18/02/2021 19:45  

Sau phiên khai xuân bùng nổ, thị trường đã trở nên thận trọng hơn với cú rớt điểm ngay từ đầu phiên. Cổ phiếu ngân hàng chững lại và sự chú ý chính tập trung vào nhóm cổ phiếu dầu khí, tuy nhiên ngay cả với nhóm này thì lực bán cũng khá mạnh.

Tuy nhiên, thị trường sau những phút chếnh choáng đầu phiên đã bật tăng trở lại. Giao dịch nhìn chung khá tích cực khi thanh khoản được duy trì ở mức cao và độ rộng nghiêng hẳn về số mã tăng, tuy nhiên do nhóm bluechip lại có sự phân hóa mạnh nên đà tăng của VN-Index đang bị cản lại.

Điểm mấu chốt là của phiên sáng hôm nay là những ‘con sóng tím’ vẫn xuất hiện khá nhiều và hút mạnh dòng tiền như một số mã bất động sản và dầu khí GVR, CCL, TDH, HQC, PXS, PXT... Qua đó, giúp thị trường bước vào giờ nghỉ với VN-Index tăng 6 điểm.

Thị trường bước vào phiên chiều với tâm lý hưng phấn hơn, chỉ sau hơn 40 phút giằng co, lực cầu nhập cuộc mạnh mẽ kéo VN-Index lên gần 1.170 điểm.

Với dòng tiền mạnh kỳ vọng sẽ tiếp tục giúp thị trường bứt phá, tuy nhiên giao dịch lại chậm dần, tình trạng “tắc nghẽn” của năm cũ quay trở lại ám ảnh nhà đầu tư, khiến giao dịch chậm lại đáng kể sau khi thanh khoản leo dần lên 15.000 tỉ đồng, và chỉ số gần như chỉ đi ngang cho đến đợt khớp lệnh liên tục (ATC).

Như dự báo của một số công ty chứng khoán, phiên đáo hạn hợp đồng tương lai phái sinh tháng 2 hôm nay có thể sẽ có bất ngờ. Mặc dù vậy, câu hỏi đặt ra là với tình trạng "tắc đường" luôn ở mức nguy cơ cao, thì phiên ATC liệu có còn điều bất ngờ đáng để chờ đợi? Tuy nhiên, điều bất ngờ đã diễn ra, một lượng hàng lớn được khớp trong phiên ATC này, khiến VN-Index tăng thẳng đứng lên và đóng cửa ở mức cao nhất ngày.

Nói về chuyện nguy cơ nghẽn lệnh, ông Lê Hải Trà, thành viên phụ trách Hội đồng quản trị HOSE cho biết, công suất thiết kế xử lý lệnh tối đa của sàn HOSE là 900.000 lệnh/ngày. Mỗi công ty chứng khoán được phân bổ đều nhau 3.000 lệnh dự trữ một ngày. Phần còn lại được phân bổ dựa trên số lượng lệnh bình quân của từng công ty trong vòng giao dịch.

“Nếu HOSE hoạt động hết công suất, hệ thống ngưng, không xử lý được nữa. Lệnh vào sau chất đống sẽ “để đấy”, ông Trà cho hay.

Chốt phiên, sàn HOSE có 277 mã tăng và 166 mã giảm, VN-Index tăng 18,60 điểm (+1,61%), lên 1.174,38 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 614,8 triệu đơn vị, giá trị 15.130,2 tỉ đồng, tăng hơn 8% về khối lượng và gần 9% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 29,77 triệu đơn vị, giá trị 1.139 tỉ đồng.

Trong khi VN-Index đang gần trở lại đỉnh lịch sử, chỉ số VN30 đã thiết lập đỉnh cao mới khi tăng 13,03 điểm (1,11%) lên 1.187,94 điểm, vượt qua mức cao nhất được thiết lập trước đó là 1.188,53 điểm vào ngày 18-1 và đỉnh năm 2018 là 1.185,06 điểm. Một điểm đáng chú ý, đà bứt phá của VN30 trong phiên hôm nay chỉ thực sự diễn ra trong ít phút cuối phiên giao dịch, dù thị trường khi đó đã xảy ra hiện tượng "nghẽn" lệnh.

Theo nhiều chuyên gia, việc VN30 đã xác lập đỉnh mới trước VN-Index có thể đến từ việc danh mục chỉ số VN30 cô đặc hơn, với nhiều cổ phiếu có chất lượng cao hơn, qua đó tác động tới chỉ số tích cực hơn. Tương tự VN30, các chỉ số VNFinLead Index, VNDiamond Index cũng liên tiếp thiết lập đỉnh cao mới từ khi thành lập tới nay và có hiệu suất vượt trội so với VN-Index nhờ danh mục chất lượng hơn.

Sự bứt phá của thị trường bên cạnh yếu tố dòng tiền nội mạnh mẽ còn được "trợ lực" từ sự trở lại của khối ngoại. Trong phiên hôm nay, khối ngoại đã mua ròng gần 600 tỉ đồng trên toàn thị trường và trong 2 phiên đầu năm mới đã mua ròng tổng cộng khoảng 1.300 tỉ đồng.

Theo đánh giá của hầu hết các công ty chứng khoán, chỉ số VN-Index sẽ vượt mốc 1.200 điểm và thậm chí lên mốc 1.400 điểm trong năm 2021. Trong khi đó, Pyn Elite Fund, một trong những quỹ ngoại lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có những đánh giá lạc quan về triển vọng thị trường trong những năm tới và dự báo VN-Index sẽ sớm cán mốc 1.800 điểm.

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


HOSE   Việt Nam  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...