17/10/2020 14:20  
2020 là năm không ít “sóng gió” với ngành y tế khi phải gồng mình đối phó với đại dịch Covid-19 và nhiều hệ luỵ kéo theo…

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII thuộc lĩnh vực phụ trách, UB Các vấn đề xã hội đề cập trước hết về ngành y.

Bệnh viện tự chủ không lo được tiền trả lương bác sĩ

Vấn đề giảm tại bệnh viện, nâng cao y đức, chất lượng khám chữa bệnh, UB ban đánh giá cao sự chỉ đạo tích cực của Chính phủ, những nỗ lực của Bộ Y tế trong việc triển khai thực hiện nhiều giải pháp  nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế thuận tiện, an toàn, chất lượng.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng lưu ý, chất lượng khám chữa bệnh chưa thật sự đồng đều, chưa tạo được lòng tin của người dân với tuyến dưới. Tỷ lệ chi tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc sức khỏe còn ở mức cao song Chính phủ chưa quan tâm làm rõ, phân tích nguyên nhân để có giải pháp nhằm giảm tỷ lệ này.

Tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, nhất là các bệnh viện chuyên khoa tuyến trung ương, tuyến cuối vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Một vấn đề thời sự được đề cập là dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực tới hoạt động khám chữa bệnh, số lượng người đi khám chữa bệnh tại nhiều cơ sở y tế giảm mạnh do tâm lý e ngại lây nhiễm chéo dịch bệnh. Theo UB Các vấn đề xã hội, điều này dễ dẫn tới tỷ lệ bệnh tật gia tăng, đồng thời, cũng gây khó khăn cho các cơ sở y tế đang thực hiện tự chủ, Chính phủ cần có đánh giá, dự báo đối với việc này.

Cơ quan thẩm tra nêu dẫn chứng, số lượng người khám chữa bệnh giảm mạnh trong những tháng đầu năm 2020 khiến các bệnh viện hoạt động theo cơ chế tự chủ mất cân đối thu chi. Điển hình, bệnh viện Giao thông vận tải Hải Phòng không có tiền chi trả lương cho cán bộ y tế dẫn đến hiện tượng các bác sỹ nghỉ việc.

Vấn đề đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính y tế, mở rộng xã hội hóa, khuyến khích đầu tư cho y tế, sử dụng nguồn tài chính y tế, UB Các vấn đề xã hội ghi nhận những kết quả như 100% đơn vị y tế công lập đã được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính. Từ năm 2019, 4 bệnh viện tuyến Trung ương (Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K) được giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện.

Nhiều giải pháp huy động nguồn lực tài chính cho y tế đã được thực hiện, như vay vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, triển khai các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công tư, liên doanh, liên kết tài sản, huy động nguồn vốn ngoài nước cho y tế. Nhờ những hình thức huy động nguồn lực linh hoạt, nhiều bệnh viện đã được đầu tư, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế được đổi mới, nâng cấp, góp phần nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khoẻ người dân.

Dù vậy, cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra mặt trái. Việc thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã bộc lộ hạn chế, bất cập. Thực trạng bệnh viện tuyến dưới thu không đủ bù chi gây ảnh hưởng lớn đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm, sử dụng thuốc và dịch vụ không cần thiết vẫn xảy ra; giá dịch vụ y tế chưa kết cấu đủ chi phí gây khó khăn…

Cơ chế hợp tác công - tư chưa toàn diện, đầy đủ; hình thức liên doanh, liên kết tài sản chưa đa dạng, chủ yếu là trang thiết bị y tế. Theo cơ quan thẩm tra, ngành y tế cần tiếp tục thực hiện nghiêm việc công khai minh bạch, công bằng trong hoạt động này. 

Sai phạm trong đấu thầu thuốc, mua sắm thiết bị y tế

UB Các vấn đề xã hội đề cập kết quả thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các quy định về hành nghề khám, chữa bệnh, hành nghề dược, quản lý chất lượng thuốc và giá thuốc của ngành y tế.

Điểm được, theo cơ quan thẩm tra là hoạt động thanh kiểm tra đã giúp kịp thời phát hiện và xử lý nhiều hành vi vi phạm quy định về hành nghề khám chữa bệnh và dược. Từ đó, nhiều giải pháp được triển khai, nhờ vậy, tỷ lệ thuốc giả, thuốc kém chất lượng ngày càng giảm. Tỷ lệ thuốc kém chất lượng của Việt Nam chiếm khoảng 2% và có xu hướng giảm (năm 2013 là 2,54%, năm 2018 giảm xuống còn 1,40%, năm 2019 số lượng mẫu thuốc kém chất lượng ghi nhận được tiếp tục thấp hơn so với năm trước). Tỷ lệ này được đánh giá là thấp so với mức chung của thế giới (khoảng 10%) và ASEAN (khoảng 7%).

Tuy nhiên, công tác đấu thầu thuốc, mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế vẫn còn một số hạn chế, vẫn xảy ra tình trạng vi phạm quy định về mua sắm trang thiết bị y tế phải xử lý hình sự, vi phạm quy định về hành nghề khám chữa bệnh, hành nghề dược và quản lý chất lượng thuốc.

Cơ quan thẩm tra nêu dẫn chứng, thời gian qua, vẫn xảy ra các sai phạm như: sử dụng bác sỹ người nước ngoài hành nghề khi chưa có chứng chỉ hành nghề; thuê, mượn chứng chỉ hành nghề; phòng khám tư nhân hoạt động không có giấy phép; hành nghề quá phạm vi chuyên môn cho phép; người bán thuốc không có bằng cấp chuyên môn; bán thuốc phải kê đơn nhưng không có đơn của bác sỹ…

Điểm được cho là đáng tiếc, trong các báo cáo dù có nhắc đến đại dịch Covid-19 nhưng vẫn mờ nhạt, không đề cập những sự việc gây rúng động mà dư luận, nhân dân bức xúc, quan tâm, như chuyện đội giá máy xét nghiệm Covid-19, vấn đề khống giá thiết bị y tế liên doanh, liên kết ở bệnh viện Bạch Mai, “hút máu” người bệnh…

Phương Thảo 

Nguồn tin: dantri.com.vn


Bệnh viện   Chính phủ   Covid   Covid-19   Việt Nam   dịch vụ   dịch vụ y tế   hành vi   hợp tác  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...