15/10/2020 6:30  
Một trong những nội dung được quan tâm thảo luận tại tọa đàm "Khôi phục và phát triển kinh tế TP.HCM trong bối cảnh Covid-19 hiện nay" vừa được UBND TP.HCM tổ chức là những giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số.

Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) về hoạt động doanh nghiệp (DN) sau đại dịch Covid-19 cho thấy, chỉ 5% DN trên địa bàn thành phố hoạt động bình thường trở lại; 9% trong tình trạng cố gắng vượt khó khăn; 40% rất khó khăn và 40% đặc biệt khó khăn. Các điểm sáng có tốc độ tăng trưởng, kinh doanh có lãi (chỉ chiếm khoảng 10-15% số DN) thuộc về các ngành ngân hàng, chế biến thực phẩm, công nghệ thông tin, thương mại điện tử, bán hàng online... Sở dĩ các DN trong ngành này thành công vì họ nhanh nhạy trong chuyển đổi số trước thay đổi xu hướng tiêu dùng trong tình hình dịch bệnh. 

Thực tế, chuyển đổi số đã thay đổi thói quen, lịch trình trong cuộc sống hằng ngày của người dân từ việc học tập, hội họp cho đến mua sắm, gọi đồ ăn online... Đối với DN, sự kết nối trên nền tảng công nghệ số đồng nhất giúp cho các CEO điều hành công việc quyết đoán, hiệu quả hơn, khai thác vận hành guồng máy hoạt động năng suất hơn, khả năng cạnh tranh cao hơn so với DN khác. Ông  Võ Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nhận định: "Trong nguy có cơ, trong khó khăn thử thách đã có những DN trụ vững và tăng trưởng mạnh, đặc biệt là các ngành y tế, giáo dục, công nghệ thông tin, thương mại điện tử, công nghệ cao. Người lao động có trình độ trong các ngành này cũng có cơ hội phát triển năng lực sáng tạo của bản thân". 

Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch HUBA cũng chỉ ra trong số ít DN trụ vững phát triển qua mùa đại dịch, đáng chú ý tốc độ tăng trưởng tốt thuộc về nhóm máy móc thiết bị công nghệ, thương mại điện tử, công nghệ thông tin, cung cấp hạ tầng kỹ thuật cho chuyển đổi số, xử lý dữ liệu... Thời gian qua, ông Dũng cho hay HUBA đã nỗ lực hỗ trợ chuyển đổi số trong cộng đồng DN, tuy nhiên ông đề nghị Thành phố quan tâm, tiếp sức, hỗ trợ thiết thực hơn nữa để giúp DN có điều kiện thực hiện chuyển đổi số một cách nhanh nhất nhằm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và góp phần phục hồi nền kinh tế thành phố.

Cùng chung mục tiêu đóng góp ý kiến trong xây dựng, thực hiện kế hoạch chuyển đổi số, đại diện nhiều DN tham dự cho rằng, chuyển đổi số mặc dù đã triển khai trong thời gian dài nhưng trong đại dịch Covid-19 mới được phát huy cao độ. Nhiều DN đã tự động chuyển đổi số để thích ứng với thực tế. Tuy nhiên, muốn đạt hiệu quả tối ưu, Thành phố cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có hai yếu tố là chuyển đổi số và xã hội số. Ở góc độ Chính phủ số, nếu không có tư duy số từ chính quyền địa phương thì nền kinh tế số không thể thực hiện. Bên cạnh đó, phát triển cơ sở hạ tầng; hoàn thiện thể chế pháp luật; đào tạo nguồn nhân lực; củng cố an ninh mạng... phải được đầu tư đúng mức, đúng tầm. Nói cách khác, Thành phố phải đạt được mục tiêu đồng bộ cả hệ sinh thái về chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Cao Trí - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Q.1 minh chứng tốc độ chuyển đổi số bằng những số liệu cụ thể. Theo tính toán, cộng đồng ASEAN với 650 triệu dân thì phải đến năm 2025 mới có 45% sử dụng thương mại điện tử, nhưng chỉ trong 9 tháng đầu năm 2020 con số này đã đạt. Điều này cho thấy tốc độ kỹ thuật số đang được đẩy mạnh và có cơ hội rất lớn. Chỉ riêng ngành giáo dục đã đạt tăng trưởng  trong lĩnh vực chuyển đổi số mỗi năm tới 50-70%. Mong muốn Thành phố mau chóng cấp phép cho đề án thành lập "Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia tư nhân tại TP.HCM", ông Trí khẳng định trung tâm này sẽ là nơi quy tụ các chuyên gia trong và ngoài nước, các nhà nghiên cứu, các quỹ đầu tư và các DN lớn trong ngành để xây dụng mục tiêu giúp DN đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chuyển đổi số không chỉ là lý thuyết mà phải là quyết tâm của lãnh đạo chính quyền và bản thân các DN công nghệ thông tin mới có thể tạo ra nguồn lực và các mối liên kết với những ngành kinh tế khác như công nghệ sinh học, y tế, giáo dục đào tạo, cơ sở hạ tầng... để tạo ra hệ thống mắt xích cho nền kinh tế số. Vì vậy, DN rất cần sự trợ lực của Thành phố để chương trình chuyển đổi số triển khai đồng bộ  từ chính quyền đến các DN và người dân. 

Nhấn mạnh tính đặc thù và vai trò ngành công nghệ thông tin trong công tác chuyển đổi số, ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Sao Bắc Đẩu cho rằng, TP.HCM cần có chính sách hỗ trợ đúng mức, bình đẳng, minh bạch để cộng đồng DN công nghệ thông tin đều có cơ hội tham gia chứ không chỉ dành sân chơi cho một số DN lớn trong ngành. Thực tế trong đại dịch vừa qua cho thấy, việc đầu tư chuyển đổi số đã phát huy được thế mạnh, tạo sức tăng trưởng rất tốt ở nhiều mô hình DN. 

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định: "Thành phố luôn ý thức rằng chuyển đổi số là cơ hội để biến nguy thành cơ, là nền tảng quan trọng trong chiến lược thực hiện mục tiêu kép thời gian vừa qua. Công cuộc chuyển đổi số không chỉ hướng tới mục tiêu phục vụ cho người dân và DN nhanh chóng, hiệu quả hơn mà còn  giúp cho lãnh đạo thành phố đưa ra quyết định chính xác hơn dựa trên nền tảng dữ liệu được tích hợp toàn thành phố. Tập trung đầu tư hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, nền tảng trí tuệ nhân tạo... là cơ sở quan trọng để phát triển kinh tế số của Thành phố. Nhấn mạnh vai trò kinh tế tư nhân (trong đó có tác động quan trọng của chuyển đổi số), ông Phong nhấn mạnh khu vực kinh tế tư nhân tạo ra luồng sinh khí mới, là động lực trực tiếp góp phần tăng trưởng kinh tế (đóng góp 54% quy mô, 67% tổng vốn đầu tư xã hội). Cho nên muốn phục hồi kinh tế thành phố phải phục hồi hoạt động của DN, tạo cơ sở nền tảng phát triển, ứng dụng chuyển đổi số trong các hoạt động của DN.

Xác định vai trò các hiệp hội DN là rất quan trọng đối với chính sách kinh tế của Thành phố nói chung và công cuộc chuyển đổi số nói riêng, người đứng đầu chính quyền thành phố giao nhiệm vụ cụ thể cho HUBA: Nhanh chóng thu thập thông tin, ý kiến từ DN để Thành phố kịp thời giải quyết các vấn đề khó khăn trong thời gian sớm nhất hoặc để kiến nghị Trung ương ban hành chính sách phù hợp hỗ trợ DN trong điều kiện bình thường mới.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


CEO   Chính phủ   Covid   Covid-19   Công nghệ   HCM   Hiệp hội   Hiệp hội Doanh nghiệp   an ninh mạng   chiến lược   chuyên gia   chính sách   doanh nghiệp   hạ tầng kỹ thuật   kiến nghị   sáng tạo   sản xuất   thói quen   thực phẩm  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...