở thành quốc gia tận dụng tốt cơ hội, hòa nhập vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0", ông Bình cho hay.
Theo đó, ông đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép các doanh nghiệp tư nhân xử lý vấn đề vướng mắc hiện tại của sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam. 
Trước đề nghị này, Thủ tướng nhắc lại câu chuyện khi ông sang Nhật Bản thì thấy có 2.000 người Nhật và người Việt làm việc cho FPT về phần mềm. Thủ tướng cho biết, khi sàn chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) trục trặc, ông đã yêu cầu các cơ quan xử lý ngay kiến nghị của FPT, xử lý ngay các trục trặc của sàn giao dịch chứng khoán mà không cần sử dụng ngân sách. 
Đề xuất của người đứng đầu tập đoàn FPT đưa ra trong bối cảnh hệ thống giao dịch tại HoSE đang gặp áp lực lớn khi dòng tiền rót vào chứng khoán tăng đột biến từ nửa cuối năm 2020 đến nay, có những phiên đạt hơn 19.000 tỷ đồng.
Thanh khoản tăng mạnh đã vượt qua năng lực dự phòng của hệ thống công nghệ thông tin tại HoSE (tối đa 900.000 lệnh), gây ra tình trạng nghẽn lệnh, lệnh vào hệ thống chậm hoặc không vào được, các bước giá mua và bán hiện thị trên bảng điện không khớp nhau ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao dịch của nhà đầu tư.
Trước tình trạng trên, các cơ quan quản lý đã đưa ra một số giải pháp tạm thời như nâng lô giao dịch tối thiểu trên sàn HoSE từ 10 lên 100 cổ phiếu/lệnh, chuyển một số cổ phiếu từ HoSE sang HNX trên tinh thần tự nguyện, đề xuất nâng lô lên 1.000 cổ phiếu/lệnh…
Một biện pháp căn cơ để dứt điểm hiện tượng này là triển khai hệ thống công nghệ thông tin mới cho toàn thị trường chứng khoán (KRX). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến công tác triển khai hệ thống mới có sự chậm trễ và nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn sẽ khó kiểm soát được tiến độ. Theo dự kiến hệ thống mới có thể triển khai từ cuối năm nay trong điều kiện thuận lợi.
Để từng doanh nghiệp và đất nước phát triển
Doanh nghiệp có gánh nặng rất lớn về doanh thu hàng ngày, hàng quý, hàng năm, bởi đằng sau đó còn là hàng nghìn, hàng trăm nghìn người lao động. Song, gánh trên vai cả một cơ ngơi được xây lên từ mồ hôi nước mắt, họ cũng không thể chỉ nghĩ đến tương lại ngắn hạn một vài năm.
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Công ty Masan, một tập đoàn chỉ trong thời gian rất ngắn đã chiếm vị trí top đầu lĩnh vực tiêu dùng với triết lý Keep Going, cho biết, để hướng tới mục tiêu nền kinh tế năm 2045, Việt Nam đi sau về đích trước, giải pháp nằm ở đổi mới nền tảng cạnh tranh, tìm năng lực cạnh tranh vượt trội.
Theo ông Quang, hiện nay, nền kinh tế toàn cầu đang hội nhập, vấn đề quan trọng là chuỗi cung ứng, tạo năng lực cạnh tranh cho chuỗi cung ứng. Xuất khẩu nông sản rất lớn, tuy nhiên hiện nay, hạ tầng của chuỗi cung ứng và phân phối luôn là trở ngại. Tình trạng được mùa nhưng giá thấp, khi giá cao lại không có sản phẩm.
Bên cạnh đó, vấn đề then chốt để đẩy mạnh phát triển nền kinh tế là hạ tầng cung ứng và phân phối. Chi phí công đoạn sản xuất đến tiêu dùng chiếm khoảng 30% giá thành. Nếu giảm thiểu chi phí trong lưu thông hàng hóa, sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, hàng hóa lưu thông tốt hơn, doanh nghiệp có năng lực tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn.
Vấn đề thứ hai là nền tảng công nghệ. Nhà nước chuyển đổi từ nền kinh tế, quản lý truyền thống, sang nền kinh tế số hóa.
Và cuối cùng, cần hướng công nghệ gắn đến phát triển xanh và tái tạo năng lượng. Rất cần động lực, định hướng của Chính phủ, như chi ngân sách vào xe điện...
Ông Nguyễn Đăng Quang nhấn mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh và định hướng tiêu dùng từ Chính phủ sẽ tạo động lực cho phát triển.
Tiếp lời, Chủ tịch Tập đoàn THACO, ông Trần Bá Dương đã chia sẻ tầm nhìn phát triển của doanh nghiệp trong 10, 20 năm với câu hỏi: Làm thế nào để đất nước phát triển và từng doanh nghiệp phát triển. Ngoài ra, muốn phát triển chúng ta sẽ làm thế nào?
Ông Dương cho hay, THACO khi đầu tư vào ngành công nghiệp ô tô tham gia vào chuỗi công nghiệp theo chuẩn quốc tế với việc tăng cường tỷ lệ nội địa hóa. Đến nay, THACO đã có những thành công nhất định, năm 2020 xuất khẩu đứng đầu trong các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước và xuất khẩu.
Mục tiêu tăng trưởng hàng năm của THACO từ 10% đến 20%, đa dạng hóa hoạt động kinh doanh như đầu tư vào ngành nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa; tập trung phát triển logistics để phục vụ chuỗi cung ứng cho 2 ngành ô tô và nông nghiệp.
Theo đại diện THACO, trong thời gian tới nhất thiết phải tập trung đầu tư và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có tính kế thừa để phát triển bền vững. Vì vậy, THACO đã liên kết với nhiều đơn vị để phát triển nhân lực như ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh để đầu tư vào nguồn nhân sự chất lượng cao, được đào tạo đúng với nhu cầu; xây dựng nền tảng quản trị và sử dụng công nghệ số.
"Doanh nghiệp phát triển thì đất nước phát triển. Những chia sẻ, trao đổi hôm nay, THACO sẽ cam kết thực hiện". 
Thủ tướng đánh giá cao những kết quả, tinh thần doanh nhân mãnh liệt của ông Trần Bá Dương, trong đó có việc giúp đỡ các doanh nhân khác.
Cuộc gặp mặt hôm nay giữa Thủ tướng Chính phủ với đại diện cho nhiều doanh nhân tiêu biểu, nhiều học giả lớn của Việt Nam để lắng nghe, thảo luận về các sáng kiến hay góc nhìn của những doanh nhân thành đạt, những học giả uyên bác với một mục tiêu cốt lõi là "đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng vào năm 2045".
Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Thủ tướng lắng nghe những kiến giải để thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế đất nước trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành trên khắp thế giới, cũng như tận dụng cơ hội để chuyển hóa những khó khăn, thách thức thành những thời cơ, lợi thế để phát triển đất nước nhanh hơn, bền vững hơn.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Covid   Covid-19   Khát vọng   Mục tiêu   Nhật Bản   Tập đoàn   Việt Nam   doanh nghiệp   kiến nghị   logistics   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...