09/10/2020 21:30  
Nhiều công trình, dự án trọng điểm của TP.HCM, đặc biệt là các dự án hạ tầng đã được triển khai đúng tiến độ và mang lại diện mạo mới cho TP.HCM như tuyến đường sắt đô thị số 1; thành phố Thủ Đức; Bến xe miền Đông, công trình nút giao thông An Sương... Đây cũng là dự án chào mừng Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI.

Hàng loạt dự án đã và đang hoàn thành

Trong các tháng 7, 8, 9, 10/2020, TP.HCM có tới 8 công trình được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thi công hoàn thành, đưa vào khai thác phục vụ người dân thành phố. Mới đây, công trình nút giao thông An Sương đưa vào sử dụng đã giúp giảm tải áp lực giao thông ở cửa ngõ phía Tây Bắc Thành phố. 

Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, dự án nâng cấp, mở rộng đường Tô Ký (đoạn từ Đặng Thúc Vịnh đến ngã ba Bầu), huyện Hóc Môn với tổng kinh phí 217 tỷ đồng, được khởi công từ ngày 31/10/2017, đã hoàn thành vào ngày 10/9/2020. Dự án hoàn thành sẽ tăng cường năng lực giao thông, giải quyết tình trạng ngập nước cho khu vực Tô Ký, một phần đường Đặng Thúc Vịnh, ngầm hóa các công trình hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đường phố, góp phần cải thiện môi trường, mỹ quan khu vực và từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch.

Cạnh đó, dự án nâng cấp, cải tạo đường Trần Văn Giàu đoạn từ giáp Tỉnh lộ 10 hiện hữu đến đường Nguyễn Cửu Phú, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh cũng đã được thực hiện với tổng mức đầu tư 79,6 tỷ đồng; dự án xây dựng cầu tạm (kết cấu thép) An Phú Đông với kinh phí 79,6 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 10/2020, khi đưa vào khai thác sẽ cho lưu thông các phương tiện giao thông xe máy và ô tô có tải trọng dưới 5 tấn và phục vụ nhu cầu đi lại thuận tiện, an toàn cho người dân trong khu vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực phường An Phú Đông, quận 12.

Trước đó, dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ trái sông Sài Gòn (khu vực phường Thảo Điền, quận 2) đã hoàn thành; dự án nạo vét, cải tạo khai thông luồng Rạch Lá - Tắc Tây Đen cũng hoàn thành.

Theo ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, việc đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án giao thông nhằm hướng đến chào mừng những ngày lễ lớn trong tháng 9/2020 và Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Cũng vào ngày 10/10/2020 tới đây, Bến xe miền Đông mới sẽ trở thành bến xe khách đường bộ lớn nhất và hiện đại nhất trên cả nước. Bến xe miền Đông mới có tổng diện tích 16ha. Đây sẽ là bến xe đầu tiên tại Việt Nam theo mô hình khu phức hợp, vừa cung cấp dịch vụ vận tải hành khách liên tỉnh, kết nối giao thông với nội thành TP.HCM và vận chuyển hàng hóa, vừa là trung tâm mua sắm, giải trí với nhiều dịch vụ giải trí đa dạng, bao gồm khu vui chơi cho trẻ em, rạp chiếu phim, khu vực ẩm thực...

Tính hiện đại của Bến xe miền Đông mới được tham khảo từ các mô hình bến xe hiện đại của hai nền kinh tế hàng đầu châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng cân chỉnh để phù hợp với điều kiện và các quy định quản lý giao thông đường bộ của Việt Nam. 

Cuối tháng 9/2020, UBND TP.HCM cũng đã trình chủ trương đầu tư tuyến metro số 5, giai đoạn 1 cho Hội đồng Thẩm định Nhà nước. Cùng lúc, đoàn tàu đầu tiên của tuyến metro số 1 cập cảng và chuyển về cảng Long Bình. 

Chia sẻ về vai trò của tuyến metro 5 trong tổng thể mạng lưới đường sắt đô thị, TS. Nguyễn Quốc Hiển - Giám đốc Ban Chuẩn bị đầu tư, Ban Quản lý đường sắt đô thị cho biết: "Tuyến metro số 5 là một phần của tuyến bán vành khuyên kết nối hầu hết với các tuyến còn lại trong quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị của Thành phố. Trong giai đoạn 1, trước mắt, tuyến sẽ kết nối tuyến số 1 và số 2 và chạy dọc hành lang Điện Biên Phủ, Bạch Đằng, Phan Đăng Lưu, Hoàng Văn Thụ và là một trong những hành lang nối khu vực nội đô đi ra sân bay Tân Sơn Nhất.

Vẫn nhiều thách thức 

Trong tương lai không xa, khi ba tuyến đi vào hoạt động, mạng lưới metro sẽ dần hiện hữu và đóng góp nhiều hơn cho việc đi lại của người dân thành phố. 

Theo ông Hiển, khi hệ thống đường sắt đô thị gồm 8 tuyến metro, hai tuyến đường sắt nhẹ và một tuyến xe điện mặt đất hoàn thành, giao thông công cộng sẽ đáp ứng được khoảng 35-40% nhu cầu đi lại. Khi đó, khoảng 30% dân số của khu vực nội đô của Thành phố sẽ tiếp cận đến các nhà ga metro trong vòng 10 phút đi bộ. Metro sẽ thay đổi thói quen đi lại, thay đổi cấu trúc và hình hài đô thị của Thành phố.  

"Tuy nhiên, với quy mô diện tích, dân số của Thành phố và các vùng lân cận thì chiều dài mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch hiện tại, khoảng 220km, vẫn còn khiêm tốn. Trong tương lai không xa, dân số của vùng TP.HCM bao gồm Thành phố và các đô thị xung quanh như Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành, Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một và Bến Lức sẽ tiến đến mốc 20 triệu dân. Do vậy, hiện nay, chúng tôi cũng đang trao đổi với JICA để nghiên cứu kiến nghị bổ sung vào quy hoạch tổng thể các tuyến metro mới cũng như kéo dài các tuyến đã có", ông Hiển cho biết.

Ông cho biết thêm: "Trong những năm vừa qua, Chính phủ và Chính quyền Thành phố đã có nhiều quan tâm, ủng hộ để phát triển đường sắt đô thị. Tuy nhiên, để hệ thống giao thông công cộng trở thành một loại hình vận tải chủ yếu như các thành phố trong khu vực, chúng ta còn phải đi trên một quãng đường rất dài và khó khăn, nhiều thách thức, ít nhất vài ba thập kỷ tới. 

Hiện nay, hành lang pháp lý, các quy trình, quy phạm cho lĩnh vực đường sắt đô thị gần như chưa có. Việc tích hợp và tận dụng ưu thế về đất đai dọc các tuyến metro để tạo thêm nguồn vốn chỉ mới được bắt đầu xới lên, chưa có các quy định cụ thể để có thể triển khai thực hiện. Việc tiếp tục vay vốn ODA để đầu tư các tuyến còn lại sẽ ngày càng khó khăn và tạo ra sự lệ thuộc trên nhiều khía cạnh. Sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam vào lĩnh vực xây dựng và phát triển đường sắt vẫn còn rất hạn chế.

Bên cạnh đó, việc xây dựng các tuyến đường sắt đô thị đòi hỏi một nguồn vốn rất lớn, quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn từ vấn đề giải phóng mặt bằng cho đến kỹ thuật, công nghệ. Do đó, đòi hỏi một quyết tâm rất lớn cũng như tự tìm tòi học hỏi từ những người đang trực tiếp quản lý các dự án.

"Chúng tôi cũng đang dự kiến kiến nghị Thành phố đề xuất cho Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải sớm xây dựng các luật, nghị định, các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến việc quy hoạch, xây dựng và khai thác vận hành đường sắt đô thị. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chủ động nghiên cứu đa dạng hóa các hình thức đầu tư để tạo thêm các dòng vốn khác nhau ngoài vốn vay ODA cũng đề xuất các quy định để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia và dần dần làm chủ công nghệ", ông Hiển nói.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Biên Hòa   Chính phủ   HCM   Nhật Bản   Việt Nam   doanh nghiệp   dịch vụ   hạ tầng kỹ thuật   kiến nghị   quy hoạch   sân bay   thói quen   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...