02/10/2020 17:50  
Với hai nhóm riêng biệt, cuộc đua tranh ngôi vô địch và quyền trụ hạng V-League 2020 càng thêm khó dự báo do đặc thù của các cuộc đối đầu trực tiếp.

Đội bóng duy nhất có thể không biết làm gì ở giai đoạn hai là Đà Nẵng. Với 16 điểm, họ đang hơn đội chót bảng Quảng Nam đến bảy điểm trong khi nhóm trụ hạng chỉ đá năm vòng. Như vậy, trừ khi thua toàn bộ năm trận còn lại thì đội bóng của Lê Huỳnh Đức mới xuống hạng. Đà Nẵng, vì thế, sẽ là "ẩn số" quyết định đến khả năng trụ hạng của năm đội còn lại.

Hoàn cảnh của Đà Nẵng khác hẳn trường hợp Hà Tĩnh ở top 8 tranh vô địch. Dù đứng cuối nhóm này, với 18 điểm, khoảng cách giữa họ và đội đầu bảng Sài Gòn FC chỉ là sáu điểm, trong khi mỗi đội ở nhóm này đá bảy vòng. Đá 13 trận, nhưng Hà Tĩnh chỉ thua ba, số lần thủng lưới chỉ là 12 - thống kê tốt hơn năm đội khác trong nhóm. Dựa vào các con số thuần túy, thầy trò Phạm Minh Đức không giống một đội bóng yếu chút nào. Tất nhiên, cửa vô địch của Hà Tĩnh rất hẹp, do họ mới thắng bốn trận, trong khi nhà vô địch, theo tính toán, cần tới chín trận thắng. Nhưng với tâm lý thoải mái, bóng chưa lăn, cũng khó nói điều gì.

Để thấy rõ điều này, hãy quay về vòng 13 - vòng cuối của giai đoạn một. Sài Gòn FC vẫn giữ ngôi đầu, nhưng trận hòa Quảng Ninh ngay tại Thống Nhất cho thấy mọi lợi thế mà đội bóng do Chủ tịch kiêm HLV Vũ Tiến Thành dẫn dắt đang có đều rất mong manh. Đây là trận thứ ba liên tiếp Sài Gòn FC không thắng, tính từ trận hòa Quảng Nam hồi tháng 7. Một nhà vô địch trong tương lai phải biết thắng những trận cần thiết, đặc biệt là với các đối thủ trực tiếp. Sài Gòn FC lại có ưu thế sân nhà, nhưng không tận dụng được. Vì vậy, đó chính là điểm yếu lớn nhất của họ. Thế nên, giả sử Sài Gòn FC để thua Hà Tĩnh ngay trận đầu giai đoạn hai, thì khoảng cách sáu điểm hiện tại không còn ý nghĩa nữa.

Một kết quả khác cũng có thể lấy để làm ví dụ, đó là trận hòa của Hà Nội trên sân nhà trước Thanh Hóa. Đấy đã là trận mất điểm thứ hai liên tiếp của nhà vô địch, và đều diễn ra trước các đội phải tranh trụ hạng. Ở vòng 12, họ hòa trên sân Quảng Nam. Chi tiết này khẳng định phong độ của các đội bóng tại V-League hiện nay rất phập phù, trình độ giữa các đội cũng sít sao nhau. Các đội bóng bị đẩy vào đường cùng, sẽ sử dụng lối chơi tử thủ, hoàn toàn có thể khiến các đội mạnh hơn nhiều phải bất lực trong việc tìm chiến thắng. Đem cái tâm thế đó vào giai đoạn hai, lại càng khó dự báo. Lối chơi thực dụng nhiều khả năng sẽ lên ngôi trong những vòng đấu sắp đến của V-League 2020.

Trên thực tế, thực dụng đã là "từ khóa" của giai đoạn một. Nó tạo ra một V-League 2020 rất kịch tính, hấp dẫn, nhưng về chuyên môn thì có vấn đề. Không đội bóng nào đạt bảy trận thắng qua 13 vòng. Đây là thống kê kém nhất trong tất cả mùa giải V-League có đủ 14 đội (đá 13 trận lượt đi). Nếu ở các mùa giải bình thường, nhà vô địch cần ít nhất 14 trận thắng, và vì thế, thông thường, các ứng cử viên phải vượt qua giai đoạn một với ít nhất bảy chiến thắng, mới có thể nghĩ đến chuyện đăng quang cuối mùa.

Dễ thấy nhất của hiện tượng "không cần thắng, chỉ cần không thua" là số trận hòa của đội đầu bảng Sài Gòn FC ngang với Hà Tĩnh (cùng sáu trận). Qua 13 trận, Sài Gòn chỉ thủng lưới bảy bàn, Hà Tĩnh cũng chỉ mới nhận 12 bàn thua. Như vậy đà đi lên của họ - đi từ chỗ bị đánh giá thấp hồi đầu giải đến vào nhóm tranh vô địch - chủ yếu dựa trên khâu phòng thủ. Ngay cả các đội được xem là mạnh như Bình Dương hay HAGL, cơ sở để họ đứng trong top 8 sau giai đoạn một cũng nhờ hàng phòng ngự chứ không phải hàng công. Từ lúc đưa ra quan điểm "đá đẹp, thua cũng được" đến nay, đây là mùa đầu tiên mà HAGL kết thúc giai đoạn một với ít hơn 20 bàn thua.

Điều này tương phản với thống kê của các đội bóng được đánh giá là ứng cử viên vô địch như Hà Nội FC, Viettel hay phần nào đó là TP HCM. Ba đội đều có nhiều hơn các đội còn lại trong top 8 về số bàn thắng lẫn bàn thua. Các con số đó khiến họ chưa có được vị trí tốt ở giai đoạn một, nhưng nó cho thấy tiềm lực về tấn công, yếu tố đóng vai trò then chốt trong mọi cuộc đua vô địch, nhất là với các trận đấu "được ăn cả, ngã về không" ở giai đoạn hai, khi các đội phải so kè nhau về số trận thắng chứ không phải là "ít thua nhất".

Ở phía bên kia, cục diện cũng tương tự, vẫn phải quyết định trụ hay rớt hạng dựa vào tỷ lệ trận thắng. Ví dụ đội chót bảng Quảng Nam có số trận thua ngang với Nam Định - cùng 8 trận, nhưng họ lại kém đối thủ đến bốn điểm là do chỉ mới thắng hai trong khi đội bóng thành Nam đã có đến bốn chiến thắng. Dựa vào thống kê, để trụ hạng thành công thì tối thiểu phải có năm chiến thắng, nghĩa là Quảng Nam phải có thêm ba trận đấu thành công trong năm vòng đấu ở giai đoạn hai, một nhiệm vụ quá đổi khó khăn bởi các đội xếp trên của Quảng Nam sắp đến sẽ nhắm đến các trận hòa để duy trì khoảng cách thay vì hướng đến các chiến thắng để đua vô địch như nhóm bên trên.

Song Việt

Nguồn tin: vnexpress.net


HCM   HLV   Hà Nội   Nga   Sài Gòn   V-League   thành công   Đà Nẵng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...