29/10/2020 18:10  
Chiều 29/10, Bộ Giao thông vận tải đã cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietravel Airlines. Trước đó, hãng này phải giải trình về năng lực tài chính, chứng minh không “đói” vốn.

Công ty TNHH Hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) dự kiến khai thác tàu bay A320/A321 hoặc B737 với số lượng chỉ 3 chiếc trong năm đầu tiên, có thể bắt đầu khai thác vào cuối tháng 12/2020 hoặc đầu năm 2021.

Hãng này đưa ra 4 phương án khai thác, tương đồng với các kịch bản khai thác thị trường hàng không Việt Nam trong giai đoạn 2020 - 2023 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 được Bộ GTVT báo cáo Chính phủ.

Trước đó, Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) yêu cầu doanh nghiệp làm rõ năng lực tài chính trước khi được cấp phép bay.

Trong quá trình trên, Bộ Tài chính cho biết không nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Vietravel Airlines cũng như văn bản xác nhận vốn của tổ chức tín dụng với hãng này nên chưa đủ cơ sở để cho ý kiến về việc xác nhận vốn của tổ chức tín dụng đối với Vietravel Airlines.

Bộ Tài chính nhấn mạnh các chỉ tiêu về tình hình tài chính của doanh nghiệp này cho thấy nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh công ty mẹ Vietravel chủ yếu đến từ nguồn vốn vay thương mại.

Đặc biệt, do dịch Covid 19 nên Vietravel có thể sẽ gặp khó khăn trong việc trả nợ, nhất là khả năng thanh toán khoản trái phiếu trị giá 700 tỷ đồng (đến hạn thanh toán vào tháng 9/2021). Dự kiến, Vietravel Airlines sẽ bị lỗ trong năm đầu khai thác 2021.

Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT làm rõ về năng lực tài chính của Vietravel trong việc đảm bảo các khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, nhất là khoản trái phiếu được phát hành để đầu tư vào Vietravel Airlines, đảm bảo không ảnh hưởng đến mức vốn tối thiểu 700 tỷ đồng phải duy trì theo quy định trong suốt quá trình hoạt động thường xuyên của Vietravel Airlines.

Ngay sau yêu cầu giải trình về năng lực tài chính của Bộ Tài chính, Vietravel có văn bản khẳng định “công ty Vietravel cam kết bổ sung vốn cho Vietravel Airlines để đảm bảo duy trì mức vốn tối thiểu luôn không thấp hơn 700 tỷ đồng đối với doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không quốc tế và nội địa với đội tàu bay trên 30 chiếc theo quy định”.

Lãnh đạo Vietravel cho biết, lĩnh vực lữ hành có nhiều đặc điểm khác biệt, đặc thù hơn so với hoạt động kinh doanh của các ngành nghề kinh doanh khác, vì vậy đặc điểm hoạt động tài chính của các doanh nghiệp lữ hành cũng khác biệt. Do đặc thù kinh doanh lữ hành là thu tiền trước của khách hàng (future sales) và trả sau cho đối tác nên ta thấy khoản phải trả cho người bán ngắn hạn và người mua trả tiền trước có số tuyệt đối khá cao, chiếm trên 30% tổng nguồn vốn, xấp xỉ 700 tỷ đồng.

Với số vốn điều lệ là 173 tỷ đồng, bình quân Vietravel thu vào 1 triệu USD/1 ngày, thời gian Vietravel thu tiền trước của khách hàng trung bình là 30 - 45 ngày và trả cho tiền cho đối tác sau 45 - 60 ngày làm cho Công ty luôn đảm bảo luôn có một dòng tiền từ 35 - 40 triệu USD, đáp ứng cho nhu cầu kinh doanh.

Theo lãnh đạo Vietravel, đánh giá quy mô và năng lực tài chính của một doanh nghiệp dựa vào các tiêu chí yếu tố quy mô vốn và sẵn sàng thanh toán (lượng tiền sẵn có). Vietravel dựa vào độ phủ thị trường (thị phần), hệ thống phân phối, sản phẩm... luôn đặt trọng tâm của việc quản lý tài chính đối với tiêu chí hiệu quả sử dụng vốn và hiệu quả quản lý dòng tiền trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tỷ suất lợi nhuận trên vốn của Công ty Vietravel luôn đạt ở mức trên 45% - 60% trên vốn.

Vietravel cũng cũng dự kiến sẽ cổ phần hóa Vietravel Airlines sau 1 năm hoạt động. Với lợi thế từ nguồn khách có sẵn (hơn 1 triệu khách hàng), hệ thống bán rộng khắp 64 tỉnh thành, kinh nghiệm và thương hiệu của Vietravel, Vietravel Airlines hoàn toàn thực hiện khả thi kế hoạch của mình đề ra trong năm đầu tiên với doanh số xấp xỉ 2.000 tỷ đồng.

Công ty Vietravel cam kết sẽ bổ sung vốn cho Vietravel Airlines để đảm bảo duy trì mức vốn tối thiểu, luôn không thấp hơn 700 tỷ đồng với doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không quốc tế và nội địa, đội tàu bay trên 30 chiếc, theo quy định của Nghị định 89 của Chính phủ.

Từ 17/9/2019 đến nay, do khoản vốn điều lệ 700 tỷ đồng của Vietravel Airlines phong tỏa để làm thủ tục xin Giấy phép bay nên Vietravel phải cấp vốn cho Vietravel Airlines hơn 250 tỷ đồng nhằm tuyển dụng, đào tạo và trả lương cho lực lượng lao động, đặt cọc thuê 3 tàu bay.

Về phía Cục Hàng không Việt Nam, cơ quan này đánh giá Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Vietravel Airlines đáp ứng đầy đủ các điều kiện.

Châu Như Quỳnh

Nguồn tin: dantri.com.vn


Airlines   Chính phủ   Covid   Covid 19   Covid-19   Lãnh đạo   Nghị định   Tài chính   Việt Nam   doanh nghiệp   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...