10/03/2021 16:15  
Đợt dịch Covid-19 thứ ba tiếp tục gây ra hệ lụy không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Nhằm chuẩn bị cuộc gặp giữa lãnh đạo TP.HCM với cộng đồng doanh nghiệp (dự kiến tổ chức vào cuối tháng 3/2021), Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) phối hợp với Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức thu thập thông tin về những khó khăn mà doanh nghiệp tiếp tục đối mặt. 

Chỉ trong thời gian ngắn, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến góp ý của các hiệp hội, doanh nghiệp về các giải pháp cũng như đề xuất các chính sách tháo gỡ... Sau đây là

FFA đề xuất hỗ trợ kết nối giao thương

Song song với chống dịch, cộng đồng DN Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM (FFA) vẫn tích cực phát triển kinh doanh. Nhờ đó, FFA đã hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra trong năm 2020. Đặc biệt, đến nay, chưa xảy ra dịch ở bất kỳ đơn vị nào thuộc FFA. 

Theo bà Lý Kim Chi - Chủ tịch FFA, dù việc sản xuất, kinh doanh đã được cải thiện, nhưng những biện pháp hỗ trợ kịp thời từ UBND TP.HCM đối với DN vẫn vô cùng quan trọng. 

TP.HCM đang triển khai chương trình “Phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành chế biến thực phẩm giai đoạn 2020-2030”. Theo đó, bà Chi đề nghị lãnh đạo Thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ riêng FFA gắn với sự phối hợp của Sở Công Thương nhằm thực hiện hai đề án quan trọng. Đó là đề án phát triển kho lạnh, kho dự trữ và xây dựng vùng nguyên liệu, hình thành chuỗi sản xuất của ngành lương thực, thực phẩm. 

FFA đề xuất Thành phố có kế hoạch hỗ trợ DN liên kết tạo các chuỗi sản xuất - phân phối, kết nối cung cầu, kết nối giao thương giữa TP.HCM với các địa phương khác. Đồng thời, tiếp tục có chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa đẩy mạnh thương mại điện tử, kết nối với DN có hệ thống phân phối lớn.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, bà Chi mong muốn TP.HCM tổ chức nhiều diễn đàn, hội thảo để chia sẻ kinh nghiệm, tập huấn chuyên sâu về nội dung các hiệp định thương mại tự do (FTA) cho DN và các hội DN. Lãnh đạo FFA cũng đề xuất Thành phố chỉ đạo các sở, ngành cung cấp thêm dịch vụ điều tra nghiên cứu và thông tin về thị trường cho DN, đồng thời tổ chức những chương trình xúc tiến thương mại, kết nối DN với các thị trường trọng điểm hoặc đang có lợi thế xuất khẩu như Ấn Độ, EU... 

Một trong những giải pháp để giảm rủi ro, thiệt hại trong kinh doanh là bảo vệ quyền lợi của DN, nhất là DN vừa và nhỏ khi có tranh chấp thương mại ngoài phạm vi lãnh thổ. Chi phí giải quyết những vụ tranh chấp thương mại ở nước ngoài rất cao, do đó bà Chi đề nghị Thành phố hỗ trợ một phần tiền pháp lý cho DN nhỏ.

Theo lãnh đạo FFA, UBND TP.HCM cùng các sở, ban, ngành cần tăng cường các buổi tiếp xúc với DN theo từng ngành nghề. Qua đó, trực tiếp lắng nghe và rà soát những quy trình, thủ tục bất cập gây phiền hà cho DN và xác định những cơ quan, đơn vị, công chức nhà nước gây khó dễ đối với DN để có biện pháp xử lý. Đồng thời, hỗ trợ các hội ngành nghề tăng cường tổ chức các buổi đối thoại chuyên ngành giữa lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan với DN từng ngành nghề.   

Thành phố cũng cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm soát chặt chẽ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm cung cấp cho hệ thống giáo dục. Thành phố nên chỉ đạo ngành giáo dục đưa thực phẩm uy tín, có thương hiệu vào hệ thống trường học. 

HoREA kiến nghị gỡ vướng mắc pháp lý

Trong buổi gặp gỡ lãnh đạo TP.HCM vào cuối tháng 2 vừa qua, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có nhiều đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN bất động sản trên địa bàn. 

Trong năm 2020, để thực hiện Luật Đầu tư sửa đổi, Sở Xây dựng đã chuyển 61 hồ sơ sang Sở Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện thủ tục “quyết định chủ trương đầu tư”. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã trình báo cáo thẩm định 17 dự án lên UBND TP.HCM. Hiện vẫn còn 39 hồ sơ (18 dự án chưa nhận đủ ý kiến của các sở, ngành, 20 dự án yêu cầu nhà đầu tư bổ sung nhưng chưa nhận được hồ sơ bổ sung và một dự án nhà đầu tư rút hồ sơ) chưa được thẩm định. HoREA đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xem xét giải quyết 39 dự án này vì hồ sơ nộp đã lâu.

Về Nghị định 148/2020/NĐ-CP của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai), HoREA thấy vấn đề khó nhất là việc xác định phần diện tích đất thuộc Nhà nước quản lý nằm xen kẽ trong dự án đầu tư đủ điều kiện để tách thành dự án độc lập. Do đó, HoREA đề nghị lãnh đạo TP.HCM ban hành văn bản hướng dẫn xử lý đối với phần diện tích đất này. Theo HoREA, nên giao cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì phối hợp cùng Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Giao thông Vận tải xem xét từng dự án cụ thể để đề xuất UBND TP.HCM giải quyết. 

Lãnh đạo HoREA đề nghị UBND TP.HCM ban hành quy trình đầu tư xây dựng đối với nhà ở xã hội, gồm 4 bước. Cụ thể là thẩm định và phê duyệt thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư (35 ngày), thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (40 ngày), lập thủ tục giao thuê đất (20 ngày) hoặc chuyển mục đích sử dụng đất (15 ngày), cuối cùng là thực hiện các thủ tục chấp thuận đầu tư (35 ngày) hoặc thẩm định thiết kế cơ sở (20 ngày) và cấp phép xây dựng (20 ngày). 

HoREA cũng kiến nghị lãnh đạo Thành phố giải quyết kịp thời việc cấp “sổ hồng” nhà ở thương mại. Hiện nay vẫn còn khoảng 20.000 căn hộ và nhà chung cư chưa được cấp sổ hồng. Lãnh đạo HoREA đề xuất ưu tiên cấp “sổ hồng” cho khách hàng đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng mua nhà, tách riêng phần sai phạm của chủ đầu tư để xử lý sau. Đồng thời, cần cấp “sổ hồng” cho toàn bộ diện tích tầng hầm, bao gồm cả phần diện tích tầng hầm nằm ngoài ranh diện tích xây dựng khối đế tòa nhà chung cư.

Theo lãnh đạo HoREA, TP.HCM hiện có 158 mặt bằng và dự án thuộc diện rà soát cơ sở pháp lý. Có 124 dự án được vận hành trở lại kể từ tháng 3/2019, nhưng trên thực tế vẫn chưa được hoạt động bình thường. Do vậy, HoREA đề nghị UBND TP.HCM phối hợp với các cơ quan Trung ương sớm có kết luận đối với các dự án thuộc diện rà soát, để các chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước (nếu có) và được tiếp tục thực hiện dự án.

Đồng thời, lãnh đạo HoREA đề nghị UBND TP.HCM có định hướng quy hoạch khu vực phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp gần hoặc tương đối gần các ga metro tại một số quận - huyện ngoại thành hiện nay, chẳng hạn khu nhà ở xã hội Láng Le 30ha tại huyện Bình Chánh mà Thành phố đã phê duyệt. Đề xuất Thành phố xem xét kiến nghị của một số chủ đầu tư xây dựng nhà ở thương mại cao cấp, có quy mô trên 10ha (có công trình trên dưới 200ha) được thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội tại địa điểm khác. 

Ông Nguyễn Văn Trí - Tổng giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Lập Phúc: Gói hỗ trợ nên tập trung vào những hạt nhân ưu tú

Ngành cơ khí, bản thân doanh nghiệp yếu về vốn. Trong khi đầu tư cho ngành này thì vốn rất lớn mà thời gian xoay vòng quá dài. Thậm chí, có những loại máy móc, mua về không giải được bài toán khi nào thu hồi được vốn. Đó là chưa kể ngành cơ khí không thể mua một cái máy mà làm được sản phẩm, phải đầu tư đồng bộ cả hệ thống. Cho nên, để phát triển ngành cơ khí thì phải có sự hỗ trợ thiết thực từ Thành phố, nếu chỉ có yêu nghề thì không bám được, không thể phát triển và càng không cạnh tranh với nước ngoài.

Thời gian qua, TP.HCM đã có những chương trình hỗ trợ nhưng chưa thực sự hiệu quả, chưa đến trực tiếp với doanh nghiệp cần hỗ trợ. Tôi cho rằng các gói hỗ trợ cần đi vào cụ thể, ví dụ hỗ trợ cho doanh nghiệp A thì phải đi theo cả quá trình từ đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị, nghiên cứu sản phẩm, sản xuất... đến khi bán ra thị trường. Nghĩa là phải theo dõi từng tháng, đánh giá hiệu quả cụ thể chứ không làm đứt đoạn.

Hiện nay, hằng tháng UBND TP.HCM và Sở Công Thương có họp định kỳ triển khai, đánh giá các chương trình hỗ trợ nhưng sau đó triển khai rất chậm. Các văn bản hướng dẫn chồng chéo, nhiều điểm hiểu sao cũng được, gặp tình trạng này thì cán bộ công chức không biết xử lý thế nào sẽ rút lui ngay. Kể cả cán bộ tâm huyết, họ trình qua nhiều vòng, lấy ý kiến lãnh đạo phòng, lãnh đạo sở rồi lên lãnh đạo Thành phố, dẫn đến kéo dài quá trình giải quyết, rất mất thời gian.

Bản thân Lập Phúc cũng tiếp cận vốn kích cầu và hỗ trợ rất nhiều. Nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang ngộ nhận về vốn kích cầu. Ở đây Thành phố hỗ trợ lãi vay, một số vốn rất đáng kể nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đủ sức trả vốn vay. Ví dụ Lập Phúc mở rộng nhà xưởng cần 120 tỷ đồng, Thành phố hỗ trợ lãi suất của khoản vay 75 tỷ đồng, còn lại đối ứng 45 tỷ đồng từ doanh nghiệp. Thực sự không nhiều doanh nghiệp đáp ứng được, họ vươn không tới. 

Do vậy theo tôi, trong chiến lược phát triển ngành cơ khí, không nên ủng hộ dàn trải mà nên tập trung vào cụ thể lĩnh vực nào, sản phẩm nào, doanh nghiệp nào đáp ứng được yêu cầu, đủ điều kiện, đủ lực tham gia thì tập trung hỗ trợ trực tiếp. Những doanh nghiệp đó đang vướng gì, cần tháo gỡ gì thì Thành phố giải quyết ngay.

Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn xây dựng Hòa Bình: Cần hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu ngành

Gói hỗ trợ thứ nhất cho doanh nghiệp hiệu quả như thế nào thì chúng ta đã thấy. Vì thế, khi triển khai gói hỗ trợ thứ hai, cần xác định đối tượng, sau đó mới đưa ra phương thức tiếp cận phù hợp. Tôi cho rằng cần hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu ngành. Nếu doanh nghiệp đầu ngành đổ vỡ sẽ kéo theo cả hệ sinh thái của ngành. Đó là lý do tôi đề nghị hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu ngành hoạt động ổn định trong tác động của dịch Covid-19.

Tôi không phủ nhận việc phải quan tâm đến doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng khi tập trung vào doanh nghiệp đầu ngành sẽ thuận lợi hơn rất nhiều thay vì triển khai dàn trải cho tất cả. Cho nên tôi cho rằng tập trung vào những doanh nghiệp đầu ngành, vốn có nội lực sẽ khả thi hơn và hiệu quả cho cả nền kinh tế cao hơn.

Ông Định Nam Hải - Giám đốc Viva Business Consulting: Cần thực hiện tốt quy chuẩn thủ tục hành chính

Đặc thù loại hình kinh doanh của Viva Business Consulting là cung cấp các gói dịch vụ pháp lý liên quan đến thành lập, thay đổi giấy phép kinh doanh, mua bán chuyển nhượng hoặc rút khỏi thị trường của doanh nghiệp. Trong đó, chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khối văn phòng đại diện của các thương nhân nước ngoài. Do vậy, tất cả dịch vụ đều gắn bó chặt chẽ, tiếp xúc thường xuyên đến các cơ quan nhà nước tại TP.HCM. Từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Sở Lao động -  Thương binh và Xã hội, cơ quan thuế, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh...

Chúng tôi một ngày có thể thực hiện 100 hồ sơ với cơ quan quản lý nhà nước. Hiện nay, nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài về thủ tục nhập cảnh là rất lớn. Nhiều câu hỏi về hướng dẫn của Chính phủ Việt Nam trong trường hợp chuyên gia nước ngoài đã tiêm vắc xin Covid-19 thì họ có phải cách ly khi nhập cảnh không? Nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nghiên cứu thị trường thì thủ tục nhập cảnh như thế nào?

Trong quá trình tiếp xúc, một trong những cơ quan, theo đánh giá của Viva, quy chuẩn thủ tục hành chính rất tốt là Sở Công Thương. 100% hồ sơ của chúng tôi chuyển đến được giải quyết đúng hạn. Sở này cũng lắng nghe ý kiến doanh nghiệp và giải quyết triệt để nguyện vọng của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cơ quan ban ngành cần cải thiện quy chuẩn giải quyết dịch vụ công là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Dịch vụ công ở đây còn rất nhiều bất cập, gây ức chế cho doanh nghiệp. Từ cửa tiếp nhận hồ sơ đã gây rất nhiều phiền nhiễu và khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ như khi làm thủ tục cấp giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài trong giai đoạn ảnh hưởng dịch Covid-19, phải mang hộ chiếu bản gốc, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đối chiếu từng thông tin quá trình xuất nhập cảnh của chuyên gia nhưng vẫn yêu cầu phải sao y bản chính. Quy trình cấp giấy phép này có hai bước: đăng ký nhu cầu sử dụng vị trí lao động và chuẩn bị hồ sơ. Sau khi đăng ký nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài thành công thì mới nộp hồ sơ xin giấy phép lao động. Thông báo chấp thuận vị trí lao động do sở này ban hành nhưng khi nộp hồ sơ xin giấy phép lao động thì vẫn yêu cầu doanh nghiệp sao y tờ thông báo đó. Văn bản do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp, khi nộp về vẫn yêu cầu sao y là không cần thiết, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Vừa qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của các sở, ngành hầu hết giải quyết trực tuyến. Tuy nhiên, việc này ở Sở Lao động - Thương binh và Xã hội rất lùng nhùng, khó theo dõi khiến người dân và doanh nghiệp muốn bỏ cuộc.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Bất động sản   Chính phủ   Covid   Covid-19   Doanh Nhân   HCM   Hiệp hội   Hiệp hội Doanh nghiệp   Lãnh đạo   Nghị định   Tập đoàn   Việt Nam   Xã hội   chiến lược   chuyên gia   chính sách   diễn đàn   doanh nghiệp   dịch vụ   kiến nghị   quy hoạch   sản xuất   thực phẩm   Đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...