15/10/2020 22:20  
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý điều này khi chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, chiều 15/10.

Tại phiên họp, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia nhận định, dịch bệnh trong nước đang được kiểm soát tốt nhưng trên thế giới làn sóng dịch tăng rất mạnh trở lại. Trong 24 giờ vừa qua đã ghi nhận thêm gần 400.000 ca nhiễm. Vì vậy, Việt Nam không thể chủ quan, không được để bài học ở Đà Nẵng thành vô nghĩa.

“Thời điểm này giống như giai đoạn bình yên giữa hai “trận đánh”, chúng ta phải củng cố lại lực lượng, tất cả biện pháp phòng, chống dịch trước hết ở các cơ sở y tế, trường học, cơ sở lưu trú và rộng ra toàn xã hội.Chúng ta phải thực hiện thật nghiêm các quy định để quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, cách ly nghiêm ngặt. Khi hết thời hạn cách ly tập trung, người nhập cảnh phải được theo dõi y tế ít nhất 14 ngày sau đó. Không được phép để nguồn bệnh lây lan ra cộng đồng, bùng phát do việc theo dõi y tế lỏng lẻo” – Phó Thủ tướng quán triệt

Tại cuộc họp, các chuyên gia, thành viên Ban Chỉ đạo đánh giá, không còn là nguy cơ mà thế giới thực sự đang đứng trước một đợt bùng phát dịch dài.

Ở trong nước, mặc dù tình hình dịch đang được kiểm soát tốt nhưng vấn đề đặt ra là làm sao siết lại tinh thần chống dịch, đặc biệt không được mất cảnh giác khi mùa đông sắp đến, nhất là ở miền Bắc, là điều kiện rất thuận lợi cho virus SARS-CoV-2 phát triển, lây lan.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn cho biết, dịch bệnh ở ngoài nước đang diễn biến hết sức phức tạp, nhiều nước đã bắt buộc công dân ra ngoài phải đeo khẩu trang. Trước tình hình này, Việt Nam không thể lơ là, mất cảnh giác và phải quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch như trong thời gian qua. Đặc biệt chú trọng thông điệp 5K là “Khẩu trang-Khử Khuẩn-Khoảng cách-Không tụ tập đông người-Khai báo y tế”, trong đó đeo khẩu trang là biện pháp quan trọng hàng đầu.

Thời gian qua nhiều địa phương đã yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài, đặc biệt là quy định của TPHCM khi bắt buộc người dân đeo khẩu trang, có biện pháp xử phạt các trường hợp vi phạm. Những đô thị lớn, mật độ dân cư đông, người qua lại nhiều như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang… cũng cần áp dụng biện pháp buộc người dân phải đeo khẩu trang, và xử phạt nếu vi phạm như TPHCM.

Cục trưởng Đặng Quang Tấn cho biết, Bộ Y tế sẽ xây dựng những hướng dẫn rất cụ thể như khi nào, ở đâu, trường hợp nào buộc phải đeo khẩu trang để người dân thực hiện đúng nơi, đúng lúc, hiệu quả nhất trong phòng chóng dịch bệnh.

Về các biện pháp quản lý người nhập cảnh, Bộ Y tế cho biết đã hoàn thành hệ thống quản lý thông tin tập trung, thống nhất tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam. Trong thời gian sớm nhất, Bộ Y tế sẽ cấp quyền truy cập để các cấp chính quyền tỉnh/thành phố, quận/huyện, phường/xã, lực lượng y tế, công an nắm được cụ thể trên địa bàn quản lý có bao nhiêu người nhập cảnh đã hết thời gian cách ly tập trung và đang trong thời gian giám sát, theo dõi y tế tại nhà, cơ sở lưu trú, doanh nghiệp… Chính quyền cơ sở, lực lượng công an, y tế có trách nhiệm quản lý, thăm hỏi, cập nhật thông tin sức khoẻ hàng ngày của những người này.

Thời gian tới, bản đồ chống dịch tại địa chỉ antoancovid.vn cũng sẽ được cập nhật theo thông tin từ mỗi cơ sở tập trung đông người như bệnh viện, trường học, khách sạn, nhà máy, trụ sở cơ quan nhà nước, siêu thị… Theo đó, mức độ an toàn của mỗi cơ sở sẽ được chấm điểm. Những cơ sở chưa đảm bảo an toàn sẽ bị yêu cầu tạm dừng hoạt động.

Thường trực Ban Chỉ đạo cũng đã nghe báo cáo của Bộ Ngoại giao, Bộ GTVT, Bộ Y tế, Cục Xuất nhập cảnh (Bộ Công an), về công tác chuẩn bị đón các đoàn khách ngoại giao, công vụ; chuyên gia, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao… nhập cảnh vào Việt Nam. Ban chỉ đạo thống nhất, trong khi chờ hướng giải quyết các quy trình, thủ tục để mở dần các chuyến bay thương mại, các bộ Ngoại giao, Y tế, Quốc phòng, GTVT, Công an đã thống nhất chủ trương, phương án để đón thật nhanh các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao là người nước ngoài đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh trong nước.

Mặc dù mục đích chính của việc mở các chuyến bay thương mại để đón các đối tượng này nhưng thực tế các chuyến bay được tổ chức vừa qua vẫn có tới 90% hành khách là người Việt Nam.

Nguyên tắc được xác định là việc mở lại đường bay thương mại theo chỉ đạo của Thủ tướng phải chọn nơi an toàn, làmthận trọng, từng bước, cần đặc biệt lưu ý những hành khách có thể đến những vùng có nguy cơ dịch cao.

Thái Anh

Nguồn tin: dantri.com.vn


Covid   Covid-19   Công an   HCM   Hà Nội   Khẩu trang   TPHCM   Việt Nam   chuyên gia   doanh nghiệp   hành vi   sản xuất   Đà Nẵng   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...