25/10/2020 15:15  

Biểu tượng cho sự trỗi dậy ngoạn mục của Hàn Quốc

Thông báo của Tập đoàn Samsung cho biết ông Lee qua đời trước sự chứng kiến của các thành viên gia đình là vợ và ba người con gồm Jay Y. Lee, con cả và cũng là con trai duy nhất của ông, người đang giữ cương vị Phó Chủ tịch Samsung Electronics và được xem là người thừa kế  Tập đoàn Samsung.

Thông báo không đề cập đến chi tiết bệnh tình của ông Lee nhưng ông đã nhập viện và nằm liệt giường từ cách đây sáu năm sau một cơn đột quỵ. Thông báo cho biết: “Chủ tịch Lee là một người có tầm nhìn xa trông rộng thực sự và đã biến chuyển Samsung từ một doanh nghiệp địa phương trở thành nhà sáng tạo và thế lực công nghiệp hàng đầu thế giới. Di sản của ông sẽ trường tồn”.

“Ông Lee là một nhân vật biểu tượng cho sự trỗi dậy ngoại mục của Hàn Quốc và cách mà Hàn Quốc đón nhận toàn cầu hóa, do đó, sự ra đi của ông sẽ được nhiều người dân Hàn Quốc tưởng nhớ”, Chung Sun Sup, Giám đốc điều hành Công ty nghiên cứu doanh nghiệp Chaebul.com, nhận định.

Hiện nay, Samsung Electronics trở thành một trụ cột của nền kinh tế Hàn Quốc và một trong những doanh nghiệp chi tiêu nhiều nhất trên thế giới cho hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Ông Lee và các thành viên gia đình sử dụng một mạng lưới thỏa thuận quyền sở hữu để chi phối ảnh hưởng lên các công ty thành viên của Tập đoàn Samsung.

Trong suốt ba thập kỷ lãnh đạo Tập đoàn Samsung, ngay cả khi các nhà quản lý chuyên nghiệp được trao quyền lớn hơn ở tập đoàn này, ông Lee vẫn là nhà tư tưởng lớn và người định hướng chiến lược tổng thể cho Samsung.

Ông Lee Kun-hee sinh ngày 1-9-1942 ở Daegu trong một khu vực của Triều Tiên bị Nhật Bản chiếm đóng. Trước đó bốn năm, ông Lee Byung-chul, thân phụ của Lee Kun-hee, thành lập Samsung, công ty chuyên xuất khẩu trái cây và cá khô.

Ban đầu, Samsung phát triển bằng cách vươn lên thống lĩnh thị trường hàng hóa tiêu dùng thiết yếu như đường, hàng dệt may. Sau đó, Samsung mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực bảo hiểm, đóng tàu, xây dựng, bán dẫn...
Lee Kun-hee tốt nghiệp Đại học Waseda ở Tokyo, Nhật Bản vào năm 1965, rồi theo học chương trình thạc sĩ ở Đại học George Washington (Mỹ) nhưng chưa nhận bằng.

Năm 1966, ông bắt đầu sự nghiệp ở Công ty truyền hình thương mại Tongyang Broadcasting Company, một đơn vị liên kết của Tập đoàn Samsung. Tiếp đó, ông làm việc cho Samsung C&T, đơn vị thành viên của Tập đoàn Samsung chuyên về xây dựng và thương mại trước khi được bổ nhiệm vào ghế Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung vào năm 1979.

‘Hãy thay đổi tất cả, trừ vợ con của bạn!’

Sau khi tiếp quản ghế Chủ tịch Samsung vào năm 1987, ông nỗ lực thúc đẩy sự chuyển đổi mạnh mẽ của tập đoàn này. Trong cuộc trả lời phỏng vấn Forbes vào năm đó, ông nói: “Chúng tôi đang trong giai đoạn chuyển tiếp quan trọng. Nếu chúng tôi không tiến vào các ngành sử dụng hàm lượng công nghệ và vốn nhiều, sự sống còn của chúng tôi sẽ gặp nguy”.

Tư tưởng chuyển đổi mạnh mẽ của ông được thể hiện rõ ràng khi ông triệu tập các lãnh đạo của Samsung Electronics đến dự cuộc họp ở một khách sạn sang trọng ở Frankfurt, Đức vào năm 1993. Trong nhiều ngày họp, ông kêu gọi họ hãy từ bỏ lối tư duy và làm việc kiểu cũ. Ông nhấn mạnh: “Hãy thay đổi tất cả, trừ vợ con của bạn!”.

Ông  yêu cầu Samsung Electronics phải tập trung cải thiện chất lượng sản phẩm, thay vì nâng cao thị phần đồng thời phải thu hút nhân tài từ nước ngoài, chiêu mộ những lãnh đạo cao cấp am hiểu các thị trường nước ngoài và cách cạnh tranh ở các thị trường này.

Năm 1995, như là một phần của nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, ông đã đến thăm nhà máy của Samsung Electronics ở TP. Gumi (Hàn Quốc) sau khi một lô hàng điện thoại di động bị phát hiện lỗi. Những gì xảy ra sau đó trở thành một câu chuyện nổi tiếng.

Theo cuốn ‘Samsung Electronics và Cuộc chiến đấu giành quyền lãnh đạo ngành điện tử’ của tác giả Tony Michell, xuất bản vào năm 2010, hôm đó, ông triệu tập 2.000 công nhân ra trước sân của nhà máy. Trên đầu họ đeo dải băng có dòng chữ ‘Chất lượng trên hết’. Ông Lee và các thành viên hội đồng quản trị của ông cũng ngồi dưới mới băng rôn có dòng chữ ‘Chất lượng là niềm tự hào của tôi’.

Sau đó, các công nhân sụt sùi khóc khi chứng kiến cảnh tượng các lô hàng điện thoại di động, máy fax và các hàng điện tử khác trị giá 50 triệu đô la Mỹ bị nghiền nát vụn và thiêu rụi.

Di sản kinh doanh của ông Lee không phải không có những thất bại. Vào giữa thập niên 1990, ông thành lập hãng xe Samsung Motors vì tin rằng linh kiện điện tử sẽ không thể thiếu đối với ô tô. Tuy nhiên, đến năm 2000, ông bán cổ phần kiểm soát của Samsung Motors cho hãng xe Renault (Pháp) sau khi thị trường ô tô chịu tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Samsung bước vào giai đoạn chinh phục thị trường toàn cầu vào thập niên 2000 bằng cách tung ra các thiết bị thời thượng và các chiến dịch thị hào nhoáng để gây ấn tượng thương hiệu trong tâm trí của người tiêu dùng phương Tây.

Tuy nhiên, kể từ đó, ông Lee ít khi xuất hiện trước công chúng hơn và chuyên tâm cho thú sưu tập xe thể thao và tranh nghệ thuật. Năm 2007, ông khởi động cuộc cải tổ tiếp theo ở Samsung vì xác định định rằng tập đoàn này đối mặt với cuộc khủng hoảng cận kề. Ông cho rằng Hàn Quốc đang mắc kẹt ở giữa khi Trung Quốc thống trị phân khúc sản xuất hàng điện tử chất lượng thấp, trong khi đó, Nhật Bản và phương Tây vẫn dẫn đầu các công nghệ cao.

Nhưng khi bắt tay cải tổ Samsung, ông đối mặt với các cáo buộc nói rằng ông trốn thuế hàng tỉ đô la và số tiền này được cất giữ trong các tài khoản bí mật. Thay vì chống lại các cáo buộc, ông bất ngờ tuyên bố từ chức. Một năm sau đó, ông được đặc xá và lên nắm quyền Chủ tịch Samsung ở lại vào năm 2010. Sau khi ông bị đột quỵ vào năm 2014, con trai ông, Lee Jae-yong, Phó Chủ tịch Samsung Electronics, trở thành gương mặt đại diện trên thực tế cho Samsung.

Theo New York Times, Reuters

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


New York Times   Nhật Bản   Reuters   Trung Quốc   chinh phục   chiến lược   doanh nghiệp   khủng hoảng   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...