24/10/2020 8:10  
Để thị trường làm nhiệm vụ của mình
Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) do bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội QH, thông tin vấn đề giao hay không giao các trung tâm dịch vụ việc làm của các tỉnh, thành đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thỏa thuận quốc tế vẫn có ý kiến khác nhau. Đã có 26/40 đoàn đại biểu (ĐB) QH lựa chọn đồng ý theo đề xuất của Chính phủ. Song, do còn ý kiến khác nhau nên UBTVQH tiếp tục xin ý kiến của các ĐBQH.
Nhiều ĐB không đồng tình với đề xuất này. ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng việc giao các trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh đưa người lao động ra nước ngoài sẽ phát sinh chi ngân sách và nhân lực của nhà nước, chưa phù hợp với tinh thần nghị quyết của T.Ư về chuyển đổi sự nghiệp công lập. “Những công việc nào xã hội đảm đương được thì nên cho doanh nghiệp ngoài nhà nước thực hiện. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đã làm tốt công việc này”, ĐB Hòa phân tích và cho rằng nếu giao việc này cho các đơn vị nhà nước sẽ không công bằng với doanh nghiệp.
Cùng quan điểm, ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho hay hiện Đảng, Nhà nước đang hướng tới hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà luật lại cho phép một chủ thể không mang yếu tố thị trường (một đơn vị nhà nước - PV) tham gia như một doanh nghiệp sẽ tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng, làm méo mó thị trường lao động. Hãy để thị trường làm nhiệm vụ của mình và nhà nước chỉ cần quản lý mà không trực tiếp ra tay”, ĐB Lâm nói.

Sẽ hạn chế được trục lợi, rủi ro

Nhiều ĐB lại đồng tình với việc nên giao nhiệm vụ này cho các trung tâm dịch vụ việc làm của địa phương. ĐB Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) dẫn chứng Trung tâm dịch vụ việc làm tại Hà Tĩnh đang thực hiện nhiệm vụ này một cách trách nhiệm, hiệu quả và cũng không hề làm tăng biên chế, ngân sách. “Người lao động hết sức tin tưởng”, ông Sơn nói và cho rằng đây là thực tiễn để bổ sung quy định này vào luật. Trong khi đó, theo ĐB Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ), khi bổ sung nhiệm vụ này cho các trung tâm dịch vụ việc làm, dự thảo luật đã quy định rõ không thu tiền dịch vụ khi đưa người lao động ra nước ngoài làm việc, đồng thời không làm phát sinh biên chế. Từ đó, ĐB Xuân nhìn nhận việc bổ sung quy định này là cần thiết và phù hợp với thực tiễn tại nhiều địa phương hiện nay.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho hay hiện có 6 địa phương đang thí điểm giao các trung tâm dịch vụ việc làm đưa người lao động sang Hàn Quốc, Nhật Bản lao động ngắn hạn và người lao động không phải trả chi phí. Ông Dung khẳng định việc này hoàn toàn không có tranh chấp gì với doanh nghiệp vì hoàn toàn phi lợi nhuận. “Các trung tâm này chỉ thực hiện nhiệm vụ khi được giao”, ông Dung khẳng định. Người đứng đầu Bộ LĐ-TB-XH cũng cho hay qua trao đổi, phía Hàn Quốc và Nhật Bản cũng không đồng ý giao cho doanh nghiệp vì muốn đây là hoạt động phi lợi nhuận mà đã giao cho doanh nghiệp là phải có thu phí. “Họ chỉ đồng ý với chúng ta về nguyên tắc là giao cho một đơn vị nào đó tùy chúng ta nhưng không thu phí, không có lợi nhuận”, ông Dung nói và đề nghị các ĐBQH cân nhắc để quyết định vấn đề này.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Chính phủ   Nhật Bản   doanh nghiệp   dịch vụ  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...