23/11/2020 11:05  
Công nghệ AR (Augmented Reality, tạm dịch: thực tế tăng cường) cho phép lồng ghép các đối tượng ảo vào môi trường thực, giúp người dùng có thể quan sát, tương tác với các nội dung số trong thực tại. AR chủ yếu được các nhãn hàng sử dụng trong chiến dịch quảng cáo. Trò chơi Pokemon Go và cặp kính Google Glass cũng là những ví dụ cho việc đưa AR vào các sản phẩm khác nhau. Có thể nói, đây là một ngành có tiềm năng rất lớn nhưng vẫn chưa được khai thác toàn diện.
Theo Digital Trends, nhà sáng lập hãng Envisics - ông Jamieson Christmas đang muốn tích hợp công nghệ AR vào trong ô tô với mục tiêu thay đổi cách con người quan sát đường phố lúc điều khiển xe. Công nghệ AR sẽ phát hình ảnh trên kính chắn gió, tương tự như màn hình Head-up Display (HUD) từng được ứng dụng trên các máy bay chiến đấu, máy bay thương mại và một số loại ô tô đắt tiền. Với HUD, toàn bộ thông tin vận hành sẽ được hiển thị trên kính lái ngang tầm mắt, giúp tài xế tập trung lái xe mà không cần phải nhìn xuống bảng đồng hồ. Tuy nhiên, ưu điểm của HUD chỉ dừng lại ở việc trình chiếu thông tin.

Trong khi đó, công nghệ AR trong xe hơi có rất nhiều lợi thế vượt trội. Trước đây, những thiết bị tích hợp công nghệ AR như điện thoại, máy tính bảng, hay kính Google Glass chỉ cho phép người dùng quan sát thực tế ảo qua một màn hình nhỏ, do đó trải nghiệm của họ chưa đủ độ sống động.
Còn không gian bên trong xe hơi đủ rộng để tài xế trải nghiệm AR một cách chân thật nhất. Thiết bị sẽ được đặt trong bảng điều khiển ô tô, hình ảnh được chiếu lên kính chắn gió sao cho người dùng có thể nhìn thấy mà không bị khúc xạ cản trở tầm nhìn. Ngoài việc hiển thị các thông tin cơ bản như tốc độ, thời gian, hệ thống còn tích hợp chức năng điều hướng bằng giọng nói, cảnh báo những mối nguy tiềm ẩn trên đường để tài xế có thể xử lý kịp thời.
Trên hết, công nghệ AR trong ô tô khắc phục được một trong những thách thức lớn nhất đối với ngành này, đó là khi người đeo kính thực tế ảo di chuyển đầu khiến hình ảnh bị sai lệch. Ô tô chạy nhanh nhưng không đổi hướng đột ngột, do đó hình ảnh ảo sẽ được phủ lên kính lái một cách trơn tru, mượt mà, tránh tình trạng tài xế bị đau mắt mỗi lần ánh sáng chớp nháy. Nhà sáng lập Christmas cũng hứa hẹn các thiết bị của công ty ông đều hoạt động với độ phân giải gấp 3-4 lần mắt người, cường độ sáng cao, cho phép người xem quan sát hình ảnh trong những điều kiện khắc nghiệt nhất.
Mục tiêu lớn nhất của việc ứng dụng công nghệ AR trong ô tô vẫn là đảm bảo an toàn giao thông, như Jamieson Christmas chia sẻ: "Nếu bạn đang lái xe mà cần chuyển kênh radio hoặc điều chỉnh hệ thống sưởi, bạn phải dời tầm nhìn khỏi đường đi và phối hợp tay mắt để tương tác với bảng điều khiển. Bạn càng phân tâm bao nhiêu thì việc lái xe càng rủi ro bấy nhiêu. Khả năng loại bỏ sự phân tâm của người lái xe để cung cấp cho họ mọi thông tin cần thiết, để họ luôn nhận thức tình huống trong tầm nhìn của mình - chính là triển vọng của công nghệ AR".
Đến nay hãng Envisics đã huy động 50 triệu USD. Số tiền này sẽ được dùng để tăng gấp đôi lực lượng lao động của công ty trong vòng 12-18 tháng tới và mở thêm văn phòng tại châu Âu lẫn châu Á. Jamieson Christmas khẳng định: "Tất nhiên, chúng tôi sẽ dùng tiền để tăng tốc các công nghệ thế hệ tiếp theo, mang lại chức năng cao hơn và cải tiến lớn hơn cũng như mở rộng thị trường hoạt động".
Phiên bản thế hệ AR đầu tiên của công nghệ này đã có mặt trên các sản phẩm của Jaguar Land Rovers. Thế hệ thứ hai với cải tiến đáng kể sẽ xuất hiện trên Cadillac Lyriq của GM, dự kiến ra mắt tháng 3.2023.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Mục tiêu   Ô tô  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...