10/02/2021 19:10  
Ngày Tết đang cận kề là thời gian mỗi người phải đối diện với rất nhiều việc, từ cơ quan cho đến việc nhà.

Những công việc dở dang, chuyến xe vội vã, danh sách đồ cần phải lên, những góc nhà cần phải dọn, góc bếp cần phải chu toàn đồ ăn, những mối quan hệ tình thân cần phải chăm sóc... Tất cả gây nên cảm xúc phức tạp mỗi khi Tết về. Bởi thế đối với nhiều gia đình, đây cũng là thời điểm nhiều xáo trộn và dễ gây mâu thuẫn nhất.

 

Vậy phải làm sao để vượt qua những căng thẳng vào dịp này, để đón một cái Tết sum vầy, vui vẻ, hạnh phúc đúng nghĩa. Điều này cũng phải "học". Hãy lắng nghe chia sẻ từ các chuyên gia:

Ronald J. Frederick - nhà tâm lý học lâm sàng, tác giả của nhiều cuốn sách và đồng sáng lập Center for Courageous Living in Beverly Hills (Mỹ) - chia sẻ: Trước tiên, nếu cảm thấy căng thẳng hoặc tức giận với bạn đời, hãy sử dụng quá trình hít thở sâu để làm chậm phản ứng cảm xúc của bản thân và điều chỉnh những gì nửa kia nói với bạn.

Thông thường, khi xung đột với vợ/chồng, chúng ta không thực sự thấy rõ trải nghiệm của họ vì cảm xúc chưa được bày tỏ. Khi làm chậm lại vòng xoáy cảm xúc của chính mình, chúng ta có cơ hội tốt hơn để giữ cân bằng và dễ dàng điều hướng những va chạm phát sinh.

Cụ thể: Hãy dành cho vợ/chồng bạn sự chú ý hoàn toàn. Để họ thể hiện bản thân không bị gián đoạn. Đặt sự phán xét sang một bên và hãy tò mò. Lắng nghe và chú ý cảm xúc bên dưới lời nói của họ. Khi đối tác đang nói chuyện, điều chỉnh cơ thể của bạn và cố gắng cảm nhận những gì họ cảm thấy. Tế bào thần kinh phản chiếu sẽ cho phép chúng ta hiểu hành động, ý định và cảm xúc của người khác. Khi ta thấy đối tác cảm thấy buồn, tức giận, hạnh phúc hoặc sợ hãi, các nơ-ron thần kinh phản chiếu sáng lên và chúng ta cũng cảm thấy tương tự.

Hãy chú ý đến những tín hiệu phi ngôn ngữ (nét mặt, giọng nói, ngôn ngữ cơ thể) của họ. Giao tiếp bằng mắt với đối tác, để ý những gì bạn nhìn thấy trong mắt họ. Lưu ý những gì xảy ra bên trong bạn khi bạn làm vậy.

Hãy xem xét lý do tại sao họ cảm nhận theo cách họ đã cảm nhận. Đặt bản thân sang một bên và xem xét quan điểm của họ. Lưu ý bạn cảm thấy ra sao và cảm thấy đối với đối tác của bạn như thế nào? Ý thức bên trong của bạn về những điều tốt nhất nên làm cho cả hai là gì?

Nếu gặp khó khăn trong việc kết nối với người bạn đời của mình, hãy thử hình dung họ trẻ hơn. Nhìn vào mắt họ và chú ý những gì xảy ra bên trong bạn. Bạn cảm thấy thế nào về đứa trẻ đó?

Hãy chia sẻ hiểu biết của bạn về trải nghiệm cảm xúc ấy. Bạn có thể nói rằng: "Em/anh đã cảm nhận được rằng em/anh đang căng thẳng". Sau đó, hãy hỏi xem mình đã hiểu đúng chưa. Nếu đúng, hãy chú ý cách đối tác của bạn phản ứng cảm xúc khi được nhìn nhận theo cách này.

Nếu sự hiểu biết của bạn về cảm xúc của họ không chính xác, không phẫn nộ vì đã sai. Hãy hỏi để làm rõ và yêu cầu họ giúp bạn hiểu rõ hơn về trải nghiệm của chính họ. Đối tác của bạn sẽ đánh giá cao sự quan tâm và chăm sóc, cũng như mong muốn hiểu cô ấy/ anh ấy của bạn.

Tiến sĩ Ronald J. Frederick nói rằng, các cặp đôi có thể thực hành kỹ năng đồng cảm này cả ngày lễ và suốt năm. Khi chúng ta buông bỏ phản ứng được kích hoạt bởi những vết thương cũ, những giả định, hiểu lầm hoặc căng thẳng cũ, chúng ta có thể gần gũi hơn với đối tác và làm sâu sắc thêm mối quan hệ.

 

Cụ thể, trong từng tình huống để tránh xung đột trong dịp Tết, vợ chồng có thể tham khảo các cách sau:

1. Chi tiêu dịp Tết

Tết là thời kỳ tuyệt vời nhất trong năm nhưng cũng là thời kỳ bạn phải tiêu nhiều tiền nhất. Cộng các chi phí mua sắm, đi lại... thường khiến bạn đau đầu vì bội chi, và điều này có thể dẫn đến xung đột giữa hai vợ chồng.

Nếu không có sự chuẩn bị sớm, bạn sẽ dễ bị stress vì một danh sách dài những thứ cần phải chi tiêu trong dịp Tết: quần áo mới, bánh kẹo, thực phẩm dự trữ, quà biếu, tiền lì xì… Không phải công ty nào cũng có lương tháng 13 hay thưởng Tết hậu hĩnh, thế nên nhiều người phải đối mặt với tình trạng "rỗng ví" ngay từ khi mới nhận lương.

Đừng để mình lâm vào cảnh rỗng túi sau kỳ nghỉ Tết. Vợ chồng nên đối diện với chuyện tiêu Tết một cách trung thực, thiết lập một giới hạn hợp lý. Bạn cũng nên mỗi tháng tiết kiệm một chút để lương thưởng cuối năm không phải gánh tất cả chi phí trong dịp Tết. Bạn có thể chọn những mặt hàng bán giảm giá, xả kho trong dịp Tết, tự làm một số món ăn và đồ trang trí nhà cửa thay vì mua để giảm chi, chia sẻ dịch vụ chung với một số bạn bè, ví dụ thuê chung ô tô cùng gia đình bạn bè để giảm chi phí đi lại. Bí quyết mua sắm Tết tiết kiệm chính là kế hoạch mua sắm chi tiết theo tình hình tài chính hiện tại chứ không theo cảm hứng. Bạn có thể cân nhắc những món quà tặng mang giá trị tinh thần nhiều hơn vật chất cho người thân như bữa ăn ngon, nhà cửa sạch sẽ, thời gian trò chuyện…

Rõ ràng lên kế hoạch chi tiêu là một việc phải làm.Việc này sẽ giúp vợ chồng bạn không sa đà vào các cuộc khuyến mãi, sẽ không chi tiêu theo hứng. Nhưng nếu một trong hai người không thể thực hiện theo kế hoạch. Chồng/vợ đã trót mua sắm đồ đạc về trang hoàng trong nhà thì việc bạn có tức giận cũng không thể làm cho mọi thứ tốt hơn, đồ đạc cũng không thể trả lại cửa hàng được nữa. Đừng mang bộ mặt bí xị khi họ mang đồ về. Hãy nghĩ tích cực rằng, nhờ có họ mà ngôi nhà trở nên đẹp hẳn lên và tốn tiền cho ngày Tết một chút cũng đáng.

2. Tết quê nội, tết quê ngoại

Năm nay là một năm đặc biệt. Rất nhiều người lựa chọn ở lại và đón Tết từ xa trong bối cảnh dịch covid vẫn còn chưa vắng bóng. Dẫu vậy, Tết cổ truyền vẫn là một dịp đặc biệt, một ngày lễ lớn, lễ sum vầy mong chờ nhất trong năm của các gia đình. Thế nhưng có phải, chuyện ăn Tết ở quê ai có còn trở nên quan trọng hay không khi các bạn cần nhất là sự vui vẻ đầm ấm? 

Bởi thế nếu bạn lựa chọn ở lại mà không về quê, hãy vui vẻ và tận hưởng những ngày này, cho gia đình có được một cảm giác mới lạ. Còn nếu quê vợ quê chồng ở gần nhau, các bạn có thể bố trí thời gian để về ăn Tết hai nơi, còn quá xa nhau thì hãy bàn bạc trước xem ăn Tết ở quê ai cho phù hợp và tiện lợi nhất. Còn nếu vẫn không thể thỏa thuận được và bạn buộc phải đi theo ý kiến người kia thì cũng cần học cách suy nghĩ tích cực để cho mọi việc được nhẹ nhàng hơn.

Một chân lý rất cũ là chúng ta không bao giờ được chọn lựa những người ruột thịt của mình, và điều này cũng đúng với bên phía người bạn đời của bạn. Thời gian yêu đương, bạn thường không đủ tỉnh táo để nhận ra một người mẹ độc đoán hay một người chú cái gì cũng biết. Tuy nhiên, trong một gia đình mở rộng hai bên bốn họ, chắc chắn thế nào bạn cũng tìm được một vài người mình có thể tin tưởng và chia sẻ.

 

3. Gánh nặng việc nhà trong ngày giáp Tết

Với rất nhiều việc nhà và những việc lặt vặt phát sinh trong dịp Tết, thật dễ dàng để bạn cảm thấy dường như mình đang phải gánh vác quá nhiều trách nhiệm và điều này có thể nhanh chóng khiến bạn bùng nổ.

Dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị mọi thứ thật chu đáo là tâm lý chung của chị em phụ nữ mỗi khi Tết đến, xuân về. Người chồng lý tưởng là người biết lắp điện đóm, sửa máy móc hỏng và giỏi phụ vợ việc nhà. 

Với nhiều gia đình, khi ôsin không ở lại, họ đã tìm đến dịch vụ thuê giúp việc theo giờ để giảm bớt gánh nặng việc nhà dịp cuối năm. Nhiều gia đình tuy không có ôsin, thường thuê giúp việc cuối tuần để lau dọn nhà cửa, thì nay nhiều người cũng động viên chồng con cuối tuần cùng nhau dọn dẹp, vừa vui lại đỡ tốn tiền. Vì thế, để không bị "quá tải", khi bắt đầu chuẩn bị cho Tết, hãy lập một danh sách những gì cần phải làm và xác định ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho mỗi việc. Mỗi tuần nên nói chuyện lại để đánh giá quá trình thực hiện của bạn, chỉnh sửa danh sách khi cần thiết, và thảo luận về cảm giác của mỗi người. Nếu một trong hai người cảm thấy khối lượng công việc không cân bằng, hãy nói ra và cùng điều chỉnh.

4. Quà biếu, quà tặng

- Chìa khóa để tránh xung đột về quà tặng, quà biếu trong dịp Tết là trao đổi trung thực và không đặt ra các giả định về những kỳ vọng của người khác. Nói chuyện này sớm và cùng quyết định xem những ai trong gia đình, bạn bè và người quen nào được tặng quà, và vợ chồng bạn có thể chi tiêu bao nhiêu cho biếu quà ngày Tết.

- Ngoài ra cũng không cần thiết phải chọn những món quà đắt tiền mới quý, điều quan trọng là món quà đó có giá trị sử dụng đối với người được tặng. Hoàn toàn không nên vì chuyện quà biếu mà gây áp lực hoặc làm mất đi tình cảm tốt đẹp vợ chồng.5. Những bữa tiệc tất niên và mừng năm mới

- Hãy liệt kê sự kiện mà mọi người muốn bạn tham gia và cùng nhau quyết định đâu là sự kiện quan trọng với cả gia đình, đâu là sự kiện chỉ dành cho một cá nhân. Hãy tôn trọng nhau.

- Về phía người vợ: Không nên tỏ thái độ từ chối hay bất mãn mỗi khi anh xã mời bạn bè đến dự tiệc vì ai cũng cần có bạn và tiệc ăn uống là điều khó tránh khỏi. Không nên nếu bạn làm việc đó một cách miễn cưỡng với bộ mặt xầm xì. Học cách chia sẻ khi hai vợ chồng đang thoải mái nói chuyện với nhau, bàn bạc trước xem nên mời ai và vào lúc nào để cả hai chuẩn bị được tốt. Ngoài ra, thống nhất với anh xã nên sử dụng bao nhiêu rượu để khỏi rơi vào tình trạng quá say xỉn. Thậm chí phân công nhau cùng nấu nướng sẽ giúp cho cả hai tránh rơi vào tình trạng quá mệt vì chuẩn bị tiệc tùng.

- Về phía người chồng: Cần thông cảm cho những nỗi vất vả, mệt mỏi của vợ dịp Tết, đừng mặc định bạn đời phải phục vụ tiệc tùng cho bạn và các chiến hữu. Hãy thể hiện sự tôn trọng cô ấy bằng cách bàn bạc trước dự định mời bạn và lắng nghe ý kiến của vợ. Khi tổ chức tiệc, hãy tham gia cùng vợ các công đoạn chuẩn bị cũng như dọn dẹp...

5. Ứng xử với con cái

Câu chuyện "bé mọn" này hóa ra cũng trở thành gánh nặng với nhiều gia đình dịp sát Tết. Ngày Tết, bọn trẻ không đi học, vợ chồng bạn sẽ phải lo ăn uống cho con, lo trông con cả ngày, và đôi khi bạn sẽ rất bực vì sự ầm ĩ của lũ trẻ. Bạn muốn bọn trẻ có một ngày Tết thật vui nhưng làm sao có thể thực hiện điều đó mà không phát điên vì lũ trẻ, hay tranh cãi với người bạn đời cũng vì lũ trẻ.

Bạn biết đấy, bạn đã được nghỉ làm. Bọn trẻ không đi học và thời khóa biểu sinh hoạt của chúng bị đảo lộn. Bạn đừng tạo áp lực buộc mình phải giữ nguyên lịch trình ăn uống ngủ nghỉ của bọn trẻ. Bạn có thể lên một kế hoạch đi chơi phù hợp cho con. Bạn nên nhớ rằng điều tốt nhất có thể mang lại cho con trong những ngày nghỉ chính là thời gian của bạn.

Theo Phương Nghi

Gia đình và Xã hội

Nguồn tin: dantri.com.vn


Bí quyết   Giao tiếp   Xã hội   chuyên gia   căng thẳng   dịch vụ   thực phẩm  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...