22/01/2021 10:46  

Gọi xe công nghệ, công nghệ tài chính (fintech) và logistics là ba mảng chính thu hút đầu tư nhiều nhất trong năm 2020, theo tờ DealStreetAsia. Nhưng tờ thông tin này nhận định lĩnh vực công nghệ giáo dục được dự báo sẽ phát triển mạnh trong năm 2021. Các startup ASEAN cũng sẽ lên sàn chứng khoán nhiều hơn trong năm nay, nhưng thời điểm được cân nhắc kỹ lưỡng.

DealStreetAsia nói điều này đi ngược lại xu hướng đầu tư cho startup ở Mỹ và Trung Quốc khi các startup công nghệ lớn ở hai nơi này tận dụng dòng tiền dư thừa có lãi suất thấp. Vốn đầu tư vào startup ở Mỹ đạt 156,2 tỉ đô la trong năm 2020, tăng 13% so với năm trước – theo dữ liệu của PitchBook. Điều này cũng có nghĩa là nền kinh tế số non trẻ ở Đông Nam Á chưa có đủ các công ty có tầm cỡ để thu hút nhà đầu tư quốc tế.

Gojek vượt Grab trong tổng số gọi được

Các đợt phong tỏa và hạn chế đi lại trong khu vực đã khiến các nhà đầu tư khó tiếp xúc trực tiếp và tiến hành thẩm định, đặc biệt đối với các dự án đầu tư xuyên biên giới. Ngay cả Singapore, trung tâm tài chính khu vực, kiểm soát chặt chẽ biên giới “nội bất xuất, ngoại bất nhập” khiến cơ hội gặp gỡ giữa startup và nhà đầu tư hầu như trở về số không.

Ảnh hưởng của dịch bệnh tăng dần ở các quí cuối năm 2020: Trong quí đầu tiên năm 2020, startup trong khu vực gọi được 2,9 tỉ đô la. Nhưng con số này giảm dần, chỉ còn 2,2 tỉ trong quí 2, và rồi 1,8 tỉ trong quí 3 và giảm xuống còn 1,6 tỉ trong quí cuối.

Trong năm 2020, startup nhận nhiều vốn nhất ở ASEAN là hãng gọi xe công nghệ Gojek của Indonesia với 1,65 tỉ đô la từ Facebook, PayPal, hãng viễn thông Telkomsel và các nhà đầu tư khác. Đối thủ Grab đứng thứ hai với 1,05 tỉ đô. Chiếm phần lớn là khoảng đầu tư 700 triệu đô la từ tập đoàn ngân hàng tài chính Mitsubushi UFJ của Nhật Bản khi các bên muốn thúc đẩy các dịch vụ tài chính số.

Trong nhiều năm qua, Grab và Gojek đều nhận nhiều vốn nhất. Nhưng dịch bệnh đã thay đổi lối sống và hành vi tiêu dùng của người dân Đông Nam Á. Dịch vụ gọi xe cốt lõi của hai startup đã suy giảm, tạo điều kiện cho các startup ở các lĩnh vực thu hút sự chú ý của giới đầu tư.

Một trong những lĩnh vực đó là công nghệ tài chính (fintech), như thanh toán điện tử, cho vay trực tuyến và tiền số. Nhà điều hành dịch vụ thanh toán điện tử LinkAja của Indonesia đã gọi được 100 triệu đô la từ một nhóm các nhà tư, trong đó có cả Grab vào tháng 11 năm ngoái. Các startup fintech huy động được tổng cộng 1,25 tỉ đô la với 125 thương vụ gọi vốn.

Trong khi đó, sự chuyển đổi sang làm việc tại nhà đã khiến mảng giao nhận và logistics tăng trưởng mạnh. Flash Express của Thái Lan gọi được 200 triệu đô la vào tháng 10 vừa rồi. Mảng logistics phát triển song song với sự bùng nổ của các sàn thương mại điện tử, như Tokopedia của Indonesia gọi được 350 triệu đô la vốn đầu tư mới.

Edtech vụt sáng, IPO chờ thời cơ lớn hơn

Nhìn về tương lai, khi kinh tế toàn cầu hồi phục và các nhà đầu tư hy vọng sẽ đạt lợi nhuận cao hơn, các nhà phân tích nói rằng các lĩnh vực khác sẽ tăng trưởng nhanh trong năm 2021. Lĩnh vực tăng trưởng chính sẽ là dịch vụ giáo dục trực tuyến (edtech) vốn bùng nổ trong dịch ở Trung Quốc và Ấn Độ, và một số startup Asean đang thành công trong gọi vốn với dòng tiền ngày càng tăng.

Dữ liệu của DealStreetAsia cho thấy đầu tư cho edtech trong khu vực trong năm qua chỉ đạt 54 triệu đô la. “Nhưng đang có sự gia tăng đầu tư ở các startup ở giai đoạn đầu và cả giai đoạn cuối do sự dịch chuyển sang lĩnh vực giáo dục trực tuyến. Dịch bệnh đã buộc các trường chuyển sang học từ xa và môi trường học tích hợp giữa trực tiếp và trực tuyến.

Ngày càng nhiều phụ huynh và giáo viên mong muốn các lớp học trực tuyến thu hút nhiều học sinh hơn”, Peng T. Ong, nhà sáng lập và đối tác điều hành của Monk’s Hill Ventures, nói với Nikkei Asia. Peng nói rằng quỹ đầu tư “lạc quan một cách thận trọng” về triển vọng 2021. Ông chỉ ra rằng nhiều cơ hội chưa khai phá trong khu vực tạo ra môi trường mới, khá lớn cho nhà đầu tư “để họ sử dụng các mô hình công nghệ tạo thêm giá trị”.

Một nét nổi bật khác trong năm 2021 là sẽ có nhiều startup ở Đông Nam Á lên sàn lần đầu (IPO) và gọi được nhiều vốn hơn khi thị trường IPO ở ASEAN được dự báo sẽ bùng nổ trong năm nay. Một trong những startup lớn nhất trong khu vực là Tokopedia đã nói rõ ý định IPO trong tương lai gần.

“Giới doanh nghiệp và các nhà phân tích đề cập khá nhiều về các thương vụ sáp nhập đặc biệt SPAC”, Michael Lints từ quỹ Golden Gate Ventures ở Singapore phát biểu. Ông đề cập tình trạng bùng nổ các vụ niêm yết bằng thành lập công ty có mục đích thâu tóm (tạm dịch từ special purpose acquisition company, viết tắt SPAC).

“Các startup đang chờ đợi các cơ hội IPO trong năm 2021 hoặc 2022. Thị trường đang nóng lòng chờ có nhiều hơn các vụ IPO của các hãng công nghệ. Với các quy định mới về niêm yết trực tiếp ở thị trường chứng khoán New York, các thương vụ SPAC và các nhà đầu tư đang tìm kiếm lợi nhuận, chúng ta sẽ sớm nghe các startup thông báo quyết định lên sàn”, Peng nói.

Tuy nhiên, Peng vẫn cho rằng các startup mạnh hơn sẽ không vội vã lên sàn. “Bởi họ có dòng vốn riêng dồi dào, những công ty này sẽ đặt mục tiêu phát triển mạnh hơn nữa trước khi quyết định IPO”, Peng kết luận.

Hãng Reuters hôm 18-1 đưa tin Grab đang chuẩn bị lên sàn ở Mỹ với kế hoạch gọi 2 tỉ đô la. Dù đây là kế hoạch IPO lớn nhất của startup Đông Nam Á ở nước ngoài, nhưng kỳ lân trị giá 16 tỉ đô la này chắc chắn sẽ không sớm thực hiện trong năm nay bởi họ đang chờ một cơ hội lớn hơn. Ngay cả công ty tài chính Grab Financial trực thuộc Grab vừa gọi được 300 triệu đô la từ quỹ quản lý tài sản Hanwha của Hàn Quốc. Doanh số của Grab Financial đã tăng 40% trong năm rồi. Và với các kết quả này, Grab Financial trị giá đến 3 tỉ đô la. “Chắc chắn, họ sẽ không vội và sẽ chờ một cơ hội gọi vốn khủng”, một nhà phân tích nói.

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Nhật Bản   Reuters   Trung Quốc   doanh nghiệp   dịch vụ   logistics  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...