11/01/2021 16:10  
Nhật Bản, những cửa hàng có tuổi đời trăm năm, thậm chí cả nghìn năm như của gia đình Naomi Hasegawa, tồn tại bằng cách đặt truyền thống lên trên lợi nhuận.

Gia đình của Naomi Hasegawa bán bánh mochi nướng trong một cửa hàng nhỏ tại Kyoto. Tổ tiên của bà bắt đầu cửa hàng này bằng việc bán đồ uống cho những du khách đến từ khắp trên đất nước Nhật Bản để cầu nguyện vào thời điểm đại dịch bùng phát năm 1000.

Bây giờ, sau hơn một thiên niên kỷ, đại dịch Covid-19 xuất hiện và khiến cho lượng khách du lịch ổn định hàng năm sụt giảm chóng mặt. Nhưng bà Hasegawa không để ý nhiều đến phần tài chính bị sụt giảm mà quan tâm nhiều hơn tới các giá trị truyền thống của cửa hàng mình.

Cửa hàng nhỏ có tên Ichiwa của bà luôn đặt truyền thống, sự ổn định lên trên lợi nhuận và tăng trưởng. Ichiwa đã vượt qua chiến tranh, bệnh dịch, thiên tai và sự trỗi dậy của các đế chế. Qua tất cả, bánh bột gạo của cửa hàng này vẫn được giữ nguyên.

"Nếu nhìn vào sách giáo khoa kinh tế, các doanh nghiệp được cho là phải tối đa hóa lợi nhuận, tăng quy mô, thị phần và tốc độ tăng trưởng. Nhưng nguyên tắc hoạt động của các công ty này hoàn toàn khác nhau", Kenji Matsuoka, giáo sư danh dự về kinh doanh tại Đại học Ryukoku ở Kyoto, cho biết.

"Ưu tiên số một của các cửa hàng, doanh nghiệp ở Nhật là phải tiếp tục tồn tại", ông nói thêm. "Mỗi thế hệ giống như một người chạy trong cuộc chạy đua tiếp sức. Điều quan trọng là vượt qua và chuyền được gậy cho thế hệ tiếp theo".

Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Centennial có trụ sở tại Tokyo, đất nước này là nơi sinh sống của hơn 33.000 cửa hàng/doanh nghiệp có từ 100 năm lịch sử. Trong đó, 3.100 doanh nghiệp đã hoạt động trong ít nhất hai thế kỷ, khoảng 140 doanh nghiệp tồn tại trong hơn 500 năm và không dưới 19 doanh nghiệp tuyên bố đã liên tục hoạt động kể từ thiên niên kỷ đầu tiên.

Hầu hết các công ty có tuổi đời lâu như vậy đều là các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh do gia đình tự quản và có truyền thống qua nhiều thế hệ.

Tất nhiên, cũng có ngoại lệ, ví dụ như Nintendo, công ty bắt đầu sản xuất thẻ chơi cách đây hơn 130 năm và thương hiệu nước tương Kikkoman, ra đời từ năm 1917.

Để tồn tại trong một thiên niên kỷ, bà Hasegawa cho rằng một doanh nghiệp không thể chỉ chạy theo lợi nhuận. Nó phải có một mục đích cao hơn, mang giá trị đặc biệt hơn.

Những loại giá trị cốt lõi đó, được gọi là "kakun". Điều đó đã định hướng cho nhiều quyết định kinh doanh của các công ty qua các thế hệ. Họ chăm sóc nhân viên của mình, hỗ trợ cộng đồng và cố gắng tạo ra một sản phẩm truyền cảm hứng mang tính bản sắc

Các công ty lâu đời tại Nhật Bản có xu hướng tích lũy dự trữ tiền mặt lớn để đảm bảo mình có thể tiếp tục tồn tại trong trường hợp kinh tế suy thoái hay khủng hoảng.

Khi họ cần hỗ trợ, nguồn tài chính rất rẻ và sẵn có. Lãi suất ở Nhật Bản đã ở mức thấp trong nhiều thập kỷ. Một gói kích thích kinh tế của chính phủ được đưa ra để đối phó với đại dịch đã khắc phục hậu quả của chúng đối các doanh nghiệp nhỏ.

Tất nhiên, một số công ty, cửa hàng lâu đời cũng có khả năng cao bị đóng cửa do tình hình kinh doanh bế tắc hoặc đơn giản hơn là không thể tìm được người kế nghiệp phù hợp. Sự phát triển của công nghệ đôi lúc cũng gây ảnh hưởng lớn tới mảng đồ thủ công.

Bà Hasegawa, 60 tuổi, thừa nhận đôi khi bà cảm thấy áp lực về lịch sử của cửa hàng. Mặc dù công việc kinh doanh không mang lại nhiều thu nhập, nhưng mọi người trong gia đình từ khi còn nhỏ "đã được cảnh báo rằng miễn là ai trong chúng ta vẫn còn sống, chúng ta cần phải tiếp tục".

Nguồn tin: dantri.com.vn


Covid   Covid-19   Lãi suất   Nhật Bản   doanh nghiệp   du lịch   khủng hoảng   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...