05/01/2021 3:20  
Những tháng cuối năm 2020, dòng tiền của nhà đầu tư ồ ạt đổ vào chứng khoán. Hàng loạt phiên giao dịch liên tiếp đạt thanh khoản 12.000 - 14.000 tỷ đồng/phiên. Cổ phiếu đua nhau tăng giá khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng rút hầu bao đổ tiền vào chứng khoán. Liệu việc nhà đầu tư mở mắt đã có lợi nhuận như quãng năm 2006-2007 còn kéo dài đến bao giờ?

10.000 - 14.000 tỷ đồng “đổ” vào TTCK mỗi phiên

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tuần giao dịch “đỉnh” nhất trong lịch sử kể từ khi ra đời. Ngoài việc VN-Index vượt ngưỡng 1.000 điểm, nhà đầu tư (NĐT) mới gia nhập (F0) cao kỷ lục, thanh khoản thị trường cũng vừa lập kỷ lục mới với giá trị giao dịch lên tới 15.000 tỷ đồng/phiên giao dịch. Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/12, VN-Index đạt 1.084 điểm, thị trường tràn ngập sắc xanh với 339 mã tăng giá. Liên tục từ giữa tháng 11 tới nay, khối lượng giao dịch trên HoSe  đạt trên 400 - 600 triệu đơn vị/phiên, giá trị giao dịch tương ứng 10.000 - 14.000 tỷ đồng/phiên. Riêng phiên giao dịch ngày 23/12, khối lượng giao dịch trên HOSE ghi nhận mức kỷ lục với hơn 813 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch gần 15.000 tỷ đồng. Đây là mức cao chưa từng thấy trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Anh Nguyễn Hùng, nhân viên môi giới Công ty Chứng khoán tại Hà Nội cho biết, thị trường hấp dẫn nên lượng nhà đầu tư mở tài khoản ngày càng đông. Nhà đầu tư này là công chức, doanh nhân, lao động tự do và nhiều người chưa biết nhiều về chứng khoán. Khi lãi suất ngân hàng tụt giảm, nhà đầu tư tìm đến chứng khoán với kỳ vọng lợi nhuận lớn hơn. Đó là một trong những nguyên nhân khiến thị trường ngày càng tăng “chóng mặt”.

Cùng với việc thanh khoản tăng nhanh chóng, giao dịch trên HoSe có dấu hiệu bị lỗi. Nhiều công ty chứng khoán phản ánh tình trạng ùn ứ lệnh.Một số lệnh của nhà đầu tư đẩy vào hệ thống nhưng không xử lý được trên HoSe.Tại phiên giao dịch như ngày 17/12, ngày 23/12, ngày 22/12, nhiều nhà đầu tư gặp tình trạng lệnh bị treo, không đẩy được vào hệ thống.

Theo ông Lê Hải Trà, thành viên phụ trách Hội đồng quản trị HoSE, so với mức đáy, VN-Index đến nay đã tăng hơn 60%. Số lượng lệnh giao dịch từ 20 công ty chứng khoán hàng đầu thị trường có nơi tăng 12 lần. Một số công ty còn sử dụng thuật toán và robot để giao dịch “khiến lệnh tăng như sóng thần nên HoSE không thể kiểm soát”.

Ðầu cơ sẽ gặp rủi ro cao

Từ đại dịch COVID-19 đã bùng nổ giao dịch trên không gian mạng. Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Giám đốc VNDirect cho rằng, xu thế ấy đã lan ra TTCK khi số lượng nhà đầu tư mới (F0) tăng kỷ lục, đặc biệt qua kênh online. Ông Quỳnh thông tin, hiện có 50 triệu tài khoản ngân hàng nhưng chỉ có 2,7 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán. Trong đó, số lượng tài khoản hoạt động đạt 290.000 (thống kê hết 9/2020 của các Sở Giao dịch Chứng khoán). Lãi suất tiết kiệm thấp đang tạo ra xu thế chuyển dịch, đa dạng hoá loại hình đầu tư. Điều này tạo cơ hội lớn cho TTCK khi lượng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng thương mại đạt hơn 5 triệu tỷ đồng.

“Giao dịch ngắn hạn, mang tính chất đầu cơ thì không thể bền vững. NĐT cần hướng đến chiến lược dài hạn, phân bổ đều thu nhập hằng tháng vào các danh mục tuỳ theo khẩu vị rủi ro. Khi đó, khả năng tìm kiếm siêu lợi nhuận không cao nhưng việc tham gia vào thị trường bền vững hơn rất nhiều”, ông Quỳnh nói.

TS Vũ Bằng, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng mới đây đưa ra nhìn nhận, cần xem xét khách quan giữa kinh tế thực và kinh tế ảo, chưa nên vội vã kết luận bong bóng thị trường.Theo ông Bằng, năm 2021 vẫn còn dư địa tốt khi dòng vốn rẻ tiếp tục duy trì ít nhất đến giữa năm. Tuy nhiên, cần lưu ý, khi COVID-19 được xử lý tốt, các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế không còn thì nợ xấu sẽ bộc lộ, dẫn đến mặt bằng lãi suất được điều chỉnh.

TS. Vũ Bằng cho rằng nên giám sát chặt, duy trì chính sách của ngân hàng như trước với dòng tiền vào chứng khoán và bất động sản, thận trọng đòn bẩy tài chính.

Nguồn tin: www.24h.com.vn


HOSE   Hà Nội   Lãi suất   Việt Nam   chiến lược   chính sách   hành vi  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...