16/04/2021 16:46  

Đồng cảm với những ám ảnh của người dùng, nhưng cơ quan quản lý có vẻ cũng đang khá đau đầu trong việc tìm đường để kiểm soát quảng cáo có dấu hiệu bất minh và bất thường trên YouTube và các trang mạng xã hội khác.

Khi chủ “sàn” quảng cáo ở bên ngoài

Việc kiểm soát hoạt động quảng cáo của nhà cung ứng dịch vụ (xuyên biên giới) nước ngoài gặp không ít khó khăn khi quy định hiện thời chỉ khoanh vùng hoạt động quảng cáo tại các trang thông tin điện tử. Cho nên, khoảng trống kiểm soát đối với hoạt động quảng cáo trực tuyến bùng phát muôn màu muôn vẻ hiện nay được kỳ vọng sẽ được lấp đầy bởi các quy định mới.

Nhưng thực tế thì có vẻ như dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý đối với hoạt động quảng cáo (đang được lấy ý kiến) chỉ đơn thuần xếp thêm các trang mạng xã hội và ứng dụng có người Việt truy cập đứng cạnh các trang tin điện tử đã được gọi tên lâu nay. Đương nhiên, thao tác này sẽ đặt nền móng đầu tiên cho việc kiểm soát diện rộng đối với hoạt động quảng cáo trên không gian mạng trong tương lai. Nhưng đó là chuyện của... tương lai, còn hiện tại dự thảo nghị định đang tiếp tục sử dụng phương thức kiểm soát hiện thời cho cả không gian quảng cáo mới.

Cách tiếp cận này cũng có thể “nắm” được đối tượng cần kiểm soát nếu như chế tài xử lý tiếp tục được bổ sung và đủ... nặng để tạo ra sức ép chi phí đủ lớn. Nhưng một lần nữa, đó là câu chuyện của... tương lai vì các phương án sửa đổi quy định về xử phạt đối với hoạt động quảng cáo vẫn chưa được xúc tiến.

Nhưng thực ra, đề cập đến chế tài là để tạo ra một mạch chuyện có logic. Vì theo lẽ thường, việc sử dụng chế tài sẽ khó có thể được cổ vũ nếu như mục tiêu của nó chỉ hướng các đối tượng đến các quy trình kiểm soát thiếu hợp lý và không hiệu quả.

Nội dung quảng cáo: ai chịu?

Tuân thủ pháp luật nước sở tại là luân lý bất di bất dịch đối với mọi hoạt động kinh doanh và cung ứng dịch vụ xuyên biên giới. Điều đó đồng nghĩa rằng, khi các yêu cầu mới trong dự thảo nghị định về kiểm soát quảng cáo trực tuyến được thông qua, cả Google, YouTube, Facebook... đều phải đảm bảo chế độ thông tin và báo cáo định kỳ trước các cơ quan quản lý thông tin và truyền thông ở Việt Nam.

Đồng thời, bên cung ứng nước ngoài cũng cần phải chủ động rà soát, kiểm tra nội dung quảng cáo để tránh rơi vào các trường hợp bị cấm quảng cáo. Đặc biệt hơn, trong trường hợp cần thiết, theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, các trang mạng buộc phải gỡ bỏ các nội dung thông tin, quảng cáo sai.

Nội dung kiểm soát này trở nên có ý nghĩa hơn khi bản dự thảo nghị định xóa bỏ cơ chế bắt buộc doanh nghiệp trong nước quảng cáo trên các nền tảng của nước ngoài phải thông qua “người kinh doanh dịch vụ quảng cáo đã đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam” (điều 13.3 Nghị định 181/NĐ-CP).

Chỉ có điều, những vướng víu liên quan trách nhiệm của các bên về nội dung quảng cáo và chất lượng sản phẩm được quảng cáo vẫn chưa được giải quyết một cách dứt điểm.

Rất dễ hiểu khi theo phương án mới, người quảng cáo vẫn cần phải nhận lấy trách nhiệm này. Tuy nhiên, điều đó được nhấn mạnh là sẽ xảy ra nếu như họ trực tiếp làm việc, sử dụng dịch vụ quảng cáo từ các trang mạng, ứng dụng.

Điều này đồng nghĩa, trong trường hợp hoạt động quảng cáo diễn ra thông qua bên trung gian cung cấp dịch vụ quảng cáo thì đơn vị trung gian đó có trách nhiệm “kiểm tra nội dung sản phẩm quảng cáo” (điều 13.2 dự thảo). Nhưng liệu rằng trách nhiệm “kiểm tra nội dung sản phẩm quảng cáo” có thay thế được trách nhiệm của người quảng cáo về chất lượng của sản phẩm?

Vấn đề trách nhiệm về nội dung quảng cáo cũng đặt ra với đơn vị cung ứng dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới. Thực ra, cũng tương tự như cách ứng xử của pháp luật đối với các đơn vị phát quảng cáo trong nước, buộc họ chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo và chất lượng sản phẩm so với nội dung quảng cáo cũng có cái khó. Nhưng “thả” họ ra thì cũng dễ... loạn. Có lẽ vì vậy mà dự thảo hiện tại tiếp tục lấp lửng rằng, các đơn vị nói trên cũng phải tuân thủ quy định pháp luật về quảng cáo (điều 9 Nghị định 181).

Đơn cử, theo quy định, nội dung quảng cáo về các dịch vụ khám chữa bệnh phải... phù hợp với giấy phép hoạt động của cơ sở hoặc chứng chỉ hành nghề của người khám, chữa bệnh (điều 9 Luật Quảng cáo). Vì vậy, một đơn vị đăng, phát quảng cáo khó có thể rời bỏ trách nhiệm trong việc yêu cầu các doanh nghiệp quảng cáo cung cấp minh chứng. Hay nói cách khác, trách nhiệm “kiểm duyệt” thông tin quảng cáo đâu đó cũng hàm ý rằng, chất lượng của dịch vụ y tế nói riêng và sản phẩm được quảng cáo nói chung không thể... khác với thông tin quảng cáo.

Rõ ràng, kiểu trách nhiệm này tương tự như công việc mà một đơn vị cung cấp dịch dịch vụ quảng cáo trung gian đang làm như vừa đề cập ở trên. Giả dụ rằng, một doanh nghiệp Việt thông qua đơn vị trung gian này để được quảng cáo trên một trang mạng xã hội thì trang mạng xã hội có cần phải thực hiện lại công việc, và chịu trách nhiệm nếu có sai sót, mà đơn vị cung cấp dịch vụ quảng cáo trung gian đã làm?

Tóm lại, với một vài quy định lòng vòng như vậy, nhiều bên liên quan phải dàn hàng ngang để nhận về các nghĩa vụ, trách nhiệm dù trực tiếp hay gián tiếp trong việc đảm bảo tính xác thực của thông tin quảng cáo và chất lượng sản phẩm như thông tin đã quảng cáo. Chỉ có điều, một khi có quá nhiều người được gọi tên mà chẳng có quy định phân định rõ ràng, thì nguy cơ về những lựa chọn... mặc kệ người khác là có.

(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM).

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


HCM   Kinh tế   Nghị định   TPHCM   Việt Nam   doanh nghiệp   dịch vụ   dịch vụ y tế  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...