15/04/2021 0:16  
Ngày 14/4, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020. TP.HCM được xếp ở mức cao nhất đối với hai chỉ số nội dung là Cung ứng dịch vụ công và Quản trị điện tử. 

PAPI là chương trình nghiên cứu quan trọng về quản trị do UNDP tại Việt Nam khởi xướng từ năm 2009. Chỉ số PAPI đo lường và so sánh trải nghiệm, cảm nhận của người dân về hiệu quả và chất lượng thực thi chính sách, cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương ở 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam nhằm thúc đẩy xây dựng quản trị hiệu quả và chủ động đáp ứng nhu cầu của người dân.

Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) bao gồm 6 chỉ số lĩnh vực nội dung, 28 chỉ số nội dung thành phần và 92 chỉ tiêu thành phần về hiệu quả quản trị và hành chính công của toàn bộ 63 tỉnh/thành phố.

Trong báo cáo vừa được công bố, ở hai chỉ số Cung ứng dịch vụ công và Quản trị điện tử, TP.HCM xếp trong nhóm các địa phương cao nhất cả nước, với điểm lần lượt là 3.46 và 7.3. TP.HCM cũng được xếp ở mức đánh giá Trung bình cao đối với chỉ số công khai, minh bạch trong việc ra quyết định. Các chỉ số nằm trong nhóm Trung bình thấp, gồm: trách nhiệm giải trình với người dân (4.8), thủ tục hành chính công (7.34). Đối với hai chỉ số Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và Quản trị môi trường, thì TP.HCM được xếp vào nhóm các địa phương có mức Thấp nhất.

Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) là sản phẩm của hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Nghiên cứu Phát triển - Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam từ năm 2009 và Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Trung ương và địa phương. 

PAPI là khảo sát xã hội học lớn nhất tại Việt Nam với nội dung đánh giá xây dựng, thực thi và giám sát chính sách và cung ứng các dịch vụ công. Các trục nội dung được được thiết kế đặc biệt cho bối cảnh Việt Nam cả tầm quốc gia và cấp địa phương. PAPI được xây dựng trên triết lý coi người dân như “người sử dụng (hay “khách hàng”) của cơ quan công quyền (hay “bên cung ứng dịch vụ”), có đủ năng lực giám sát và đánh giá tính hiệu quả của quản trị và hành chính công ở địa phương. Cho đến hết 2019, khảo sát PAPI đã thu thập và phản ánh trải nghiệm của 131.501 người dân.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


HCM   Việt Nam   chính sách   dịch vụ   hợp tác  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...