27/12/2021 0:40  
Những ngày cuối cùng của năm 2021 chứng kiến cảnh tượng các chủ xe kinh doanh vận tải nháo nhào đi lắp camera giám sát để tránh bị phạt. Vậy đâu là nguyên nhân của hiện tượng trên?

Thông điệp cứng rắn

Một tháng trước, khi các phương tiện truyền thông đưa tin dồn dập về “deadline” phương tiện ô tô kinh doanh vận tải phải hoàn thành việc lắp camera giám sát, không ít chủ xe, chủ DN vận tải vẫn tỏ ra khá thờ ơ.

Tuy nhiên, ngay sau đó, lần lượt Tổng cục Đường bộ Việt Nam rồi Bộ GTVT cũng như các địa phương đều bày tỏ thái độ cứng rắn và quan điểm dứt khoát đối với những chủ phương tiện không hoàn thành lắp camera giám sát trước ngày 31/12/2021 sẽ bị xử lý theo đúng quy định, đã có sự chuyển biến tích cực.

Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng đã yêu cầu Bộ Công an, Bộ GTVT và UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đẩy mạnh tuần tra kiểm soát, xử nghiêm xe ôtô kinh doanh vận tải nhưng không lắp camera giám sát theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 1/7/2021.

Những thông điệp được phát đi từ cơ quan Trung ương cùng sự rốt ráo vào cuộc của chính quyền các địa phương trong thời gian qua đã khiến nhiều chủ phương tiện chưa thực hiện lắp camera giám sát như ngồi trên đống lửa.

Vậy là, những ngày cuối cùng của tháng 12/2021 đang chứng kiến cảnh tượng “xưa nay hiếm” khi các chủ xe, chủ DN vận tải đô xô đi lắp camera giám sát cho phương tiện với hi vọng “kịp nhảy” dù “nước đã đến chân”. Thói quen xấu này không phải đến bây giờ mới có.

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, số xe đang hoạt động trong diện phải lắp camera tại 58 địa phương là hơn 79.700 (một số tỉnh, thành chưa thống kê). Số đã lắp thiết bị này hơn 35.800, đạt gần 45%. Trong đó, nhiều tỉnh lắp đặt đạt tỷ lệ cao như Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang 100%; Nam Định, Ninh Thuận, Hà Tĩnh, Lai Châu trên 90%; Nghệ An, An Giang, Trà Vinh trên 80%; Cao Bằng, Lâm Đồng, Đăk Lăk, Hưng Yên, Khánh Hòa trên 70%.

Như vậy, trong số các tỉnh có tỷ lệ xe lắp camera cao, đã có 3 tỉnh cán đích lắp camera giám sát trên xe hoạt động thuộc diện phải lắp theo quy định là: Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang. Chỉ còn ít ngày nữa đến hạn cuối 31/12/2021, quỹ thời gian ít ỏi này liệu có đủ để khoảng 40.000 phương tiện nữa hoàn thành lắp đặt camera giám sát.

Khó khăn nhiều nhưng lợi ích lớn hơn

Nhận định về tình trạng trên, các chuyên gia cho rằng, “nước đến chân mới nhảy” là thói quen của nhiều người, diễn ra trong nhiều lĩnh vực và từ lâu chứ không phải chỉ xuất hiện trong câu chuyện lắp đặt camera giám sát cho xe kinh doanh lần này.

Bên cạnh đó, cũng không thể phủ nhận dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều chủ xe, chủ DN vận tải gặp rất nhiều khó khăn về tài chính. Với việc chi phí lắp mỗi chiếc camera giám sát lên tới hơn chục triệu đồng, với những DN có nhiều xe, chi phí lắp đặt toàn bộ lên tới vài trăm triệu đồng, thậm chí hàng vài tỷ đồng. Đây là khoản chi rất lớn trong bối cảnh tất cả đang bị dịch bệnh tàn phá.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, bản chất của camera giám sát chính là một loại thiết bị giám sát hành trình, chỉ khác là camera cung cấp dữ liệu hình ảnh. Thông qua hình ảnh được camera ghi lại sẽ giám sát được trạng thái của lái xe như nghe điện thoại, mất tập trung và các hành vi mất ATGT khác. Thực tế cho thấy, nhiều DN lắp và sử dụng hiệu quả camera giám sát trong quản lý, đảm bảo ATGT, niềm tin, uy tín với khách hàng.

“Chúng ta hay nói nguyên nhân TNGT do thiếu tập trung chiếm tỷ lệ lớn, nhưng chưa chứng minh được tỷ lệ cụ thể là bao nhiêu. Dữ liệu từ camera giám sát sẽ giúp thu thập và phần mềm sẽ phân tích hay có người trực cảnh báo, điều chỉnh lái xe sử dụng điện thoại, góp phần giảm TNGT” – ông Khuất Việt Hùng cho hay.

Trong khi đó, PGS.TS Ngô Trí Long – Chuyên gia kinh tế nhận định, việc lắp camera giám sát trên xe kinh doanh sẽ là giải pháp hữu hiệu để phòng, chống dịch từ xa, nhắc nhở từ lái xe, hành khách tuân thủ nghiêm ngặt việc đeo khẩu trang trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, đây cũng sẽ là công cụ trợ giúp đắc lực cho các cơ quan quản lý Nhà nước, lực lượng chức năng trong việc giám sát, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải của DN. Từ đó phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, việc nhiều chủ phương tiện chậm trễ lắp camera xuất phát từ hai nguyên nhân. Thứ nhất là họ đang gặp khó khăn về tài chính, điều này gần như chủ xe, chủ DN vận tải nào cũng đang gặp phải. Thứ hai là tâm lý “cầu may” với hi vọng sẽ được lùi thời hạn lắp camera thêm một lần nữa. Tâm lý này không tốt nhưng muốn thay đổi cần phải có thời gian. Nhưng nếu các cơ quan chức năng có động thái kiên quyết ngay từ đầu thì mọi việc vẫn đạt kết quả tốt, tương tự như quy định đội mũ bảo hiểm trước đây.

 

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Chính phủ   Covid   Covid-19   Công an   Nghị định   Tổng cục   Việt Nam   chuyên gia   hành vi   thói quen  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...