12/10/2020 23:30  
Đặc biệt, ngày 9 và 10/10 vừa qua là 2 ngày ghi nhận số ca mắc mới kỷ lục kể từ khi dịch bệnh bùng phát, với lần lượt 358.778 và 359.270 trường hợp.

Cập nhật đến sáng 12/10/2020, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới là 37.740.650, với 1.081.419 trường hợp tử vong, theo dữ liệu từ . Đặc biệt, ngày 9 và 10/10 vừa qua là 2 ngày ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục kể từ khi dịch bệnh bùng phát, với lần lượt 358.778 và 359.270 trường hợp.

Như vậy, so với cách đây 1 tháng, số ca nhiễm Covid-19 đã tăng gần gấp rưỡi, khi tổng ca mắc bệnh trên toàn thế giới vào sáng 12/9/2020 ở mức 28.778.965. Còn nếu so với cách đây 2 và 3 tháng, số ca nhiễm đã tăng lần lượt 1,8 lần và xấp xỉ 3 lần.

Nếu tiếp tục tăng với tốc độ như hiện tại, thế giới sẽ ghi nhận 40 triệu ca mắc Covid-19 sau hơn 1 tuần nữa. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là, trên toàn cầu, tốc độ gia tăng của số ca nhiễm bệnh đã bắt đầu chậm lại.

Dù vậy, theo Giám đốc điều hành Chương trình Y tế Khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Michael Ryan, số người mắc bệnh thực tế có thể đã chiếm 10% dân số toàn cầu, tức cứ 10 người trên thế giới thì sẽ có 1 người nhiễm SARS-CoV-2.

Thông tin trên được vị giám đốc đưa ra trong một phiên họp đặc biệt ngày 5/10/2020 của ban điều hành gồm 34 thành viên thuộc WHO. Theo ông Ryan, dịch bệnh vẫn đang tiếp tục lây lan tại nhiều khu vực trên thế giới, và "chúng ta đang tiến vào một giai đoạn khó khăn". 

Hiện, Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 ổ dịch lớn nhất thế giới, với số ca mắc bệnh lần lượt là 7.950.063, 7.051.543 và 5.091.840. Đáng chú ý, số ca nhiễm tại Ấn Độ đã tiến sát với Mỹ, trong khi cách đây 1 tháng, mức chênh lệch giữa 2 nơi là khoảng 2 triệu người mắc bệnh.

Tại Mỹ, giới chức y tế cảnh báo, đại dịch hoàn toàn có thể tồi tệ hơn khi mùa đông tới và tồn tại song song với cúm mùa. Theo các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), các ca nhiễm ở độ tuổi thanh niên có thể là nguyên nhân gây ra các điểm nóng Covid-19 mới.

Trong khi đó, tại Ấn Độ, các chuyên gia y tế dự đoán nước này có thể sẽ vượt Mỹ về mức độ nghiêm trọng của đại dịch. Ban đầu, Covid-19 hoành hành các thành phố lớn của Ấn Độ như Mumbai và New Delhi, song sau đó đã lan đến nông thôn - nơi hệ thống chăm sóc sức khỏe còn yếu kém.

Còn tại Brazil, dựa trên các mô hình đánh giá, giới chuyên gia cho rằng, nước này đã qua đỉnh dịch, nhưng vẫn cảnh báo tình hình có thể đột ngột xấu đi nếu chính quyền địa phương quyết định mở cửa lại nền kinh tế quá sớm và nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.

Theo ông Ryan, "dịch bệnh sẽ tiếp tục tiến hoá", song thế giới đã có công cụ cần thiết để ngăn chặn sự lây lan và chữa trị cho những người mắc bệnh. 

"Tương lai phụ thuộc vào các quyết định chung mà chúng ta phải cùng nhau đưa ra về việc sử dụng, phát triển, nhân rộng và phân phối các công cụ này như thế nào", Giám đốc điều hành Chương trình Y tế Khẩn cấp của WHO nhận xét.

Bình luận về số ca mắc bệnh đang tăng trở lại tại châu Âu, ông Ryan hôm 9/10 nói "thật đáng buồn", và kêu gọi chính phủ các nước tại đây nhanh chóng có hành động dứt khoát để ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2.

"Không có câu trả lời mới. Chúng ta biết mình cần phải làm gì", ông Ryan nói, đồng thời nhấn mạnh châu Âu phải rất cẩn thận với các cuộc tụ tập đông người.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Tương lai   chuyên gia   hành vi  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...