26/01/2021 20:40  
Các chuyên gia của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia vừa đưa ra những nhận định về diễn biến thời tiết dịp Tết Tân Sửu năm 2021.

Chiều 26/1, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT) tổ chức hội thảo khai thác và sử dụng thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn (KTTV) phục vụ cộng đồng.

Tại hội thảo, ông Trần Quang Năng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia) đã đưa ra những nhận định về tình hình thời tiết Tết Tân Sửu 2021. Cụ thể, khoảng ngày 2/2 (tức ngày 21 tháng Chạp âm lịch năm 2020) sẽ có một đợt không khí lạnh yếu ảnh hưởng tới miền Bắc, nên khoảng thời gian trước 23 tháng Chạp âm lịch năm 2020, miền Bắc trời rét về đêm và sáng.

Tiếp đến, vào khoảng ngày 5 - 6/2/2021 (24 - 25 tháng Chạp âm lịch năm 2020), miền Bắc tiếp tục chịu ảnh hưởng của 1 đợt không khí lạnh yếu, lệch Đông; khoảng ngày 8/2 (27 tháng Chạp năm 2020) trở đi không khí lạnh suy yếu.

Đặc biệt, riêng đối với khu vực Hà Nội, ngày 23 - 24/1 (29 - 30 Tết) trời nắng, từ chiều 24/1 (30 Tết) có lúc có mưa; nhiệt độ cao nhất 23 - 26 độ C; nhiệt độ thấp nhất 18 - 21 độ C. Từ ngày 25 - 26/1 (1 - 2 Tết) có mưa, nhiệt độ cao nhất 18 - 21 độ C; nhiệt độ thấp nhất 13 - 16 độ C, trời rét. Từ ngày 27 - 29/1 (3 - 5 Tết): Đêm và sáng sớm có mưa nhỏ, mưa phùn, ngày không mưa, nhiệt độ cao nhất 19 - 22 độ C; nhiệt độ thấp nhất 14 - 17 độ C, trời rét.

Ông Trần Quang Năng đưa ra nhận định: “Ít có khả năng xảy ra thiên tai nguy hiểm trong dịp Tết Tân Sửu 2021, và ít khả năng xảy ra giông, lốc, sét, mưa đá như Tết Canh Tý 2020. Tết năm nay ở miền Bắc sẽ ấm, nhiều khả năng có mưa nhỏ, mưa phùn, sương mù vào buổi sáng. Ở miền Trung nhiều mây, nhiệt độ thấp hơn các năm trước. Ở miền Nam tương tự như các năm khác. Trên Biển Đông chưa có dấu hiệu xuất hiện của bão, áp thấp nhiệt đới".

Nhận định về xu thế thiên tai 2021, ông Trần Quang Năng cho biết, ENSO sẽ tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina đến khoảng tháng 4 - 5/2021, sau đó chuẩn nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực trung tâm Thái Bình Dương có khả năng tăng dần và nhiều khả năng chuyển sang trạng thái trung tính vào các tháng cuối năm 2021.

Theo đó, xoáy thuận nhiệt đới có khả năng xuất hiện sớm trên Biển Đông, số lượng xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta có xu hướng tương đương so với trung bình nhiều năm (TBNN). Nửa đầu mùa (tháng 6 - 8/2021) xoáy thuận nhiệt đới sẽ tập trung ở khu vực Bắc và giữa Biển Đông và có khả năng ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Thời kỳ nửa cuối mùa (từ tháng 9 - 11/2021) sẽ tập trung ở khu vực giữa và Nam Biển Đông và ảnh hưởng đến khu vực Bắc Trung Bộ trở vào phía Nam.

"Nhiệt độ trung bình các tháng trong năm 2021 có xu hướng từ xấp xỉ đến cao hơn TBNN, riêng các tháng cuối năm có xu hướng ở mức xấp xỉ đến thấp hơn TBNN cùng thời kỳ. Nắng nóng ở các khu vực có khả năng xuất hiện tương đương so với trung bình, tuy nhiên không gay gắt và kéo dài như năm 2020", ông Trần Quang Năng nhận định.

Về lượng mưa, tổng lượng mưa 6 tháng đầu năm 2021 có xu hướng xấp xỉ đến thấp hơn TBNN; Trong 6 tháng cuối năm 2021 (các tháng chính của mùa mưa trên hầu hết các khu vực) lượng mưa có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt mưa nhiều hơn so với trung bình ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vào tháng 7 - 9/2021 và từ tháng 10 - 12/2021 ở khu vực Trung Bộ.

Cũng tại hội thảo, ông Hoàng Phúc Lâm - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, trong năm 2021 công tác tuyên truyền của Tổng cục KTTV sẽ có những nét mới, như thường xuyên tổ chức các buổi thông tin KTTV, thiên tai KTTV tới báo chí và người dân. Hàng tháng/hàng quý tổ chức các diễn đàn thông tin dự báo mùa với các đối tượng sử dụng thông tin. Đặc biệt, đẩy mạnh phát triển các kênh thông tin, tuyên truyền mới: App điện thoại, fanpage facebook, zalo.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Dự báo thời tiết   Hà Nội   Tổng cục   chuyên gia   diễn đàn  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...