17/11/2020 20:30  
Doanh nghiệp tạo tác động tích cực đến cộng đồng, từ đó mang về lợi ích kinh doanh cho công ty - một mô hình mới được kỳ vọng tạo phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Khi dịch Covid-19 xảy ra, việc đi lại bị hạn chế, Qantas Airlines - một trong ba hãng hàng không lâu đời nhất thế giới - đối mặt với nguy cơ phải sa thải 20.000 nhân viên. Cùng lúc này, Woolworth - chuỗi siêu thị lớn nhất tại Úc - lại đang quá tải vì người dân đến mua sắm hàng thiết yếu nhằm tích trữ trong giai đoạn dịch bệnh.

Qantas Airlines khi đó nảy ra một ý tưởng, thoả thuận với chuỗi siêu thị đồng hương để đưa nhân viên hãng bay vào làm tại Woolworth. Kết quả hợp tác thành công, Qantas Airlines không phải đuổi việc nhân viên, hàng chục ngàn người giữ được việc làm. Phía Woolworth lại tuyển được một đội ngũ nhân sự thời vụ đông đảo trong một thời gian rất ngắn.

Covid-19 ảnh hưởng lớn đến mọi hãng bay trên toàn cầu, có hãng đệ đơn phá sản, có doanh nghiệp cầu cứu chính phủ. Cách làm của Qantas Airlines vừa giải quyết được khó khăn trước mắt, vừa giúp đỡ được người lao động lẫn doanh nghiệp trong nước, vừa giữ được danh tiếng.

Cách làm của hãng hàng không Úc hiếm có tiền lệ, chủ yếu nhằm tìm ra mô hình kinh doanh khác biệt phù hợp với giai đoạn mới, trong đó, sự tồn tại của doanh nghiệp và môi trường xung quanh không thể tách rời. Khi doanh nghiệp tìm cách tạo ra giá trị kinh doanh xuất phát từ việc tạo ra giá trị cho xã hội, họ có cơ hội trụ vững hơn trong bối cảnh kinh doanh bất ổn, và sẽ có động lực tìm kiếm sự đổi mới, sáng tạo nhằm mở rộng quy mô và tiếp tục tạo ra các tác động tích cực tiếp theo lên cộng đồng.

Triết lý kinh doanh này xuất phát từ Trường Kinh doanh Harvard cách đây hơn chục năm, sau đó được phát triển tiếp tục bởi các nhà kinh tế của trường đại học danh tiếng này. Mô hình kinh doanh tạo giá trị chia sẻ - CSV (Creating Shared Value) - chưa được biết đến nhiều tại Việt Nam nhưng đã áp dụng trên toàn cầu từ hàng thập kỷ nay, và đã chứng minh được “chân lý" của nó khi thị trường và nền kinh tế biến động, chẳng hạn như trong đại dịch Covid-19. “Giá trị" được tạo ra có thể là các giá trị xã hội, như sức khoẻ, giáo dục, khả năng tiếp cận, tham gia cộng đồng, việc làm, cũng có thể là các giá trị kinh tế, như tăng lợi nhuận tài chính, giá trị thương hiệu, thị phần, nguồn cung ổn định, thêm khách hàng, nhân viên, nhà đầu tư trung thành,…

Một ví dụ khác, trong giai đoạn thế giới cần rất nhiều máy thở để điều trị bệnh nhân nhiễm nCoV, hãng Medtronic đã cung cấp miễn phí bản thiết kế máy trợ thở phổ biến nhất của họ cho tất cả các nhà sản xuất có nhu cầu. Từ sau hành động này, Medtronic nhận được rất nhiều hợp đồng B2B mới từ các khách hàng trên toàn thế giới, tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh.

Theo mô hình CSV, Medtronic đã hy sinh lợi ích từ việc sở hữu trí tuệ bản vẽ máy thở, để giúp xã hội giải quyết vấn đề cấp thiết trước mắt, từ đó nhận về những hợp đồng kinh doanh khác.

Mặc dù được nhắc đến nhiều trong giai đoạn Covid-19 nhưng trên thực tế CSV đã được áp dụng rộng rãi trước đó. Nhìn vào khu vực Đông Nam Á, Gojek cũng là một ví dụ tiêu biểu áp dụng CSV trong chiến lược kinh doanh xuyên suốt của họ. Năm 2010, Nadiem Makarim, nhà sáng lập Gojek, mở một tổng đài kết nối khách hàng với các ojek (có nghĩa là “xe ôm” trong tiếng Indonesia).

Thành công bước đầu của tổng đài này đã mở lối cho Gojek phát triển ứng dụng để đáp ứng được nhu cầu gia tăng đột biến của người dùng. Công ty tăng trưởng hàng ngàn phần trăm mỗi năm sau đó. Sau dịch vụ gọi xe, công ty nghiên cứu mở rộng dịch vụ đặt đồ ăn, giao hàng, giúp tài xế tăng gấp đôi thu nhập so với mức trung bình của người Indonesia.

Sau khi khởi tạo giá trị cho cộng đồng và có doanh thu, kỳ lân tỷ đô của Indonesia tiếp tục mở rộng ngành nghề kinh doanh nhằm tạo tác động tích cực hơn lên xã hội. Gojek hiện có hơn 20 dịch vụ, trong đó có các công việc cho lao động nữ như làm móng, giúp việc nhà,...

Với 900.000 nhà hàng, trong đó hơn nửa là hàng quán nhỏ, cộng với 2 triệu tài xế trên toàn khu vực Đông Nam Á, Gojek hai lần lọt vào danh sách top 20 công ty của Fortune về khả năng tạo ra những thay đổi trên thế giới.

Tuy vậy, việc thay đổi thế giới, thay đổi xã hội không chỉ đến từ các công ty toàn cầu. Ông Phùng Tuấn Đức, CEO Gojek Việt Nam, trong một lần chia sẻ về mô hình CSV cho rằng ngay cả doanh nghiệp rất nhỏ ở Việt Nam cũng có thể áp dụng mô hình này để tác động tích cực lên cộng đồng.

Chẳng hạn, một nhóm bạn trẻ đã tạo ra một ứng dụng trên smartphone với khoảng 500 mẩu chuyện tiếng Việt, 300 truyện tiếng Anh, nhằm giúp trẻ em có được thông tin hữu ích hơn khi sử dụng smartphone hay máy tính bảng. Theo công bố, ứng dụng này đã tiếp cận được hơn 60.000 người dùng nhỏ tuổi.

“Giải quyết các vấn đề cộng đồng trước, kết quả kinh doanh đến sau. Vòng lặp này tiếp diễn sẽ tạo mô hình kinh doanh bền vững mà doanh nghiệp ở quy mô nào cũng áp dụng được”, ông Đức chia sẻ.

PV

Nguồn tin: ictnews.vietnamnet.vn


Airlines   CEO   Covid   Covid-19   Kinh doanh   Thành công   Việt Nam   chiến lược   doanh nghiệp   dịch vụ   hợp tác   sáng tạo   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...