17/03/2021 12:11  
Sau 5 năm luyện tiếng Anh từ "con số 0" cùng bố, cô bé Hà Lâm Trúc đã tự tin diễn thuyết, hát, đọc rap bằng ngôn ngữ này.

Ông bố "bập bẹ" tiếng Anh và cô con gái "bắn tiếng Anh như gió"

Chứng kiến cô bé 11 tuổi Hà Lâm Trúc trổ tài diễn thuyết, hát hay đọc rap bằng tiếng Anh, nhiều người sẽ nghĩ: Lâm Trúc là thành quả của một "lò" đào tạo ngoại ngữ chuyên nghiệp nào đó.

Nhưng thực ra, khả năng tiếng Anh của Lâm Trúc hiện tại là "trái ngọt" sau 5 năm "gieo hạt, chăm sóc" của chính người cha - anh Hà Khánh Tùng. Và điều bất ngờ hơn nữa, anh Tùng là một người cha thế hệ 8x với trình độ tiếng Anh "bập bẹ vài ba câu đơn giản".

Bé Hà Lâm Trúc sinh ra ở Hà Nội. Năm Lâm Trúc hơn một tuổi thì gia đình gặp biến cố, anh Tùng gửi con về quê nội ở huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn - một vùng quê miền núi còn hẻo lánh. Thời gian sau đó, chính anh Tùng cũng rơi vào khủng hoảng, mất phương hướng nên có những lúc, anh như "bỏ quên" chính cô con gái nhỏ.

Một lần về thăm quê, anh giật mình khi con không nhận ra bố. Giây phút đó đã thay đổi bản thân anh, thay đổi suy nghĩ về cuộc sống, về trách nhiệm của một người cha.

Nhận thức được những hạn chế về giáo dục ngoại ngữ tại địa phương, anh Tùng quyết định sẽ cùng con học tiếng Anh.

Ông bố trẻ đọc sách về nuôi dạy con, tham gia hội nhóm học hỏi câu chuyện thành công. Sau giờ làm, anh tìm đến các trường quốc tế để chứng kiến mô hình và phương pháp dạy học của họ; anh cũng nhờ bạn bè chụp giáo trình học của con họ để anh tham khảo.

Suốt nhiều tháng, anh tự mày mò học trước, học đúng và học kĩ để có thể dạy con hiệu quả. Sợ dạy con phát âm sai, trước mỗi buổi học, anh tra Google cách đọc rồi học thuộc, sau đó nhắc lại với con.

Hàng ngày, anh Tùng giao bài tập qua mạng để con làm, sau đó yêu cầu con quay video lại để gửi cho bố. Cuối tuần, anh Tùng lại "xách balo lên và về quê" để cùng con luyện tiếng Anh trực tiếp.

"Tôi và con xem các video về kỹ năng thuyết trình, tranh biện hay TED talks để con học cách làm chủ sân khấu", anh cho hay. Anh muốn rèn cho con cách nói để cuốn hút người nghe bằng những nội dung hấp dẫn, ngữ điệu phát âm chuẩn và sử dụng ngôn ngữ cơ thể hợp lý.

Không phụ lòng bố, Lâm Trúc từ cô bé nhút nhát dần trở nên năng động, tự tin và gắn bó với bố.

Những chuyến xe "từ bản về Thủ đô" để luyện tiếng Anh

Sau 2-3 năm đồng hành cùng con, anh nhận ra mình đã đi đúng hướng nhưng cũng đến lúc "những gì con cần vượt quá trình độ ngoại ngữ" của anh.

"Để dạy con, tôi cũng đã trau dồi năng lực tiếng Anh của bản thân nhưng tôi dần nhận ra vốn kiến thức của tôi không đủ để giúp con phát triển hơn nữa. Tôi sợ mình phát âm sai, sử dụng ngữ pháp sai sẽ làm ảnh hưởng tới con. Những cuộc hội thoại đơn giản mỗi ngày cùng tôi sẽ khiến con dần nhàm chán", anh chia sẻ.

"Cách tốt nhất là cho con gặp Tây", anh Tùng nghĩ.

Thế là, cứ cuối tuần anh lại về Lạng Sơn đưa con đến chợ quê để gặp du khách nước ngoài, giúp con tích lũy kiến thức về lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán và hướng dẫn kỹ năng giao tiếp để tự tin hơn. Muốn con có nhiều cơ hội rèn luyện, anh trao đổi với chủ homestay ở địa phương, nói có khách nước ngoài thì gọi Trúc đến trò chuyện.

"Ở quê tôi, hiếm hoi lắm mới có khách Tây ghé thăm quan, lưu trú nên tôi phải chắt chiu từng cơ hội", anh nói. Sau vài lần bỡ ngỡ, ngại ngùng, Lâm Trúc trở nên thích thú với bài tập "hướng dẫn viên du lịch" của bố.

Năm 2019, có một đoàn học sinh cấp 3 từ Úc đến Lạng Sơn để làm từ thiện trong vòng 1 tháng. Anh biết thông tin này khi thời gian họ lưu trú tại Việt Nam đã trôi qua một nửa nhưng anh Tùng vẫn tìm đến tận nơi, xin chủ homestay địa phương cho Trúc ở cùng trong 2 tuần còn lại. Sau 2 tuần ấy, khả năng phát âm của Trúc thay đổi hoàn toàn.

Tranh thủ kì nghỉ hè năm Trúc 8 tuổi, anh Tùng đưa con xuống Hà Nội để luyện tiếng Anh với du khách ở Hồ Gươm. Anh giao cho con bài tập: làm quen với 5 vị khách nước ngoài.

Sau nhiều ngày luyện tập, anh thấy con càng lúc càng tự tin và ham thích giao tiếp tiếng Anh. Từ đó, bất kể bận rộn thế nào, anh cũng sắp xếp để đón con xuống Hà Nội luyện tiếng Anh. "Hai cha con rong ruổi gần 400km cả đi cả về mà chưa bao giờ Lâm Trúc kêu mệt. Tuần nào tôi quá bận không thể về là Trúc gọi điện liên tục", anh Tùng kể.

Mong muốn con được giao tiếp đa dạng với du khách quốc tế nhưng anh Tùng cũng rất kĩ tính trong việc lựa chọn bạn quốc tế cho con. Anh chủ động tìm kiếm những du khách đến từ các quốc gia sử dụng phổ biến tiếng Anh với hy vọng con có cơ hội học hiệu quả.

Năm 2020, với năng lực ngoại ngữ tốt, Lâm Trúc đã dành được học bổng toàn phần của Trường Phổ thông Mỹ. Hiện em học song song chương trình tiểu học tại Việt Nam và học trực tuyến chương trình tại Mỹ.

Từ "ông bố hâm" trở thành "ông bố truyền cảm hứng"

Câu chuyện cùng con học tiếng Anh của anh Tùng đã truyền cảm hứng cho nhiều phụ huynh Việt Nam.

"Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là người có khả năng truyền cảm hứng. Tôi chỉ kể lại những việc thật, cách học thật mà bố con tôi đã trải qua. 5 năm trước, nhiều người ở quê tôi còn bảo tôi là hâm, thừa thời gian", anh Tùng tâm sự.

Thời điểm đó, nhiều người ở quê anh - một vùng quê còn nghèo, hẻo lánh cho rằng: anh dạy tiếng Anh cho con là "lãng phí thời gian", "không có kết quả".

Cũng vào thời điểm đó, khi hai cha con vừa "chân ướt chân ráo" tìm đường chinh phục tiếng Anh, Lâm Trúc chưa quen nên sợ học, còn bố dễ nổi cáu vì nhắc nhiều lần con không nhớ, phát âm sai. Con không hợp tác, lại thêm tác động từ bên ngoài khiến anh Tùng chán nản, nhiều lần tính bỏ cuộc. Nhưng tình yêu của người cha đã giúp anh trở nên kiên nhẫn hơn.

Thay vì giao yêu cầu - ép con học, anh đưa quy định thưởng - phạt để tạo hứng thú. Hai cha con đều đặn học online cùng nhau mỗi ngày trong tuần và cuối tuần là thời gian hai cha con rong ruổi đi đây đó, làm quen với du khách nước ngoài.

"Trái ngọt" của hôm nay là thành quả sau 5 năm kiên trì của cả anh Tùng và bé Lâm Trúc. "Tôi chỉ hy vọng, các cha mẹ khác thay đổi tư tưởng đưa con đến trung tâm, phó mặc con cho thầy cô. Không ai gần con và hiểu con, đồng hành cùng con tốt hơn cha mẹ", anh nói.

Ngoài tiếng Anh, anh Tùng cũng đồng hành cùng con để tìm hiểu và phát triển sở thích nhảy, hát rap, lồng tiếng cho phim hoạt hình. Ông bố người Tày cũng dẫn con gái đến làng trẻ SOS để nuôi dưỡng sự đồng cảm, sẻ chia với người kém may mắn. Thời gian tới, anh Tùng dự định sẽ đưa con gái về Hà Nội học lớp 6 để cha con gần nhau hơn và có môi trường tốt hơn cho Lâm Trúc phát triển sở thích.

Hiện tại, hành trình cùng con luyện tiếng Anh của anh Tùng đang được nhiều phụ huynh chia sẻ và học theo. "Tôi luôn sẵn lòng chia sẻ cách làm của cha con tôi cho mọi người. Nhưng trước khi mong con cái thay đổi và tiến bộ, cha mẹ phải thay đổi trước", anh chia sẻ.

Hương Thảo

Nguồn tin: dantri.com.vn


Hà Nội   TED   Việt Nam   chinh phục   du lịch   hợp tác   khách Tây   khủng hoảng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...