03/10/2020 8:15  
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại TPHCM. Ảnh: Thành Hoa

Chuyến bay VJ963 từ Seoul (Hàn Quốc) đến Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất lúc 12 giờ 30 ngày 30-9 có 159 hành khách. Sau khi làm thủ tục nhập cảnh, nhiều người không đồng ý về khách sạn để thực hiện việc cách ly theo quy định vì cho rằng mức phí 5 triệu đồng một ngày là quá cao, không như công bố ban đầu là khoảng 100 đô la Mỹ/ngày.

Một số người thậm chí còn livestreams trên mạng xã hội và phải đến tối, khi cơ quan chức năng vào cuộc, đưa hành khách về khu cách ly tập trung huyện Cần Giờ thì vụ việc mới được giải quyết.

Trong cuộc họp báo cùng với một số cơ quan như Sở Du lịch, Sở Y Tế tại Trung tâm Báo chí TPHCM vào chiều 1-10, bà Nguyễn Thị Thúy Bình, Phó tổng giám đốc VJ, đã khẳng định hãng VJ không phát ngôn về giá khách sạn. Hãng chỉ cung cấp danh sách khách sạn được phép thực hiện cách ly y tế theo quy định của cơ quan chức năng và thông báo với khách ngay tại sân bay trước khi máy bay cất cánh là khoảng 100 đô la Mỹ/ngày cho khách chuẩn bị. Hành khách đã đồng ý.

Thế nhưng, nếu bỏ qua điều đó, sau này nếu như hãng bay chỉ dựa vào chuyện hành khách ký đồng ý cách ly có trả phí để chở người từ vùng dịch về nước sẽ là sự sơ hở trong khâu vận hành.

TPHCM hiện có tám khách sạn phục vụ dịch vụ cách ly có trả phí. Để chặt chẽ, hãng vận chuyển nên cung cấp khách sạn cho khách hàng lựa chọn trước khi xuất vé. Chỉ khi khách chọn, đăng ký lưu trú, khách sạn đảm bảo có phòng, khách hàng đặt cọc để giữ phòng thì mới xuất vé máy bay.

Điều này đảm bảo cho hành khách và đơn vị vận chuyển không bị động, công tác phòng dịch được tiến hành nghiêm ngặt.

Chẳng hạn, có thể khách đồng ý cách ly với giá cỡ 100 đô la Mỹ/ngày, nhưng ngộ nhỡ do không đặt trước nên khi máy bay hạ cánh thì khách sạn hết phòng hay giá tăng lên 150 đô la, khách không đủ chi trả thì sẽ dẫn đến sự vụ không hay như vừa rồi. Cả trăm con người từ vùng dịch có Covid-19 vạ vật ở sân bay nhiều giờ sẽ ảnh hưởng đến việc phòng dịch và cả hình ảnh của nhà vận chuyển.

Ngày thường, để đảm bảo có chỗ ở khi đến nơi, khách phải đăng ký và đặt cọc trước. Lúc dịch bệnh như hiện nay, yêu cầu đặt dịch vụ sớm lại càng được thắt chặt hơn vì khách sạn cần nhiều thời gian để chuẩn bị phòng ốc và các khâu liên quan đến phòng chống khi đón và phục vụ khách cách ly.

Vì thế, chuyện hành khách của VJ đến nơi rồi mới liên hệ tìm phòng như chuyến bay vừa rồi khiến nhiều người thắc mắc: liệu có chuyện nhà vận chuyển chỉ lo chuyện chở về, còn cách ly thế nào là việc của người khác.

Vận hành trong giai đoạn dịch bệnh như hiện nay đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi quy trình vận hành và phục vụ. Nhà vận chuyển không chỉ có trách nhiệm chuyên chở khách mà còn phải thực hiện công tác phòng chống dịch.

Cho nên, có thể xem việc đảm bảo khách có chỗ cách ly y tế trước về là điều mà hãng hàng không cần làm nhằm đảm bảo quá trình vận hành trơn tru và cung cấp thêm dịch vụ cho khách hành trong bối cảnh đặc biệt. 

Với hành khách cũng vậy, nên tìm hiểu những thông tin liên quan đến chuyến đi của bản thân. Những thông tin như danh sách khách sạn, người liên hệ, yêu cầu cách ly về y tế đã được báo chí thông tin nhiều; các cơ quan chức năng cũng thông báo chi tiết trên trang web liên quan nhưng nhiều người chưa để ý.

Nếu mặc nhiên nghĩ ai đó sẽ phải lo chuyện của mình hay để xảy chuyện rồi mới nói "tôi không biết" thì bản thân sẽ là chịu thiệt đầu tiên. Thế mới thấy, từ vụ việc này có nhiều điều mà cả khách hàng lẫn nhà cung cấp dịch vụ phải suy nghĩ để thay đổi.

Mời đọc thêm:

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Covid   Covid-19   HCM   Hoa   TPHCM   doanh nghiệp   dịch vụ   tập trung  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...