13/11/2020 18:10  
Ngày 12/11, tại trường ĐH Hà Nội, 34 cử nhân Kinh doanh chuyên ngành Quản trị Du lịch, Lữ hành và Khách sạn (hợp tác với Trường ĐH Khoa học Ứng dụng IMC KREMS, Cộng hòa Áo) đã nhận bằng tốt nghiệp.

Tới dự lễ tốt nghiệp và khai giảng của chương trình này có PGS.TS Nguyễn Văn Trào – Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội và Ngài Đại sứ Thomas Schuller-Goetzburg – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa Áo tại Việt Nam.

Được biết, ngành Quản trị Du lịch và Lữ hành đang thuộc top 10 những ngành nghề đào tạo hot nhất hiện nay.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Văn Trào – Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội đã chúc mừng 36 tân cử nhân của khóa thứ 4 của chương trình bởi sự quyết tâm và nỗ lực học tập để vừa giỏi ngoại ngữ và giỏi nghiệp vụ chuyên ngành quản trị du lịch và lữ hành.

Do những khó khăn chung từ đại dịch covid, năm nay Tiến sĩ Karl Ennsfellner – Hiệu trưởng Trường ĐH IMC Krems (Áo) đã gửi lời chúc mừng các bạn tân sinh viên và gửi những lời nhắn nhủ chân tình các bạn sinh viên tốt nghiệp thông qua online.  

Chương trình Cử nhân Chính quy Quốc tế, chuyên ngành Quản trị Du lịch, Khách sạn và Lữ hành, hợp tác đào tạo giữa Trường Đại học Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Ứng dụng IMC KREMS (Cộng hòa Áo) đã bắt đầu khai giảng khóa đầu tiên năm 2014.

Đây là chương trình liên kết đào tạo với Trường ĐH Khoa học Ứng dụng IMC Krems (Áo), một trường đại học danh tiếng số một ở Áo và số hai ở Châu Âu về đào tạo chuyên ngành quản trị du lịch, khách sạn và lữ hành.

Toàn bộ chương trình được giảng dạy bằng tiếng Anh, chất lượng đào tạo do Đại học Khoa học Ứng dụng IMC trực tiếp quản lý và giám sát theo tiêu chuẩn quốc tế. Chương trình có sự kết hợp giảng dạy và hướng dẫn của giảng viên ĐH IMC (Áo) và giảng viên của ĐH IMC tại Việt Nam.

Hiện nay ngành du lịch đang đứng trước những thách thức về lực lượng lao động, để cạnh tranh trên thị trường du lịch quốc tế và cung cấp các dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế cho khách du lịch. Vì theo nguồn khảo sát của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã và đang trở thành một điểm đến du lịch tương đối mới ở khu vực Đông Á.

Chiến lược của Chính phủ cho phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 ước tính ngành du lịch sẽ cần 3 triệu người vào năm 2020. Theo số liệu của Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới, ngành du lịch hiện đóng góp 4,3 triệu vào GDP của Việt Nam và 3,7% số việc làm.

Để đáp ứng thách thức về nguồn nhân lực của thị trường nói trên, các thầy cô phụ trách chương trình của Trường Đại học Hà Nội cho biết, ngành Quản trị Du lịch và Lữ hành, Chương trình  được thiết kế nhằm đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch của Việt Nam; Cụ thể là đào tạo các nhà quản lý, các giám đốc điều hành các công ty du lịch và lữ hành, được trang bị đủ kiến thức, kỹ năng và nghiệp vụ du lịch, có năng lực làm việc tại các công ty du lịch lữ hành uy tín của tư nhân và nhà nước trong và ngoài nước.

Các môn học của chương trình sẽ bao quát tất cả các kiến thức và kỹ năng quan trọng có tính thực tiễn chuyên ngành quản trị du lịch và giải trí, từ môn học phát triển các chiến lược marketing đến nguồn nhân lực, quan hệ khách hàng, đạo đức nghề nghiệp và đánh giá chất lượng. Chương trình cũng giảng dạy các học phần chuyên sâu còn rất mới mẻ ở Việt Nam như Du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe, du lịch sự kiện, du lịch thể thao...

Điều kiện xét tuyển: tốt nghiệp THPT, và yêu thích ngành quản trị du lịch và lữ hành. Đặc biệt, với những ứng viên đã đạt đủ năng lực tiếng Anh IELTS Quốc tế 5.5 và vượt qua được vòng phỏng vấn bằng tiếng Anh, trực tiếp của Trường ĐH IMC Krems. Trong thời gian học, sinh viên có cơ hội được thực tập một học kỳ tại các khách sạn, nhà hàng và các Công ty lữ hành ở bất kỳ Quốc gia nào trên thế giới. 

Hồng Hạnh

Nguồn tin: dantri.com.vn


Chính phủ   Hà Nội   Kinh doanh   MC   Ngân hàng   Việt Nam   chiến lược   du lịch   dịch vụ   hợp tác   hợp tác đào tạo  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...